Số phận những người phụ nữ dường như ngày càng nhỏ bé, rẻ rúm trong những hoạt động mua bán tình dục thâu đêm suốt sáng…
Ghé thăm lại khu phố đi bộ lập loè ánh đèn nê-ông ở thành phố dọc bãi biển Pattaya, phóng viên Michael Kaplan vẫn không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào sau gần 10 năm. Những cô gái hành nghề mại dâm trẻ tuổi ăn mặc gợi cảm vẫn kề sát bên những du khách phương Tây cao lớn, đung đưa theo điệu nhạc.
Dọc con phố là những quán bar mở thâu đêm được đặt những cái tên đầy khêu gợi như Trinh nữ hay Sugar Baby… Đặt chân vào bên trong quán, những phụ nữ khoả thân hay mặc những loại bikini “không thể hở hơn” uốn éo, nhảy múa dưới ánh đèn mờ ảo.
Những khách hàng đàn ông vừa mải mê chiêm ngưỡng vừa nhét những tờ tiền boa vào quần áo của họ. Trên người gái “bán hoa” cũng có gắn những con số để giúp khách hàng dễ dàng “nhận diện” và gọi mua dâm với giá rẻ.
Khu phố đi bộ lập loè ánh đèn neon cùng các quầy bar tên ấn tượng |
“Chúng tôi có thể kiếm được khoảng 28 USD/giờ. Số tiền này có thể khá rẻ mạt, nhưng thực sự cao hơn nhiều so với công việc trong những nhà máy chỉ đem lại thu nhập khoảng 7 USD/ngày”, một cô gái “bán hoa” mặc chiếc áo ngắn cũn trên khu phố đèn đỏ nói.
Đa phần những cô gái hoạt động trong ngành thương mại tình dục Thái Lan đến từ những vùng quê nghèo xa trung tâm. Họ cần kiếm tiền để nuôi sống gia đình nên đã chuyển đến làm việc tại những thành phố lớn như Pattaya, Bangkok. “Cha mẹ tôi chỉ trồng lúa, chăn trâu để sống. Họ không thể kiếm đủ những khoản chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày”, một phụ nữ chia sẻ.
Những người thân trong gia đình của những phụ nữ trên vẫn tin rằng con gái họ đang làm việc tại các trung tâm mua sắm, cơ sở ở các thành phố lớn. Có lẽ nếu biết rõ nguồn gốc số tiền những người con vẫn hay gửi về cho mình, các bậc cha mẹ chắc chắn sẽ bị sốc.
Biển “chào mời” được trưng ở các khu phố |
Theo một nghiên cứu của tạp chí quốc tế thống kê về bệnh AIDS, 20% phụ nữ Thái Lan làm công việc này xác nhận dương tính với HIV. Không chỉ bị trả lương bèo bọt, đôi khi thứ duy nhất các cô gái nhận được sau mỗi “ca” làm việc là ma tuý, thứ giúp họ có thêm sức để “lao động”.
“Chúng tôi tiếp xúc và gặp gỡ với đủ loại khách hàng. Có những người khách say xỉn, ông ta có thể không chịu dùng bao cao su hoặc nhất mực muốn sinh con với tôi. Nếu không chấp thuận, ngay lập tức họ có thể đánh hoặc mắng chửi tôi thậm tệ. Nếu không biết cách chiều chuộng khách hay xử lí tình huống, tôi chỉ còn biết chạy trốn”, cô gái tên Lin với ánh nhìn xa xăm kể lại.
“Việc tôi đang làm thực sự chẳng tốt đẹp gì. Giờ tôi không thể lấy một người chồng Thái đúng nghĩa. Tôi đang tìm một người đàn ông phương Tây đáng tin cậy để dựa vào. Đến một ngày nào đó, tôi tin mình sẽ trở thành người có ích trong xã hội”, một cô gái trong quán bar tại Bangkok trải lòng.
Một vũ công 20 tuổi làm việc tại khu phố “đèn đỏ” thừa nhận bị xâm hại tình dục. |
Người phụ nữ mới vào “nghề” được 6 tháng nói với phóng viên New York Post: “Tôi nhớ nhà và con. Đây không phải cuộc sống dành cho chúng tôi. Con đường này thật tồi tệ”, cô bật khóc.
Có một số cô gái xem đây là cách kiếm tiền nhanh và “khủng”, nhưng cũng có nhiều cô gái Thái với hoàn cảnh khó khăn bị dồn đến đường cùng, cuốn vào vòng xoáy “bán hoa” này để rồi luôn phải chịu nhẫn nhục, rời xa gia đình.
“Nam châm” thu hút đường dây buôn người quốc tế
Theo các chuyên gia của New York Times, mặc dù mại dâm là hoạt động bất hợp pháp tại Thái Lan nhưng dường như giới chức chính phủ còn khá thờ ơ trước những vấn nạn này. Những khu vực “nhà thổ”, phố “đèn đỏ” tại nhiều thành phố trung tâm vẫn nhộn nhịp cùng hoạt động được duy trì rộng rãi.
Trong quá khứ, cảnh sát Thái Lan từng có nhiều chiến dịch truy quét nạn mại dâm nhằm làm sạch hình ảnh của thành phố du lịch. Tuy nhiên, những tụ điểm của ngành công nghiệp tình dục Thái Lan vẫn được sự duy trì dưới sự “bảo kê” của các băng nhóm tội phạm khét tiếng.
Phụ nữ “bán hoa” thường ăn mặc gợi cảm để thu hút khách |
Cảnh sát Thái Lan từng tuyên bố, việc phòng chống mại dâm nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán người ở Thái Lan. Năm 2014, đường dây buôn người ở Thái Lan từng bị phanh phui có liên hệ với “đầu mối” buôn bán người của Mỹ. Các chuyên gia nghiên cứu về tội phạm buôn bán người trái phép nhận định tỷ lệ thất học cao tại đất nước này là điều kiện lí tưởng cho cả hai vấn nạn trên phát triển.
New York Times từng có bài phóng sự điều tra tiếp cận những nạn nhân của đường dây buôn người từ các nước đến Thái Lan. Những “ma cô” tại đây thu được lợi nhuận hàng tỷ USD từ phần lớn phụ nữ, trẻ em gái Myanmar, Bangladesh, Campuchia, Lào và Trung Quốc bị bán vào các nhà chứa. Vào tháng 3, một nhân chứng trong đường dây buôn người lớn nhất lịch sử đã được triệu tập tại phiên toà ở thành phố Bangkok.
Giới phân tích thời sự quốc tế và các phóng viên điều tra nước ngoài cho rằng, nạn nhân của mại dâm và buôn người trái phép chỉ được giải thoát và tìm thấy công lý thực sự khi hai vấn nạn này được ngăn chặn triệt để. Điều này cần sự chung tay nỗ lực của chính quyền và cơ quan chức năng các nước đang đối mặt với các vấn nạn trên.
Phương Hà