Tạp chí Foreign Policy vừa cho đăng tải một biên bản ghi nhớ của Lầu Năm Góc phác thảo “4 ưu tiên quốc phòng hàng đầu” của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Theo đó, bà Mira Ricardel, Chủ tịch nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump, cho biết 4 ưu tiên hàng đầu về quốc phòng của ông Trump gồm có: Phát triển chiến lược đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria; Xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, bao gồm cả việc loại bỏ các rào cản về ngân sách, phát triển lực lượng cả về số lượng lẫn chất lượng; Phát triển chiến lược an ninh mạng mới toàn diện hơn; Hiện đại hóa kỹ thuật quân sự với hiệu quả lớn hơn.
Thượng viện Mỹ mới đây cũng thông qua dự luật về ngân sách năm 2017 của Lầu Năm Góc. Theo đó tổng ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2017 sẽ đạt gần 619 tỉ USD.
Như vậy nghĩa là ngân sách đã tăng thêm 9 tỉ USD so với đề nghị ban đầu của Tổng thống Obama. Số tiền tăng thêm này dành để tăng 2,1% lương cho binh sĩ, tăng thêm 16.000 quân nhân lục quân và 3.000 quân nhân lực lượng lính thủy đánh bộ.
Trong số ngân sách quốc phòng này, các thành viên thuộc ủy ban phụ trách quốc phòng và quân sự, Quốc hội Mỹ đề nghị được phân bổ 3,4 triệu USD nhằm củng cố quốc phòng cho các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết biện pháp đó là do “những hành động hung hăng của Nga”. Dự luật trên cũng nêu mối đe dọa khủng bố và dòng người di cư đổ về châu Âu từ Trung Đông là lý do của việc phân bổ ngân sách như vậy.
Cũng theo dự luật này, mọi sự hợp tác quốc phòng với Nga sẽ bị giới hạn cho tới khi Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cung cấp bằng chứng mà phía Mỹ cho là “chấm dứt cách hành xử hung hăng với các quốc gia láng giềng”, cụ thể là vấn đề Ukraine liên quan đến bán đảo Crimea – vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014.
Cũng trong ngày dự luật được thông qua 27 thượng nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đã gửi một bức thư tới Tổng thống đắc cử Donald Trump, kêu gọi ông có đường lối cứng rắn đối với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine.
Các nghị sĩ này cho rằng Mỹ cần tăng cường ủng hộ Ukraine về chính trị, kinh tế và quân sự, trong đó bao gồm cả viện trợ vũ khí sát thương mang tính phòng thủ, nhằm giúp Kiev ngăn chặn các hành động thù địch trong tương lai.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump luôn tỏ ra thân thiện vớiNga, đề cao mối quan hệ với Nga. Ông còn nhiều lần khen ngợi Tổng thống Putin.
Tuy nhiên, dù đã tăng đáng kể ngân sách sách quốc phòng, Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn cho rằng khoản ngân sách này không đủ để quân đội Mỹ hoạt động.
Ý kiến của ông cũng nhận được sự đồng thuận của Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John McCain.
Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ Mac Thornberry cho rằng ngân sách quốc phòng không đủ, đồng thời bày tỏ hy vọng chính quyền mới của Donal Trump sẽ trình lên quốc hội đề nghị ngân sách bổ sung để có thể thực sự bắt đầu việc tái xây dựng quân đội.
Kế hoạch về quân sự của ông Trump có thể khiến chi tiêu quốc phòng Mỹ thậm chí đẩy lên mức cao hơn. Ủy ban Giải trình Ngân sách Liên bang dự đoán, kế hoạch quân sự của ông Trump sẽ khiến chi tiêu quốc phòng Mỹ tăng thêm 150 tỉ USD.
Sở dĩ kế hoạch quân sự của ông Trump tăng như vậy là bởi ông không muốn cắt giảm nhân sự của Lục quân vốn sẽ chạm đáy ở mức 450.000 quân thường trực vào năm 2018.
Ông muốn tăng quân số thêm 60.000 người và bổ sung một số lượng chưa xác định thủy thủ cho 78 tàu chiến và tàu ngầm mà ông có kế hoạch đóng trong vài năm tới.
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng mong muốn, lực lượng không quân Mỹ sẽ sở hữu ít nhất 1.200 chiến đấu cơ, 12.000 lính thủy đánh bộ để phục vụ trong các tiểu đoàn xe tăng và cơ giới.
Đào Vũ
2016-12-22 15:48:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/4-uu-tien-quan-su-cua-chinh-quyen-ong-donald-trump-a310198.html