Tam quốc diễn nghĩa khắc họa hình tượng Quan Vân Trường, người anh hùng trung nghĩa với điển cố treo ấn gói vàng, vượt năm ải chém sáu tướng Tào để trở về bên Lưu Bị. Trong lá thư giãi lòng cùng huynh trưởng, Quan Công từng nhắc đến một câu chuyện ông đã đọc từ thuở nhỏ, khiến ông cảm khái mà sa nước mắt.
Sau khi kết nghĩa vườn đào, ba anh em Lưu Quan Trương một lòng tôn phù Hán thất, chống lại các lực lượng quân phiệt chia cắt Trung Quốc lúc bấy giờ. Nhưng vì thế cô lực mỏng, phải long đong khắp nơi, trải nhiều khổ cực. Sau trận thua Tào Tháo ở Từ Châu, ba người lạc nhau, Quan Vũ phải tạm đầu hàng để bảo toàn sinh mạng của hai chị dâu và nghe ngóng tin Lưu Bị. Về sau, để báo ân, Quan Công đã giúp Tào Tháo giải vây thành Bạch Mã, chém Nhan Lương và Văn Sú là hai tướng yêu của Viên Thiệu. Lưu Bị lúc bấy giờ đang nương nhờ họ Viên, biết tin em thì vội vã viết thư, thư rằng:
“Bị cùng túc hạ, kết nghĩa vườn đào, thề cùng sống thác, nay sao nửa đường bỏ nhau, cắt đứt ân nghĩa? Túc hạ nếu muốn lập công danh, toan đường phú quý, Bị xin đem đầu dâng túc hạ để túc hạ lập nên công lớn. Thư nói không xiết, chịu chết ngồi chờ lệnh”.
Quan Công xem xong thư thì khóc to, viết lại lá thư bày tỏ nỗi lòng mình.
“Trộm nghĩ: đã là nghĩa thì không bao giờ phụ lòng; đã là trung thì không bao giờ sợ chết. Vũ này từ thuở nhỏ bé đọc sách, hơi biết lễ nghĩa. Xem truyện Dương Giác Ai và Tả Bá Đàothường than thở hai ba lần, mà sa nước mắt.
Khi trước giữ thành Hạ Phì, trong lòng không có thóc chứa, ngoài chẳng có viện binh, đã toan liều chết, nhưng vì có trọng trách đối với hai chị, không dám quyên sinh để phụ lòng uỷ thác của anh, cho nên còn tạm nương náu đây, mong có ngày cùng nhau tụ hội.
Mới đây em đến Nhữ Nam, mới biết tin anh. Xin lập tức từ giã Tào công, đem hai chị về. Em bằng có bụng khác, thần người cùng giết. Moi gan rạch mật, bút giấy nói không hết lời, bái kiến có ngày, xin nhủ lòng soi xét”.
Tấm lòng của Quan Công son sắt lắm thay! Thuở xưa khi đọc những dòng này, tôi tự hỏi Dương Giác Ai và Tả Bá Đào là ai mà khiến Vân Trường “than thở hai ba lần, mà sa nước mắt”? Câu chuyện về họ là thế nào mà khiến ông đọc sách từ thuở bé, ghi khắc mãi trong tim? Quan Công nhắc lại cố sự này với Lưu Bị, hẳn rằng nó có liên quan đến tình cảnh chia cắt lúc bấy giờ của Lưu-Quan, và chắc rằng mấy chữ đó đủ bộc bạch tấm lòng kẻ sĩ.
Sau này, cơ duyên khiến tôi đọc được câu chuyện đầy đủ về Dương Giác Ai và Tả Bá Đào, mừng rỡ xiết bao.[1] Tôi đã hiểu, vì sao Quan Công đọc truyện lại xúc động sâu xa đến thế. Nay kính xin được chia sẻ cùng quý độc giả tri âm.
