Bộ Ngoại giao Mỹ vừa xác nhận thông tin rằng một đại sứ quán Mỹ giả ở Ghana đã bị lực lượng chức năng phát hiện. Đại sứ quán nằm ngay giữa thủ đô mà không ai hay biết.
Bí ẩn ngôi nhà màu hồng
Nằm ở Accra, thủ đô Ghana (Tây Phi), ngôi nhà 2 tầng màu hồng luôn mang đầy đủ các dấu hiệu cho thấy đây là đại sứ quán Mỹ: Cờ Mỹ luôn được treo mỗi thứ Hai, thứ Ba và thứ Sáu, từ 7h30 đến 12h.
Và hình Tổng thống Barack Obama luôn hiện diện bên trong ngôi nhà. Vậy nhưng thực chất tòa nhà không thuộc quyền quản lý của chính quyền Washington mà là nơi để các tổ chức tội phạm gốc Ghana và Thổ Nhĩ Kỳ lộng hành kiếm tiền.
Để hợp thức hóa và tạo dựng màn kịch hoàn hảo, những kẻ tội phạm thuê hẳn một luật sư người bản địa chuyên về luật di trú và luật hình sự. Còn các nhân viên đại sứ quán mang mác công dân Thổ Nhĩ Kỳ nói tiếng Anh và tiếng Hà Lan.
Cũng chính vì tạo ra vỏ bọc hoàn hảo như vậy nên đại sứ quán giả này hoạt động công khai và ngang nhiên suốt 10 năm mà không bị phát hiện.
Ngôi nhà của đại sứ quán Mỹ giả ở thủ đô Ghana (Tây Phi). |
Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, lý do căn bản khiến tổ chức phi pháp này tồn tại rất lâu mới bị phát hiện và triệt phá là bởi những kẻ tội phạm đã móc nối với các quan chức tham nhũng địa phương để được bảo kê.
Sự việc có lẽ sẽ chẳng được biết đến nếu không có “Chiến dịch tiên phong Spartan” mà các nhân viên an ninh ngoại giao thuộc Văn phòng An ninh khu vực (RSO) của Đại sứ quán Mỹ ở Ghana triển khai nhằm đối phó nạn buôn người và làm giấy tờ giả tại Ghana và khu vực.
Và trong quá trình điều tra một vụ việc khác, những tin tức về đại sứ quán Mỹ giả đã dần được hé lộ. Một cuộc điều tra quy mô lớn về ngôi nhà màu hồng và những hoạt động bên trong đó được tiến hành khẩn trương. Đội đặc nhiệm quốc tế được tung ra các ngả.
Và những nhà điều tra đã không khỏi giật mình khi biết đến những chiêu tinh vi mà những kẻ đầu sỏ thao túng toàn bộ đường dây áp dụng để vận hành đại sứ quán giả mạo.
Theo đó, tòa nhà màu hồng cơ bản chỉ được dựng lên để tạo hình thức vỏ bọc về một cơ quan hợp pháp chứ thực chất gần như không có hoạt động trực tiếp gì diễn ra ở đây.
Theo trang state.com, trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, các “nhân viên” đại sứ quán giả không tiếp khách hàng đến liên hệ trực tiếp tại tòa nhà, mà đi đến những vùng quê xa xôi của Tây Phi để tìm mối. Họ quảng cáo dịch vụ làm thị thực Mỹ, đăng trên các tờ rơi và phát đi rộng rãi.
Khi tìm được khách hàng, những kẻ lừa đảo đội lốt “nhân viên” đại sứ quán sẽ bố trí xe đưa khách đến thủ đô, đặt phòng nghỉ cho khách và chờ đúng đến giờ nhất định thì đưa đến đại sứ quán làm một số thủ tục đã được trao đổi trước.
Để hỗ trợ cho các hoạt động mua bán, trao đổi phi pháp, những kẻ lừa đảo còn dựng nên hai địa điểm hoạt động ẩn dưới hình thức là cửa hàng bán quần áo và căn hộ chung cư. Trong đó, cửa hàng chính là nơi in ấn giấy tờ giả.
