Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump can dự vào những vấn đề đối ngoại khi Tổng thống đương nhiệm Barack Obama chưa rời Nhà Trắng đã đẩy Mỹ rơi vào tình cảnh “một quốc gia hai tổng thống” rắc rối.
Giữa tuần vừa qua, Tổng thống đương nhiệm Mỹ Obama đã có cuộc điện đàm được mô tả là “hòa giải” với người kế nhiệm. Cuộc thảo luận này của ông Obama và ông Trump diễn ra trong bối cảnh hai người vừa có những căng thẳng về việc chuyển giao quyền lực.
Trước đó, trên Tweet, ông Trump viết: “Tôi đã làm tốt nhất có thể để bỏ qua những rào cản và phát ngôn mang tính kích động của Tổng thống Obama. Tôi từng nghĩ mọi việc sẽ rất suôn sẻ nhưng không phải!”.
Theo Atlantic, hiện trạng chính trị nước Mỹ đang ở trong tình cảnh “một quốc gia hai tổng thống” rắc rối và khó hiểu nhất trong lịch sử vì ông Donald Trump tham gia vào nhiều sự kiện quốc tế trước khi nhậm chức.
Kể từ khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã tỏ ra lấn lướt Tổng thống đương nhiệm Obama trong việc xử lý một số vấn đề thế giới. Trong khi ông Obama tuyên bố sẽ trả đũa việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Trump lại tỏ ra hoài nghi về cáo buộc này và cảm ơn ông Putin vì tấm thiệp mừng Giáng sinh rất đẹp.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama có nhiều bất đồng trong quan hệ đối ngoại. |
Trong khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc trả lại Mỹ chiếc tàu lặn không người lái (UUV) mà Bắc Kinh thu giữ ở Biển Đông, ông Trump lại lên Twitter tuyên bố: “Trung Quốc cứ giữ lấy chiếc UUV”.
Sự khác nhau trên một loạt vấn đề giữa hai người được New York Times miêu tả như “hai chính quyền tranh chấp tay đôi với nhau.” Động thái này cũng đi ngược nguyên tắc: nước Mỹ chỉ nên có một tổng thống vào mỗi thời điểm.
Theo nhận định của bình luận viên Uri Friedman của tờ The Atlantic, quãng thời gian chuyển giao quyền lực giữa các đời tổng thống luôn là thời kỳ phức tạp đối với nước Mỹ và thế giới, nhưng chưa từng có tổng thống đắc cử nào trực tiếp can dự vào những vấn đề đối ngoại như ông Donald Trump.
Nhìn lại lịch sử chính trường Mỹ có thể thấy rõ điều này. Năm 1992, sau khi thắng cử, Tổng thống đắc cử Bill Clinton tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm, đồng thời khẳng định nước Mỹ luôn chỉ có một tổng thống duy nhất dù ở thời điểm nào.
Năm 2000, sau khi vượt qua ứng viên đảng Dân chủ Al Gore, Tổng thống George W. Bush cũng từ chối bình luận về các hồ sơ nóng như Triều Tiên và Israel cho đến khi ông nhậm chức vào đầu năm 2001.
“Chúng ta chỉ có một tổng thống và tổng thống nước Mỹ hiện nay là Clinton. Nước Mỹ cần phải thể hiện một tiếng nói thống nhất”, ông Bush từng chia sẻ như vậy.
Và gần đây nhất, năm 2008, đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống Obama cũng tiếp tục khẳng định rằng vị Tổng thống da màu này tôn trọng nguyên tắc “một tổng thống” của nước Mỹ khi im lặng trước một vấn đề nóng tại thời điểm đó là cuộc chiến tại dải Gaza. “Nguyên tắc mang tính “hiến pháp” này rất quan trọng trong việc triển khai các chính sách đối ngoại của Mỹ”, thư ký báo chí của ông Obama từng nhấn mạnh.
New York Times nhận định, các tổng thống tân cử có xu hướng tránh can thiệp vào chính sách của người tiền nhiệm khi họ chưa nhậm chức. Tuy nhiên, đến năm 2016, khi ông Trump đắc cử, mọi chuyện diễn biến khác hẳn.
Đặc biệt nhất phải kể đến vấn đề liên quan đến việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án việc Israel xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine.
Mỹ, đồng minh lâu năm của Israel, đã bỏ phiếu trắng và không dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn nghị quyết này. Trước thực tế này, giới chức Israel liên lạc trực tiếp với ông Trump để nhờ ông can thiệp. Và ông Trump, qua Tweet đã đưa ra yêu cầu chính quyền Obama phủ quyết nghị quyết trên.
Ông Trump sau đó còn viết trang cá nhân rằng: “Liên quan đến Liên Hợp Quốc, mọi chuyện sẽ khác sau ngày 20/1″.
Sự khác biệt và những mâu thuẫn giữa Tổng thống đắc cử và Tổng thống đương nhiệm của Mỹ đã tạo ra tình cảnh lộn xộn khiến một nghị sĩ đảng Dân chủ phải đệ trình dự luật sửa đổi điều khoản trong Luật Logan năm 1799, trong đó yêu cầu tổng thống đắc cử không được tham gia thực thi các quyết định đối ngoại có ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế toàn cầu của Mỹ.
Đào Vũ
2016-12-30 01:08:24