Cố Cung tại Bắc Kinh xa xưa được gọi là Tử Cấm Thành. Nó là công trình kiến trúc cổ đại bằng gỗ hoàn chỉnh nhất và lớn nhất trên thế giới.
Tử Cấm Thành cũng được coi là khu vườn hoàng gia lớn nhất được lưu lại từ thời cổ đại, nổi tiếng trong và ngoài nước. Nơi đây từng có 24 vị hoàng đế Trung Hoa sinh sống, là hoàng cung của hai triều đại nhà Minh Thanh (1368 – 1912). Đây có thể coi là kiệt tác kiến trúc cổ đại huy hoàng nhất trên thế giới.
Tương truyền, hoàng đế Vĩnh Lạc thời nhà Minh trong những năm đầu khi xây dựng chính quyền, đã xây dựng và tu sửa Cố Cung ở phương bắc và núi Võ Đang ở phương nam. Bởi vậy, những công trình kiến trúc ở hai khu vực này đều thuộc về cùng một thời đại. Tuy nhiên, phong cách kiến trúc tại Cố Cung và Núi Võ Đang có sự khác nhau rất lớn.
Điểm tương đồng và khác biệt của Tử Cấm Thành và Tử Tiêu Cung
Nhìn nhận từ góc độ thi công, Cố Cung được xây dựng ở đồng bằng, bình địa, còn địa hình núi Võ Đang lại tương đối phức tạp. Nhìn nhận từ góc độ phong cách kiến trúc, các trục đối xứng các đường chỉ đều rất rõ ràng, tỉ mỉ chặt chẽ, ngay ngắn hợp quy tắc, là lối kiến trúc với phong cách phô diễn ở vùng đất bằng phẳng.
Còn công trình trên núi Võ Đang được thi công trên vách đá dựng thẳng đứng, tận dụng địa thế dựa vào núi, thuận theo tự nhiên, thể hiện tư tưởng Thiên Nhân hợp nhất và sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên của Đạo gia. Cố Cung là nơi hoàng đế xử lý những việc quốc gia đại sự. Còn núi Võ Đang là điện thờ nơi triều đình cúng tế Chân Vũ Đại Đế. Vào thời cổ đại, rất nhiều vị quan triều đình cùng những tín đồ Phật giáo, Đạo giáo đều tới đây cầu khẩn Chân Vũ Đại Đế để mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Võ Đang còn được gọi là núi Thái Hòa, núi Huyền Nhạc, nằm ở phía nam thành phố Thập Yển, tây bắc của tỉnh Hồ Bắc, phía bắc thông với núi Tần Lĩnh, phía nam tiếp giáp với ngọn Ba Sơn.
Theo Thái Hoà sơn chí, cuối thời Đông Hán, sau khi Đạo giáo xuất hiện, núi Võ Đang được tôn là Tiên sơn, Đạo sơn, Trung Hoa Đạo giáo đệ nhất sơn. Theo truyền thuyết, hai chữ “Võ Đang” lấy từ câu: “Phi chân võ bất túc dĩ đang chi”, ý tứ là không phải chân võ thì không đủ tư cách để ở lại. Đa số tên gọi khác của núi Võ Đang đều có nguồn gốc từ Đạo giáo cùng với việc thờ phụng Thần Tiên, cho nên núi còn được gọi là “Đệ nhất tiên sơn”. Tương truyền rằng, vào thời thượng cổ, đây là nơi Chân Vũ Đế đã đắc Đạo phi thăng.
Truyền thuyết kể rằng, thái tử Chân Vũ của vương quốc Tịnh Lạc thời cổ đại vào núi Võ Đang tu đạo năm ông 15 tuổi. Bởi ý chí không kiên định nên muốn xuống núi về nhà. Trên đường xuống núi, ông gặp một bà lão đang ngồi mài thanh sắt bên cạnh một cái giếng liền hỏi bà cụ đang làm gì? Bà lão đáp: “Kiên trì mài sắt có thể thành kim, có chí thì nên, bỏ công sức tất sẽ có thành quả”. Thái tử lập tức tỉnh ngộ, quay lại núi tu hành và tu thành đắc đạo, trở thành Chân Vũ Đại Đế của Đạo giáo.
