Nghị sĩ Đài Loan đổ bộ trái phép lên đảo Ba Bình, Úc tiếp tục tuần tra biển Đông, Đô đốc Mỹ cảnh báo TQ tập trận không an toàn ở Biển Đông… là những tin tức tình hình Biển Đông mới nhất ngày 20/7.
Xung đột Biển Đông có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu
Với căng thẳng gia tăng trong những năm gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là những động thái khiêu khích ngang ngược của Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế lo ngại một cuộc xung đột trong khu vực có thể ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu.
ASEAN cần đồng thuận về bảo vệ an ninh môi trường Biển Đông
Theo Vietnam Plus, ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM49) và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 21-26/7 tại Vientiane, Lào, trang tin Geopoliticalmonitor chuyên phân tích, bình luận về các vấn đề chính trị, quân sự đã đăng bài phân tích cho rằng trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vừa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với đường lưỡi bò Trung Quốc tại Biển Đông, ASEAN cần đạt được sự đồng thuận về vấn đề an ninh môi trường tại Biển Đông.
Theo các học giả tham gia thảo luận tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Mỹ ngày 12/7, năm thẩm phán của Tòa Trọng tài đã đồng lòng nhất trí đưa ra quyết định thể hiện rõ trong tài liệu dài 501 trang, giáng những đòn mạnh vào các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo nguồn tin trên, cả Mỹ và ASEAN vẫn chưa hết nghi ngờ về các luận điệu tuyên truyền và các lời hứa của Trung Quốc đồng thời hiểu rõ các vấn đề an ninh của Trung Quốc, trong đó có vấn đề an ninh lương thực.
Các cuộc họp của ASEAN tại Lào diễn ra trong tuần này sẽ là cơ hội để ASEAN đoàn kết đưa ra tuyên bố liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài, cam kết xây dựng COC, tôn trọng luật pháp quốc tế và áp dụng các biện pháp hòa bình giải quyết xung đột và bảo vệ môi trường biển.
Biển Đông còn đóng vai trò quan trọng giúp ASEAN kết nối với các nền kinh tế toàn cầu, chứa đựng các tuyến đường biển huyết mạch. Đây cũng là nơi diễn ra các vụ va chạm tàu cá nguy hiểm…, do đó các nhà lãnh đạo ASEAN nên nhân dịp này thảo luận các biện pháp giúp làm giảm căng thẳng và các vụ va chạm tàu cá.
Nhiều nhà quan sát cho rằng thật nực cười khi ASEAN dễ dàng đạt được các đồng thuận trong tuyên bố chung liên quan đến các vụ tấn công khủng bố tại Istanbul hay Dhaka trong khi không thể đạt được sự đồng thuận trong việc đưa ra tuyên bố liên quan đến phán quyết của tòa trọng tài.
Để có thể tìm được mẫu số chung, ASEAN nên tăng cường hợp tác khoa học giữa các nhà khoa học biển trong ASEAN; tạo thuận lợi cho các nhà khoa học tự do điều tra khoa học về các vấn đề liên quan đến các đá, đảo nhân tạo; tăng cường các hoạt động chung giữa các hội nghề cá ASEAN; đổi mới hoạt động của Viện hòa bình hòa giải ASEAN (APIR); thiết lập ủy ban khoa học biển khu vực để giải quyết các vấn đề suy giảm môi trường; thúc đẩy đối thoại nhằm xây dựng công viên hòa bình biển; xây dựng ủy ban khoa học nghiên cứu mô hình hiệp định Nam cực để áp dụng tại Biển Đông; bảo vệ các nguồn lợi thủy sản còn lại tại Biển Đông.
Lờ Trung Quốc, Úc tiếp tục tuần tra Biển Đông
Ông Leo Davies, Tư lệnh Không quân Hoàng gia Úc (RAAF), hôm 19-7 nhấn mạnh rằng Úc sẽ duy trì hoạt động của tàu và máy bay ở Biển Đông bất chấp căng thẳng quân sự đang gia tăng ở các vùng tranh chấp.
“Không quân Úc sẽ tập trung vào việc xây dựng và khuyến khích một trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp. Không quân sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh, đối tác và các lực lượng không quân khác cùng chí hướng để xác định xem chúng ta có thể đóng góp thực tế như thế nào nhằm đảm bảo tự do hàng hải” – quan chức này nói.
Cho đến nay Úc đã tiến hành 32 chuyến bay tuần tra và RAAF khẳng định số máy bay tuần tra ở biển Đông tương đương với những năm trước. Dù không đề cập trực tiếp đến tên biển Đông, ông Davies cho hay Úc sẽ tiếp tục hoàn thành các mục tiêu cam kết quốc tế được đặt ra trong sách trắng quốc phòng năm nay.
