Cựu ông “bầu” bóng đá xứ Thanh, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ lại vừa làm nóng diễn đàn cuộc hội thảo của cộng đồng doanh nghiệp sáng 11/7 bằng câu chuyện đang “nóng” ở Thanh Hóa tuần qua.
Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: Quang Duy). |
Hôm 11/7, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo về dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp tổ chức. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Bộ KHĐT, lãnh đạo VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp đã đến dự.
Tại đây, cựu ông “bầu” của bóng đá xứ Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Thanh Hóa – Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ đã một lần nữa làm nóng hội trường vì những phát biểu thẳng thắn, trực diện xung quanh những rào cản đối với cộng đồng doanh nghiệp ở Thanh Hóa.
Theo ông Đệ, nhiều năm nay, có thể nói là do phát triển quá nóng, Chính phủ muốn một tay nâng đỡ doanh nghiệp lớn, nhưng lại quên mất rằng tay còn lại phải nâng đỡ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nên mặc dù đã có sự quan tâm nhưng chưa thật sự sâu sắc.
Một số chính sách không phù hợp dẫn đến việc các DN lớn được bao thầu dự án, được giao đất sạch và lấy ngân sách nhà nước để giải phóng mặt bằng. Một số địa phương bao thầu cho các DN lớn thực hiện những dự án, các DN lớn lại bóc lột và chèn ép DNNVV chứ không hề có thị trường bình đẳng.
“Với những DN lớn nhưng họ phát triển bằng vốn, bằng năng lực của họ thì tôi đồng ý, nhưng DN lớn mà sử dụng ngân sách nhà nước và quan hệ thì họ lại quay ra bóp chết DNNVV. Đó là thực trạng mà các nhà hoạch định chính sách cần thấu hiểu để có được chính sách tốt hơn,” ông Nguyễn Văn Đệ nói.
Ngoài những vấn đề liên quan đến chính sách luật để hỗ trợ DNNVV, ông Đệ đề cập đến vấn đề đạo đức của những người thực thi công vụ khi tình trạng công chức vi phạm luật công chức ở các tỉnh bây giờ rất nhiều và họ bao biện cho nhau, nạn chèn ép đối với DN và với nhân dân ngày một nghiêm trọng.
“Tôi nói ví dụ như ở tỉnh Thanh Hóa, tình trạng của DNNVV như cá nằm trên thớt, mặc dù đã có Hiệp hội Doanh nghiệp thật, nhưng Hiệp hội đứng ra bảo vệ cho một thành viên lép vế là người ta quay sang “đánh” Hiệp hội ngay”, ông Đệ phát biểu.
Câu chuyện mà ông Đệ đang ám chỉ chính là câu chuyện xảy ra tại Thanh Hóa 1-2 tuần gần đây. Doanh nghiệp Huy Lâm phản ánh bị Sở xây dựng Thanh Hóa quan liêu, chậm trễ trong thẩm định hồ sơ xây dựng công trình bể bơi khu vui chơi cho thiếu nhi ở huyện Thạch Thành. Sở Xây dựng thì đổ tại DN tự ý xây dựng khi chưa có giấy phép. Theo ông Đệ thì khi DN phản ánh, Sở này quay ra trả đũa thanh tra đột xuất DN, còn khi Chủ tịch Hiệp hội DN (ông Đệ) đứng ra bảo vệ DN thì Sở quay ra thanh tra luôn cả Chủ tịch Hiệp hội.
Và mặc dù Sở Xây dựng đáp trả gay gắt, cho rằng việc mình làm là đúng, việc thanh tra hoàn toàn là công tâm khách quan chứ không phải trả đũa DN như phản ánh thì câu chuyện này cũng gây lùm xùm cả tỉnh Thanh Hóa những ngày gần đây, khiến cho Tỉnh ủy phải chỉ đạo Ủy ban nhân dân, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ vào cuộc làm rõ nội tình.
“Cách đây 2 ngày Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa họp ban chấp hành, các doanh nghiệp nói với tôi rằng anh chớ có nghỉ, vì đến như anh mà người ta còn đánh thì bọn em chết,” doanh nhân Nguyễn Văn Đệ bức xúc nói.
Ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng cần loại bỏ ngay cơ chế xin – cho cũng như các loại giấy phép con ở các địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa, vì đụng đến các giấy phép con thì nói ngược nói xuôi kiểu gì DN cũng sai, và đó là nguyên nhân nảy sinh tiêu cực, mâu thuẫn.
Không dừng lại ở câu chuyện chung chung, ông Đệ chĩa thẳng mũi dùi về phía giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa – ông Đào Vũ Việt: “Một ông Giám đốc Sở Xây dựng, không hiểu có ai bao che cho mà quyền lực ghê gớm thế. DN chúng tôi đến còn không tiếp. Đây không phải là trường hợp duy nhất mà gần như phổ biến ở tỉnh”.
“Mấy tháng nay Chính phủ vào cuộc rất quyết liệt, nhưng thực sự là không ngấm được xuống địa phương, mấy DN làm ăn tử tế ở địa phương luôn vào thế yếu” – ông Đệ phản ánh.
Trao đổi thêm bên lề hành lang hội thảo, ông Đệ cho rằng Luật thì tốt nhưng nếu đội ngũ thực thi pháp luật không thay đổi, thì Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa tới đây khi ra đời cũng chỉ để cho có mà thôi. Chúng ta vất vả, bỏ công sức và chất xám ra nghiên cứu dự án luật, Quốc hội ngồi lại với nhau để cho ra Luật, thế nhưng nếu như công chức địa phương cứ trả thù trả đũa nhau thế này Luật có cũng như không.
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa trong vòng vây của báo chí bên lề Hội thảo (Ảnh: Quang Duy). |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định việc hỗ trợ DNNVV là một hoạt động dịch vụ công chứ không phải là xin –cho. Đây là dịch vụ phải cung cấp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng một nhà nước kiến tạo, tạo lập và các cơ quan công quyền và cơ quan dịch vụ công phải khắc phục.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nêu quan điểm: Nhà nước có trách nhiệm cung cấp dịch vụ công, nhưng tôi cũng xin lưu ý là dịch vụ công hoàn toàn có thể chuyển giao cho các tổ chức xã hội để họ thực hiện, nên tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia cùng với nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công, cái gì mà xã hội và thị trường làm được thì nên để cho xã hội và thị trường làm. Điều tôi mong muốn ở Dự Luật này là làm sao có được hai chữ “bình đẳng” và bỏ đi hai chữ “xin – cho.
Liên quan đến câu chuyện phản ánh của ông Nguyễn Văn Đệ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định VCCI sẽ có nhóm công tác làm việc chính thức với tỉnh Thanh Hóa sau đó sẽ có báo cáo với Thủ tướng.
Theo ANTT