Chế độ Trung Quốc đã đổ thêm dầu vào lửa giận dữ của cộng đồng quốc tế sau khi Quốc hội hôm 28/5 đã chính thức bỏ phiếu ủng hộ luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Bắc Kinh muốn sử dụng luật an ninh này để dập tắt các tiếng nói đồng chính kiến tại Hồng Kông.
Tuyên bố Hồng Kông là “pháo đài của tự do”, Mỹ và các đồng minh chính gồm Anh, Úc và Canada đã phát đi tuyên bố chung chỉ trích mạnh mẽ động thái của Trung Quốc, cảnh báo rằng luật an ninh Hồng Kông có thể gây tổn hại cho vị thế trung tâm tài chính quốc tế của thành phố bán tự trị này. Hồng Kông vốn nổi tiếng thế giới nhờ có nền pháp trị và tự do dân sự mà Trung Quốc đại lục không có.
Mỹ và các đồng minh nói rằng dự luật an ninh mà Quốc hội Trung Quốc trực tiếp thông qua, bỏ qua chức năng lập pháp của nghị viện Hồng Kông, trong đó trực tiếp cấm các hành vi “ly khai, lật đổ và khủng bố” là “mâu thuẫn trực tiếp với các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc” và gây nguy cơ gia tăng các căng thẳng hiện tại ở Hồng Kông, đặc biệt kích hoạt lại các cuộc biểu tình.
Mỹ, Anh đưa ra cảnh báo
Trong một cuộc họp báo tại London sau khi có tin Trung Quốc đã phê duyệt luật an ninh Hồng Kông, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã thúc giục chế độ Bắc Kinh “hãy dừng lại trước bờ vực và tuân thủ trách nhiệm của một thành viên hàng đầu của cộng đồng quốc tế”.
Nếu “Trung Quốc tiếp tục con đường này”, thì Anh Quốc sẽ trao quyền thị thực lớn hơn cho công dân Hồng Kông đang có hộ chiếu hải ngoại của Anh bằng cách hủy bỏ giới hạn hiệu lực thị thực 6 tháng, mở đường cho công dân Hồng Kông có thể định cư lâu dài tại Anh Quốc, ông Raab nói.
Theo số liệu từ chính phủ Anh Quốc, hiện 300.000 người Hồng Kông sinh ra trước khi hòn đảo này được Anh Quốc trao trả về Trung Quốc năm 1997 đang có hộ chiếu hải ngoại của Anh.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ đã cam kết trừng phạt Trung Quốc vì vi phạm các quyền tự do của Hồng Kông.
Vài giờ sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh gây tranh cãi, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn viết trên Twitter: “Mỹ phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm. Quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hôm nay sẽ gây hậu quả cho thế hệ sau… Hôm nay, tất cả chúng ta đều là người Hồng Kông”.
Trung Quốc vẫn chưa công bố chi tiết luật an ninh Hồng Kông, nhưng các nhà phê bình cảnh báo rằng luật này sẽ có ảnh hưởng vượt xa giới hạn lãnh thổ Hồng Kông.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio viết trên Twitter: “Có hai bài học lớn từ những gì mà ĐCSTQ đang làm với Hồng Kông là chế độ này có thể ký hầu hết bất cứ thỏa thuận nào bởi vì nếu/khi nó không còn phù hợp với họ, họ sẽ phá vỡ bất cứ cam kết nào họ đã từng đưa ra; và những gì họ đang làm hôm nay đối với Hồng Kông là điều họ có thể làm với Đài Loan trong tương lai”. Hồng Kông nguy cơ mất vị thế đặc biệt
Một ngày trước khi Trung Quốc thông qua luật an ninh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viện dẫn “những sự kiện trên thực địa” đã xác nhận với Quốc hội Mỹ rằng Hồng Kông không còn quyền tự trị từ Trung Quốc Đại lục, và sẽ không còn tiếp tục đủ điều kiện để hưởng ưu đãi đặc biệt theo luật Mỹ. Những đặc quyền này, bao gồm một loạt các lĩnh vực về thương mại, đầu tư và nhập cư đã giúp Hồng Kông được miễn trừ các khoản thuế nhập khẩu mà Mỹ đang áp lên hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Hiện nay vẫn chưa rõ liệu chính quyền Trump có xúc tiến hủy bỏ các đặc quyền của Hồng Kông hay không. Nếu muốn là việc này, tổng thống Trump chỉ cần ký lệnh hành pháp, không phải để quốc hội thông qua luật.
