năm sau khi chính quyền Gaddafi sụp đổ, hình ảnh của Libya giờ đây là một quốc gia kiệt quệ. Trái ngược với những gì đẹp đẽ mà các quốc gia can thiệp từng hứa sẽ mang đến cho đất nước này.
Năm năm sau sự sụp đổ của nhà cầm quyền Muammer Gaddafi ngày 20/10/2011, Libya đã trở thành một quốc gia kiệt quệ. Tình trạng vô luật pháp, bạo lực sắc tộc và hỗn loạn ở khắp mọi nơi, trái ngược với những gì đẹp đẽ mà các quốc gia can thiệp từng hứa sẽ mang đến cho đất nước này.
Nhà lãnh đạo độc tài Lybia Muammar al-Gaddafi. |
Sau sự kiện 11/9, Mỹ bắt đầu săn lùng chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu. Afghanistan, Iraq, Libya và hiện giờ là Syria đang bị lôi kéo vào một cuộc xung đột nhằm tranh giành tầm ảnh hưởng toàn cầu, và trở thành đối tượng của cái gọi là “thúc đẩy dân chủ” từ phương Tây.
Chỉ trước “cách mạng” một năm, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc vẫn coi Libya là một đất nước phát triển cao ở Trung Đông và Bắc Phi.
Theo các báo cáo, tỷ lệ người dân Lybia biết chữ đạt con số 88,4%, tuổi thọ trung bình 74,5 tuổi, các chỉ số xã hội khác như bình đẳng giới đều được đánh giá tích cực.
Ngoài ra, Libya vẫn tăng trưởng kinh tế đều đặn hàng năm, với tỷ lệ 4,2% trong năm 2010 và có thể tự hào về mức dự trữ ngoại hối vượt quá con số 150 tỷ USD.
Thế nhưng, đến năm 2016, Mỹ đã phải thừa nhận Lybia là một “quốc gia thất bại”.
Trong một phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tháng ba, Tướng David Rodriguez dự đoán sẽ phải mất “10 năm hoặc lâu hơn” để đạt được sự ổn định dài hạn từ một “xã hội rạn nứt”.
Hiện nay ở Lybia không có một chính phủ hợp pháp hay một chính quyền quản lý đất nước rõ ràng.
Thay vào đó, có ba thế lực cạnh tranh kiểm soát từng phần lãnh thổ riêng. Trong đó có Chính Phủ Hòa Hợp Quốc Gia (GNC) được quốc tế công nhận, lãnh đạo bởi Thủ tướng Fayez al-Sarraj, có trụ sở tại thủ đô Tripoli.
Xung đột bạo lực, tình trạng vô luật pháp trở thành việc thường ngày ở Lybia. |
Bên cạnh Chính phủ Cứu quốc Lybia tự xưng, dẫn đầu bởi Khalifa Ghwell, cũng có trụ sở tại Tripoli. Và thế lực thứ 3 nằm ở Tobruk, phía đông của đất nước, được dẫn dắt bởi Khalifa Haftar, người đứng đầu quân đội quốc gia Libya (LNA), nhân vật có xu hướng chống Hồi giáo.
Về kinh tế, nguồn thu dầu mỏ vốn chiếm đến 90% ngân sách dưới thời Gaddafi, nay đã giảm một nửa.
Bạo lực ngày một lan rộng kể từ năm 2011. IS cũng xây dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc ở quốc gia này, dù trong những tháng gần đây các tổ chức khủng bố đã phải chịu áp lực rất lớn ở Sirte từ lực lượng đại diện quân sự của GNC.
Tác động của sự hỗn loạn có thể được đo bằng số lượng người tị nạn Libya rời bỏ quê hương, cố gắng vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu. Trong quá trình này, hàng ngàn người đã bỏ mạng trên biển.
Cho đến lúc này, quốc gia Bắc Phi đã trở thành một chương đau khổ trong chính sách ngoại giao của phương Tây, khi chính Nhà Trắng phải lên tiếng thừa nhận họ đã thất bại ở Lybia.
Sau sự kết thúc của “mùa xuân Ả Rập”, phong trào lật đổ nhà độc tài Tunisia Ben Ali và nhà lãnh đạo Ai Cập Hosni Mubarak vốn không tạo được tầm ảnh hưởng ở Libya.
Thay vào đó, tại Benghazi, trung tâm của phong trào chống Gaddafi chỉ gồm phần lớn là người Hồi giáo hiếm ưu thế. Các cuộc biểu tình ở Libya không thực sự có quy mô lớn như truyền thông phương Tây phóng đại lên.
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Muammer Gaddafi. |
Theo điều tra của Trung tâm Khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer thuộc Trường Harvard Kennedy cho thấy, chính quyền Gaddafi không kích động bạo lực ở Libya bằng hành vi tấn công người biểu tình hòa bình.
Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Ân xá Quốc tế có bằng chứng cho thấy tại 4 thành phố xảy ra bạo động ở Libya tháng 2/2011, chính người biểu tình kích động các cuộc tắm máu trước và chính quyền Gaddafi tổ chức chiến dịch tấn công các nhóm nổi dậy vũ trang nhưng không bắn giết thường dân.
Mỹ sau đó đã bị cáo buộc cùng với NATO dựa trên tuyên bố bảo vệ thường dân của mình để cố tình lật đổ chế độ của Gaddafi.
Trong những email rò rỉ của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được Wikileaks công bố hồi đầu năm nay hé lộ rằng, lý do Mỹ ngay lập tức phải hành động là bởi chính phủ Lybia đã có ý định xây dựng một đồng tiền chung châu Phi đảm bảo bằng vàng, cạnh tranh với đồng euro và đồng đô la – một động thái được cho là có thể làm đảo lộn nền kinh tế thế giới.
Ngay sau đó, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, và bà Hillary Clinton là hai nhân vật ủng hộ nhất trong việc thúc đẩy sự can thiệp của NATO vào Lybia.
Trong lần trả lời phỏng vấn hồi tháng 4, khi được hỏi về sai lầm lớn nhất của mình trong suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama thừa nhận đó là việc ông đã không lường trước được hậu quả của sự can thiệp từ NATO ở Libya và khiến cho quốc gia này ngày càng trở nên bất ổn, hỗn loạn.
“Có lẽ thất bại lớn nhất của tôi là không lường trước được hậu quả của việc mà bản thân mình cho là đúng khi can thiệp vào Libya”, ông Obama chia sẻ
Cả Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton một mặt cho rằng sự can thiệp của NATO vào Libya là chính xác, nhưng đồng thời khẳng định các quốc gia, bao gồm cả Mỹ đã thất bại trong việc lập nên một chính phủ ổn định ở Libya về sau.
Quốc Vinh
2016-10-20 16:16:12
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/buc-tranh-u-toi-cua-lybia-sau-5-nam-che-do-gaddafi-sup-do-a303479.html