Truyện Dương Giác Ai và Tả Bá Đào
Thời Lục quốc, Sở Vương sùng Nho trọng Đạo, chiêu hiền nạp sĩ. Thiên hạ nghe tin quy phục, nhiều không đếm được. Ở núi Tích Thạch ở Tây Khương, có một người đọc sách, họ Tả tên là Bá Đào, từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, ông vừa mưu sinh vừa chăm chỉ đọc sách, đã thành tựu tài năng an bang tế thế. Bấy giờ ông tuổi đã gần tứ tuần, bởi các nước chư hầu thôn tính lẫn nhau, kẻ hành nhân chính thì ít mà cậy sức mạnh thì nhiều, nên ông vẫn chưa theo đuổi công danh. Nghe nói Sở Vương trọng nhân nghĩa, hiện đang cầu kẻ sĩ hiền năng khắp các nơi, ông bèn thu xếp sách vở hành lý, cáo biệt bạn bè láng giềng, lên đường đi gặp Sở Vương.
Tả Bá Đào đi liên tục đến địa phận Úng Châu, đúng lúc thời tiết giá lạnh, mưa to gió lớn, ông đội mưa đi được một ngày, áo quần đều ướt cả. Nhìn xem thấy trời đã tối, bèn đến thôn xóm gần đó tìm chỗ trú. Từ xa xa thấy trong rừng trúc có ánh đèn xuyên qua khung cửa sổ, liền đi thẳng đến đó. Thấy một bờ rào thấp thấp, bao quanh một gian nhà tranh. Ông đi thẳng đến gõ nhẹ cửa, có một người mở cửa đi ra.
Tả Bá Đào vội vàng thi lễ nói: “Tiểu sinh là người ở Tây Khương, họ Tả, tên là Bá Đào. Muốn đến nước Sở, không ngờ giữa đường gặp mưa, không chỗ nào tìm được quán trọ. Muốn nương nhờ tá túc một đêm, sớm mai sẽ đi ngay, không biết ông có thu nhận?”. Người kia nghe nói vậy, vội vàng đáp lễ, mời ông vào trong nhà. Bá Đào thấy trong phòng chỉ có một cái sạp, trên sạp chất đầy sách, ngoài đó ra thì không có vật nào khác. Biết người kia cũng là người đọc sách, ông bèn muốn hỏi thăm. Người kia nói: “Tạm hãy khoan nói chuyện lễ số, trước tiên lấy lửa hong khô quần áo rồi hãy nói chuyện”.
Đêm đó người kia dùng trúc khô nhóm lửa, cùng Bá Đào hong khô quần áo. Lại chuẩn bị rượu và đồ ăn cho Bá Đào dùng, khoản đãi ân cần chu đáo. Bá Đào hỏi tên họ người kia. Người ấy nói: “Tiểu sinh họ Dương, tên là Giác Ai, từ nhỏ mồ côi cha mẹ, sống một mình chỗ này. Bởi vì thích đọc sách quá, việc ruộng vườn đều bỏ hoang hết cả. Hôm nay hạnh ngộ người hiền sĩ từ xa đến đây, nhưng chỉ hận gia cảnh bần hàn, không có gì để khoản đãi ra trò, còn phải xin được lượng thứ nhiều!”. Bá Đào nói: “Trong mưa gió, lại được thu nhận, khiến tôi không phải chịu cái khổ mưa hàn, nhờ ơn ông lấy đồ ăn thức uống khoản đãi, tấm lòng cảm kích mãi không quên!”. Đêm đó, hai người không ngủ, bàn luận học vấn của mình, suốt cả đêm không ngừng.
Đến ngày hôm sau, thấy bên ngoài vẫn mưa không ngừng, Giác Ai bèn giữ Bá Đào ở lại, lấy mọi thứ khoản đãi. Hai người kết làm huynh đệ, Bá Đào nhiều hơn Giác Ai 5 tuổi, Giác Ai bái Bá Đào làm huynh trưởng. Ở lại suốt 3 ngày, mưa tạnh đường khô. Bá Đào nói: “Hiền đệ có tài năng giúp vua, kinh luân đầy mình, mà lại cam lòng ẩn cư ở nơi núi rừng suối biếc, thực là quá đáng tiếc”. Giác Ai nói: “Đệ không phải là