Đó là một trong những sai lầm cơ bản nhưng rất nguy hiểm của cha mẹ trong cách xử lý khi trẻ lên cơn sốt cao co giật mà bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cảnh báo, trong bối cảnh hàng tháng, khoa luôn tiếp nhận trên dưới 10 ca trẻ phải cấp cứu (khoảng 300 ca mỗi năm) vì những vấn đề liên quan đến co giật, động kinh.
Theo BS Phương, nhiều cha mẹ quá lệ thuộc vào những kinh nghiệm dân gian hay lời chỉ dẫn của bạn bè, người thân mà có những cách xử trí không đúng khi trẻ lên cơn sốt co giật. Một trong những sai lầm có thể kể ra là quan niệm vắt chanh cho vào miệng trẻ sẽ giúp cơn co giật kết thúc, hay có trường hợp người nhà tự lấy muỗng đưa vào miệng cho trẻ cắn. Tuy nhiên hành động này là rất nguy hiểm, bởi lúc này đường thở của trẻ không hoạt động, khi chanh được đưa vào miệng có thể tuột vào luôn bên trong gây hóc dị vật đường thở, thậm chí làm trẻ tím tái, ngưng thở.
“Trẻ em từ 5 tháng đến 6 tuổi khi sốt cao (trên 39 độ C) có khả năng co giật lành tính. Đây là những cơn co giật thường ngắn, kéo dài tối đa từ 1-2 phút và sau cơn co giật, bệnh nhân tỉnh táo bình thường, không để lại di chứng gì hết. Tuy nhiên, nếu bé không sốt mà vẫn co giật, sau co giật bị liệt nửa người hoặc hôn mê, để lại di chứng ngưng thở thì đã liên quan đến bệnh lý, đa phần là bệnh lý thần kinh trung ương” – BS Phương phân tích.
Những bệnh lý hay gặp nhất là động kinh, nhiễm khuẩn ở hệ thần kinh trung uơng (như viêm màng não do siêu vi), rối loạn điện giải do tiêu chảy, mất nước do hạ/tăng natri trong máu gây co giật. Ngoài ra, sau khi bệnh nhân bị chấn thương phù não cũng gây co giật. Những trường hợp bệnh lý này chỉ chiếm khoảng 20% những ca nhập viện, còn lại đa phần là lành tính.
Chính vì vậy, vấn đề xử trí của cha mẹ khi con lên cơn co giật để không bị di chứng là rất quan trọng.
“Khi co giật, trẻ thường bị mất ý thức, phản xạ hầu, họng mất đi, biểu hiện là tình trạng hít sặc. Di chứng cơ bản nhất là tình trạng thiếu oxy ở não. Phụ huynh cần tìm cách làm cho nhớt từ miệng chảy ra để không làm thiếu oxy, ngửa đầu trẻ ra để đường thở được thông. Nếu trẻ lên cơn sốt phải tìm cách cho trẻ hạ sốt ngay bằng các phương pháp vật lý như: lau nước ấm, đặt thuốc sốt ở hậu môn. Làm mọi cách để trẻ không bị tím, kê đầu cao, không để miệng trẻ bị ách tắc. Thông thường khi trẻ bị co giật lành tính thì sẽ tự hết” – BS Phương đưa ra lời khuyên cho các phụ huynh.
- Muốn con có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, mẹ nên nhớ những điều này (2)
- Trẻ nhỏ bị chân vòng kiềng (2)
- Vì sao bé ăn nhiều chất xơ vẫn bị táo bón? (2)