Sau này, Võ Đang trở thành danh sơn nổi tiếng của đạo giáo. Các triều đại trong lịch sử đều có người đến núi Võ Đang xây dựng am, dốc lòng tu luyện như Doãn Hỉ triều nhà Chu, Âm Trường Sinh triều nhà Hán, Tạ Doãn triều nhà Tấn, Lữ Thuần Dương triều nhà Đường, Tịch Nhiên Tử triều nhà Tống, Y Cát của triều nhà Chu, Tạ Sung của triều nhà Tấn, Trần Cật của Ngũ Đại, Trương Tống Thanh triều đại nhà Nguyên và nổi danh nhất là Trương Tam Phong đời nhà Minh. Ông đã sáng lập “Võ Đang quyền thuật” tại đây và cùng với võ công của Thiếu Lâm nổi danh hậu thế.
Năm 627 – 649 niên hiệu Trinh Quán triều nhà Đường, thiên hạ gặp phải đại nạn. Vua Đường Thái Tông đã phái người lên núi Võ Đang cầu mưa. Sau khi cầu mưa linh nghiệm, Hoàng đế đã “phong sơn”, xây dựng “Ngũ Long từ” trên núi Võ Đang. Thời Tống, Nguyên, các kiến trúc không ngừng được xây dựng tăng thêm.
Sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ đăng cơ thành công vào năm Vĩnh Lạc thứ 11 (năm 1413), tự cho rằng đã được Chân Vũ Đại Đế bảo hộ. Bởi vậy cùng với việc tu sửa xây dựng Cố Cung, Hoàng đế đã thực hiện việc tu sửa, xây dựng chưa từng có trên núi Võ Đang. Ông phái Công bộ thị lang Quách Cẩn cùng 300.000 nhân công, thợ thủ công dành thời gian 12 năm để xây dựng quần thể kiến trúc quy mô lớn. Quần thể kiến trúc hùng vĩ đã hình thành bao gồm: 8 cung, 2 quán, 36 am đường, 72 nham miếu, cùng với 39 cầu, 12 đình đài và “Thần đạo” lên núi được lát toàn đá xanh. Diện tích kiến trúc lên tới 160 vạn m2 và kéo dài hơn 70 cây số. Từ đó, núi Võ Đang trở thành trung tâm Đạo giáo của khu vực, Hoàng đế các triều đại đều hết sức tôn sùng.
Toàn bộ danh thắng gồm có 72 đỉnh, 36 hang, 24 khe, 11 động, 3 đầm, 9 suối, 10 ao, 9 giếng, 10 thạch, 9 đài. Đặc biệt là “72 đỉnh” trổ lên từ mặt đất vô cùng hùng vĩ. Trong đó “Thiên trụ phong” là đỉnh chính, độ cao so với mực nước biển là 1.612m, vươn thẳng trong mây, được gọi là “nhất trụ kình thiên” (cột trụ chống trời).
Huyền Nhạc Môn, cổng chính của núi Võ Đang là một cổng vòm bằng đá cao 20 mét, rộng 13 mét, ba gian, bốn trụ, năm tầng trên có khắc bốn chữ “Trị Thế Huyền Nhạc”, khí thế phi phàm, uy vũ trang nghiêm. Toàn bộ công trình kiến trúc đều được làm bằng đá chạm khắc tinh tế, có giá trị nghệ thuật rất cao. Từ Huyền Nhạc Môn đến Kim Đỉnh ‘Thần đạo” đều được lát bằng những phiến đá xanh.
Đi vào Huyền Nhạc Môn 1km có thể nhìn thấy Ngộ Chân Cung. Đây là nơi Trương Tam Phong từng dựng am sinh sống. Hai hoàng đế Chu Nguyên Trương và Chu Đệ đều muốn triệu kiến ông, nhưng ông đều vân du bốn phương, tránh không gặp mặt, người đời gọi ông là