Qua khám xét, đội đặc nhiệm đã thu thập được rất nhiều các tang chứng cho hoạt động phi pháp của những kẻ lừa đảo như laptop, điện thoại thông minh, 150 hộ chiếu của 10 nước, thị thực Mỹ hợp pháp và giả mạo, thị thực Schengen, Ấn Độ và Nam Phi, cùng các giấy tờ tùy thân giả khác.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng phát hiện dấu vết cho thấy nhiều hồ sơ giả đã được gửi sang các nước châu Phi và châu Âu. Một số tên tội phạm đã lọt lưới và cảnh sát Ghana lên kế hoạch truy nã.
Nhằm đảm bảo quá trình thâm nhập hiện trường để điều tra thành công, luật sư Ghana thậm chí đã phải đánh lừa các nhà điều tra địa phương nhằm ngăn cản họ tiếp cận nơi này với mục đích tẩu tán tang vật cũng như tạo điều kiện cho các quan chức tham nhũng có đủ thời gian sắp xếp bảo lãnh cho những thành viên của băng nhóm tội phạm.
Một trong số 150 hộ chiếu thu được từ đại sứ quán Mỹ giả ở Ghana. |
Đại sứ quán giả cung cấp thị thực thật
Điều đáng kinh ngạc nhất trong quá trình điều tra mà đội đặc nhiệm nhận thấy là thị thực vào Mỹ mà cơ sở này cung cấp là thị thực hợp pháp. Chỉ có điều chúng được lấy qua con đường phi pháp và người dùng sử dụng giấy tờ giả, kể cả giấy khai sinh.
Mỗi thị thực này được bán với giá khoảng 6.000 USD/tờ. Ngoài thị thực, đường dây này còn nhận công chứng giấy tờ, từ hồ sơ ngân hàng, hồ sơ học tập, giấy khai sinh….
Bằng cách nào bọn tội phạm lấy được các giấy tờ gốc của chính quyền Washington, như thị thực nhập cảnh vào Mỹ để bán ra cho khách là câu hỏi khiến các nhà điều tra cũng như lực lượng chức năng Mỹ vô cùng bối rối.
Không rõ đã có bao nhiêu người đến Mỹ bằng các thị thực hợp pháp do đại sứ quán giả này cung cấp và có bao nhiêu tài liệu giả được cơ sở này in ấn trong suốt cả chục năm hoạt động.
Mỹ luôn là miền đất hứa của nhiều người trên thế giới vì thế xưa nay những chuyện bê bối liên quan đến việc cấp thị thực vào Mỹ từng xảy ra ở nhiều đại sứ quán Mỹ.
Đầu năm 2000, tại sứ quán Mỹ ở thủ đô Georgetown của Guyana, một viên chức đại sứ quán có tên Thomas Carroll, là người phụ trách bộ phận visa không di dân, bị phát hiện đã bán tới 800 visa với giá từ 10.000-15.000 USD/visa và kiếm khoảng 4 triệu USD.
Khi vụ việc bại lộ, Carroll thậm chí thuê cả sát thủ để đe dọa những nhân chứng định ra làm chứng chống lại y. Theo tờ Los Angeles Times, Carroll khi đó thường sử dụng “cò” để bán visa thay vì bán visa trực tiếp cho người mua. Năm 2002, Thomas Carroll bị kết án 22 năm tù. Ít nhất 26 người trong tổng số những người từng được Carroll bán visa sau đó đều phạm tội từ gây mất trật tự cho đến tội nặng như cưỡng dâm tập thể.
Thị trường thị thực đưa người vào Mỹ từ lâu đã trở thành mục tiêu béo bở của các tổ chức tội phạm. Được biết sau vụ triệt phá “ổ” làm giấy tờ giả tại Accra và các chiến dịch truy bắt khác, số lượng hồ sơ giả chuyển ra nước ngoài đã giảm đến 70% tại Tây Phi.
Những người liên quan tới các hành vi gian lận visa ở Mỹ có thể bị truy tố hình sự. Trường hợp không bị truy tố hình sự, tất cả visa gian lận sẽ bị hủy bỏ và những người từng có visa gian lận này sẽ không thể vào Mỹ trong vòng 10 năm hoặc thậm chí lâu hơn.
Đ.V
2016-12-22 23:48:54