Trong tuyên bố hôm 27/5, Ngoại trưởng Pompeo nói: “Mặc dù Mỹ đã từng hy vọng rằng một Hồng Kông tự do và thịnh vượng sẽ đem đến hình mẫu cho nhà nước Trung Quốc toàn trị, nhưng bây giờ rõ ràng là Trung Quốc đang biến Hồng Kông theo hình mẫu của chính họ”.
Theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Trump ký thành luật vào năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm ít nhất một lần phải đưa ra đánh giá xem liệu Hồng Kông có đủ độc lập chính trị để tiếp tục được duy trì vị thế đặc biệt là thực thể tách biệt hoàn toàn với Trung Quốc Đại lục hay không.
Ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á, hôm 27/5 nói rằng Mỹ có thể thực thi “một danh sách rất dài nhiều thứ” để khiến Bắc Kinh đảo ngược cách họ đang làm tại Hồng Kông.
“Tôi nghĩ rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cố gắng bám chắc vào điều này: họ muốn tôn trọng tự do kinh tế tại Hồng Kông, nhưng không cảm thấy phải tôn trọng tự do chính trị. Bạn không thể chỉ có một trong hai điều này”, ông David Stilwell nói với báo giới trong một cuộc họp báo qua điện thoại.
Ông David Stilwell nói thêm rằng các biện pháp của Mỹ có thể là khá rộng, bao gồm việc cấm nhập cảnh đối với các quan chức chịu trách nhiệm thông qua và thực thi luật và áp đặt các chế tài kinh tế. Ông David Stilwell cũng lưu ý rằng ông sẽ không “dự đoán hoặc giới hạn các biện pháp” mà Mỹ có thể áp chế lên Trung Quốc.
Chứng khoán Hồng Kông đã giảm nhẹ khoảng 0,7% vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch hôm 28/5.
Tổng thống Trump dự kiến sẽ tổ chức họp báo về vấn đề Trung Quốc vào thứ Sáu 29/5 (giờ Mỹ).
Đầu tuần này, ông Trump đã nói ông sẽ thực hiện hành động mạnh mẽ chống lại Bắc Kinh nếu họ thông qua luật an ninh Hồng Kông. Nhưng thời điểm đó, ông Trump từ chối nói rõ các biện pháp mà Mỹ sử dụng để đáp trả Trung Quốc là gì.
Trong xu thế quốc tế mạnh mẽ ủng hộ quyền tự trị của Hồng Kông, khoảng 630 nhà lập pháp khắp thế giới đã cùng ký tên vào một lá thư chung công khai lên án việc Bắc Kinh đơn phương giới thiệu luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.
“Cái chết của nền dân chủ tại Hồng Kông là điều tất cả chúng ta nên đặc biệt quan ngại”, ông Benedict Rogers, đồng sáng lập Hong Kong Watch – nhóm ủng hộ dân chủ Hồng Kông có trụ sở tại Anh Quốc nói trong bức thư chung.
“Chúng tôi hy vọng rằng tuyên bố quốc tế của các nhà lập pháp từ các quan điểm chính trị và địa lý khác nhau sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng thế giới sẽ không im lặng cho phép xóa bỏ mô hình ‘Một Quốc gia, Hai Chế độ’ chỉ sau một đêm”, ông Benedict Rogers nói.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 28/5 nói rằng bà “thất vọng” với kết luận của chính quyền Trump về vị thế của Hồng Kông, nhưng bà cũng nói “không còn kết luận nào khác hơn thế”.
“Tất cả chúng ta nên lên tiếng chống lại luật an ninh đó, không chỉ Mỹ… mà mọi người khắp thế giới đều nên lên tiếng chống lại nó. Đó là một động thái trắng trợn của chính phủ Trung Quốc”, bà Pelosi nói trong một buổi họp báo hôm 28/5.
Trung Quốc hiện vẫn đang im lặng bất thường sau khi Mỹ không chứng thực Hồng Kông có quyền tự trị. Bắc Kinh chưa đưa ra tuyên bố chính thức về phản ứng mới nhất của Mỹ.
Trong buổi họp báo hôm 28/5 sau buổi bỏ phiếu ủng hộ luật an ninh Hồng Kông, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói một cách khó khăn về luật này trong 45 giây. Trong chưa đầy một phút này, ông Lý đã phải ba lần nhìn vào tờ giấy chuẩn bị sẵn.
Như Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
The post Anh, Mỹ chỉ trích Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông appeared first on Trí Thức VN.
2020-05-28 19:39:02
Nguồn: https://trithucvn.net/the-gioi/anh-my-chi-trich-trung-quoc-thong-qua-luat-an-ninh-hong-kong.html