Hãng sản xuất Lockheed Martin dường như đã mất hứng thú phát triển F-35 Lightning II, sau khi chiếc siêu tiêm kích này ngày càng gặp nhiều lỗi.
Mới đây, trên tờ National Interest, cây viết quân sự Dan Grazier đã kết luận, tiêm kích F-35 Lightning II của hãng sản xuất Lockheed Martin là “thảm họa quốc gia” trị giá 1,4 nghìn tỷ USD.
Mẫu tiêm kích F-35 của Mỹ. (Ảnh: AP) |
“Trước khi ra đời, F-35 được hi vọng trở thành chiếc tiêm kích đa nhiệm. Nhưng những thử nghiệm mới nhất cho thấy nó kém xa so với kỳ vọng, kể cả khi so sánh với những chiếc tiêm kích mà nó sẽ thay thế. Tin đó thật đáng buồn”, Grazier viết trong một bài bình luận.
Tuy nhiên, thực tế lại khác, và Lầu Năm Góc dường như không lường trước được điều này.
Tiêm kích thế hệ 5 F-35 được hi vọng sẽ khắc phục những nhược điểm của mẫu F-22 và được trang bị cho cả 3 lực lượng Hải quân, Lục quân và Lính thủy đánh bộ Mỹ.
Hiện tại, 175 mẫu máy bay thử nghiệm của F-35 đã hoàn thiện với 3 biến thể phù hợp với mục đích sử dụng của từng binh chủng của quân đội Mỹ. F-35A dành cho Không quân, F-35B dùng cho Lính thủy đánh bộ – cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng, còn F-35C dùng cho Hải quân.
Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, bên cạnh những ưu điểm nhất định, những phiên bản của F-35 đều có những hạn chế lớn như phi công có thể bị gãy cổ khi cố thoát khỏi máy bay, động cơ tiêm kích nặng và không bền vững, việc tiếp nhiên liệu rất phức tạp và tốn thời gian hay sự phức tạp của những chương trình chạy trên máy bay…
“Thật khó hiểu khi ai đó có thể nói rằng F-35 thật tuyệt vời”, Grazier nhận xét. Theo ông, tiếp tục phát triển chương trình F-35 sẽ tiếp tục gây tốn tài nguyên, thời gian, tiền bạc và nguồn lực trong những năm tới. Đồng thời, F-35 sẽ chỉ là tiêm kích hạng 2, thậm chí không thể thực hiện những nhiệm vụ mà các máy bay đời tiền nhiệm đã từng trải qua.
“Những binh sĩ trên bầu trời có nhiệm vụ bảo vệ đất nước, họ xứng đáng nhận được những thứ tốt hơn”, chuyên gia nhận xét.
Bình luận về vấn đề này, Tổng Giám đốc Hiệp hội Công nghệ Hàng không Nga Viktor Pryadka cho rằng, nhà sản xuất Lockheed Martin dường như đang mất hứng thú với chiếc tiêm kích đầy hạn chế trên đây.
F-35 liên tiếp biểu hiện những thiếu sót trong quá trình thử nghiệm. (Ảnh: Lockheed Martin) |
Ông cũng lưu ý rằng, trong thực tế, tiêm kích F-35 đã được phát triển trong hơn một thập kỷ (lần đầu được thử nghiệm vào năm 2006), và trong giai đoạn đó, quan niệm về năng lực chiến đấu của nó đã thay đổi.
“Máy bay được phát triển theo 3 biến thể với mục đích hàng hải (phiên bản hoạt động trên tàu sân bay), mục đích phòng không (phiên bản cất và hạ cánh thông thường), và phiên bản cất-hạ cánh thẳng đứng. Tuy nhiên, kết quả cho tới nay vẫn khá mơ hồ. Ngoài ra, tiêm kích này còn dự kiến sẽ được xuất khẩu, nhiều quốc gia đã đặt mua, vì vậy những công nghệ mà nhà sản xuất trang bị cho nó sẽ không còn là bí mật của riêng Mỹ”, ông Pryadka giải thích.
Theo chuyên gia, có thể hãng sản xuất Lockheed Martin không có tầm nhìn rõ ràng khi phát triển F-35, vì thế nên những lỗi xuất hiện trên loại tiêm kích này ngày càng nhiều.
“Có lẽ, các nhà thiết kế của Lockheed Martin không được khéo léo cho lắm nên chất lượng của dòng tiêm kích này đã bị ảnh hưởng. Sự nhiệt tình của họ đang dần suy giảm, họ mất hứng thú, dẫn đến ngày hoàn thành luôn bị trì hoãn”, ông Pryadka nói thêm.
Ông nhớ lại, một số máy bay “đàn anh” của F-35 là F-22 Raptor đã được giao cho quân đội Mỹ. Tuy nhiên, do sự phức tạp từ thiết kế cũng như những thiết bị trên khoang lái đã khiến cho chi phí chế tạo đội lên đáng kể.
Câu hỏi đặt ra là hiệu quả khi sử dụng những loại vũ khí tinh vi như vậy có xứng đáng với chi phí mà Mỹ bỏ ra hay không, chuyên gia lưu ý.
“Có lẽ giới chức Mỹ đang lo ngại về những khoản tiền phải bỏ ra cho những chương trình như vậy, vì ngân sách có thể được dùng để giải quyết những vấn đề cấp bách hơn”, Pryadka nói.
Theo ước tính của Lầu Năm Góc, chương trình F-35 sẽ ngốn khoảng hơn 1 nghìn tỷ USD trong khoảng 50 năm.
Tổng tống Mỹ Donald Trump đã nỗ lực hạ giá thành của những chiếc máy bay. Kể từ tháng 12 năm ngoái, ông đã nhiều lần thảo luận về chương trình F-35 với Marillyn Hewson, Giám đốc điều hành của tập đoàn Lockheed Martin.
Hồi tháng 1 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã yêu cầu xem xét lại chương trình trên và xem xét giảm chi phí với Boeing F/A-18.
“Hiện vẫn chưa rõ Lầu Năm Góc và các nhà thầu có tiếp tục bỏ qua những thông tin không mấy dễ nghe về hiệu suất của F-35 và tiếp tục khiến người dân Mỹ và các nhà hoạch định chính sách phải thất vọng vì chiếc siêu tiêm kích này hay không”, cây viết Grazier kết luận trong bài viết của mình.
Xem thêm: Litva: ‘Nga có khả năng tấn công Baltic chỉ trong vòng 24 giờ’
Danh Tuyên
2017-04-07 01:40:12
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/sieu-tiem-kich-f-35-pha-tan-giac-mong-cua-lau-nam-goc-a321138.html