Trung Quốc bị Pháp cô lập thêm về Biển Đông
Theo Đài quốc tế Pháp, bất chấp nguy cơ có thể khiến Bắc Kinh phật ý, trong thời gian gần đây, Paris đã cho thấy rõ ý định dấn thân trở lại vào Biển Đông, thậm chí khuyến khích Liên hiệp châu Âu tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực thông qua các cuộc tuần tra chung, mặc nhiên hậu thuẫn cho các nỗ lực của Mỹ.
The Diplomat tại Nhật Bản hôm 14/7 đăng bài phân tích của ông Yo-Jung Chen, nguyên là nhà ngoại giao Pháp gốc Đài Loan, đã không ngần ngại cho rằng quyết định dấn thân của Paris đã làm tăng thêm tình trạng cô lập của Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.
Theo Diplomat, trên bình diện chiến lược kế hoạch của Pháp sẽ không có tác động quyết định nào đến tình hình Biển Đông. Lý do rất dễ hiểu, dù là một trong những cường quốc quân sự trên thế giới, sự hiện diện quân sự của Pháp trong khu vực rất khiêm tốn, còn các nước Liên hiệp châu Âu khác thì hoàn toàn vắng bóng.
Dù vậy, sáng kiến của Pháp rất có khả năng có giá trị lớn hơn trên mặt bình diện ngoại giao, nêu bật một cách đáng kể thế cô lập gần như hoàn toàn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, thể hiện qua nỗ lực vô vọng của Bắc Kinh trong việc hình thành một liên minh quốc tế nhằm ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc, chống lại phán quyết ngày 12/7 vừa qua của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, và sẽ tiếp tục làm suy yếu vị thế của Trung Quốc.
Đô đốc Mỹ: Trung Quốc tập trận không an toàn trên Biển Đông
Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson khẳng định hôm nay (20/7), trong một chuyến thăm căn cứ hải quân Trung Quốc rằng: “Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động thường xuyên và hợp pháp trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Biển Đông, nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không. Điều này sẽ không thay đổi”.
Đô đốc Richardson không quên bày tỏ quan ngại, về việc các tàu chiến và máy bay Trung Quốc đã thực hiện những cuộc tập trận “không an toàn” trên Biển Đông.
Trung Quốc vẫn một mực “khăng khăng” sẽ không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng. Phán quyết cho rằng, không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên bên trong các khu vực biển nằm trong “đường chín đoạn” mà nước này tự… vẽ ra trên Biển Đông.
Trung Quốc cũng nhiều lần đổ lỗi cho Mỹ chính là bên đã khuấy động các rắc rối ở vùng Biển Đông, một vùng biển chiến lược với giá trị thương mại vận chuyển lên tới 5.000 tỷ USD mỗi năm.
Trước thái độ bất chấp của Trung Quốc, Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành tự do tuần tra hàng hải gần các đảo do Trung Quốc xây đắp và chiếm đóng trái phép, “bỏ ngoài tai” những phản ứng quyết liệt của Bắc Kinh.
Nghị sĩ Đài Loan đổ bộ trái phép lên đảo Ba Bình
20 nghị sĩ và ngư dân Đài Loan đã lên đường tới đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong ngày hôm nay 20.7. Thông tin trên được báo chí đảo Đài Loan công bố với mục đích thể hiện cái gọi là “tuyên bố chủ quyền và quyền đánh bắt cá ở Biển Đông”.
Hành động trái phép này của Đài Loan đến sau khi phán quyết của tòa án quốc tế The Hague có ý nghĩa phủ nhận tuyên bố của Đài Loan về “vùng đặc quyền kinh tế ở đảo Ba Bình”.
Kế hoạch ban đầu là 10 tàu cá sẽ tới đảo Ba Bình, tuy nhiên sau đó 5 tàu không tham gia do nhận được cảnh báo từ hiệp hội nghề cá nước này. 8 nghị sĩ từ đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền và đảng Quốc dân bay từ huyện Bình Đông tới đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
Tòa án quốc tế đưa ra phán quyết ngày 13.7 khẳng định đảo Ba Bình được tính là đảo “đá”, do đó quanh đảo không tồn tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo luật quốc tế.
Ba Bình là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa, Việt Nam và là đảo có diện tích lớn nhất ở đây. Đài Loan chiếm giữ trái phép đảo Ba Bình từ năm 1956. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền, phản đối các chuyến thăm của Đài Loan tới hòn đảo này.
H.H (Tổng hợp)
2016-07-20 05:40:08
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-206-a251024.html