Tổng thống Donald Trump đã tung một đòn lớn vào Syria khi phóng hàng loạt tên lửa hành trình đến nước này. Vậy sau động thái cứng rắn ngày 7/4, Mỹ sẽ làm gì?
Ngày 7/4 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội Mỹ phóng hàng loạt tên lửa hành trình vào một sân bay quân sự của Syria. Cây bút Laura Smith của CNN cho rằng, tấn công bằng tên lửa hành trình là biện pháp quân sự an toàn đối với Mỹ, vì nó không đòi hỏi phi công phải mạo hiểm tiến sâu vào mạng lưới phòng không của Syria.
Mỹ dùng 59 tên lửa hành trình tấn công Syria ngày 7/4 (Ảnh: Reuters). |
Song giới phân tích quân sự cho rằng, đây chỉ là một trong những biện pháp quân sự mà ông Trump có thể áp dụng để tung đòn trừng phạt đối với Chính phủ Syria. Theo chuyên gia dự báo, sắp tới có thể một loạt các động thái quân sự sẽ tiếp diễn.
Theo chuyên gia Justin Bronk tại tổ chức Nghiên cứu Khoa học Quân sự RUSI (Anh), sau cú đáp trả bằng tên lửa ngày 7/4,, Mỹ có thể tìm cách thực hiện nhiều cuộc tấn công trừng phạt nhằm vào các tài sản quân sự của Syria, hoặc thậm chí cả giới lãnh đạo nước này.
Tuy nhiên, Mỹ cũng sẽ gặp trở ngại lớn từ hệ thống phòng không của Nga ở Syria nếu triển khai.
Nhà quân sự Bronk phân tích, Nga xây dựng hệ thống phòng không từ khi tham gia vào chiến dịch chống lại tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria hồi năm 2015. Nga cũng chuyển đến “chảo lửa” Trung Đông nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến như S-300, S-400… những hệ thống này đang giúp Moscow kiểm soát hiệu quả phần lớn không phận Syria.
“Moscow chắc chắn không để Washington tiến hành tấn công Syria, nên quân đội Mỹ sẽ phải dùng chiến đấu cơ tàng hình như F-22, hoặc B-2 để tránh bị hệ thống phòng không Nga phát hiện. Những mục tiêu bị nhắm tới có thể là các kho quân sự hoặc hệ thống phòng không của Syria”, ông Bronk nói.
Tổng thống Donald Trump đã bàn bạc với Hội đồng An ninh Quốc gia nhiều phương án khác nhau dành cho Syria, nhằm đáp trả vụ tấn công vũ khí hóa học hôm mùng 4/4. Cuối cùng Trump đã đưa ra quyết định tấn công bằng tên lửa. |
Để tiến hành không kích tại Syria, chính quyền Donald Trump sẽ phải chấp nhận rủi ro, khả năng xung đột với Nga. Chính Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Nga Igor Kanashenkov từng đưa ra lời cảnh báo, bất cứ cuộc không kích nào nhắm vào quân đội Syria, Nga sẽ có hành động đáp trả ngay lập tức.
Xem thêm >>> Thượng đỉnh Trump – Tập: Dùng cơm thân mật trước khi vào ‘đấu trí’
Trong khi đó, Giám đốc Chương trình xử lý điểm nóng và xung đột, đại học Johns Hopkins (Mỹ) gợi ý, Mỹ cũng có thể tiến hành kế hoạch thiết lập những khu vực an toàn ở Syria. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama cũng do dự để thiết lập vùng an toàn, nhưng xét về lợi ích, phương án này tốn kém, khó thực hiện mà lại không có hiệu quả cao đối với Syria.
Tháng Ba vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington ủng hộ ý tưởng lập “vùng ổn định tạm thời” ở Syria để những người tị nạn có thể đi lại an toàn. Tuy nhiên, ông Tillerson cũng không cung cấp chi tiết về kế hoạch bảo vệ những vùng đó, nên vẫn có nguy cơ đụng độ quân sự với Nga.
Một lựa chọn quân sự khác mà Mỹ có thể sử dụng, đó là tấn công trên bộ. Tháng trước, Mỹ cũng đã điều một lượng lớn lính đặc nhiệm, lính thủy đánh bộ đến Syria. Tuy nhiên, bài học ở chiến trường Iraq hồi năm 2003 vẫn còn đó, Mỹ rất dễ sa lầy không lối thoát khi thực hiện.
Xem thêm >>> Nga đã cảnh báo ‘hậu quả tiêu cực’ nếu Mỹ tấn công vào Syria
Phương Anh
2017-04-07 15:00:18
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/my-se-lam-gi-sau-khi-rai-tham-ten-lua-tomahawk-xuong-syria-a321229.html