Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Ngoại trưởng Nhật Bản đã có chuyến thăm và làm việc tại các nước Đông Nam Á từ ngày 2-6/5. Giới quan sát nhận định, đó như một thông điệp Tokyo gửi tới Bắc Kinh về chính sách “xoay trục” châu Á .
Reuters đưa tin, ngày 2/5 Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã có bài phát biểu quan trọng tại trường đại học Chulalongkorn, Bangkok và nêu ra chi tiết chiến lược “xoay trục” của Nhật Bản tại khu vực này.Thái Lan là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du kéo dài 1 tuần ở các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong của ông Kishida.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai trong cuộc gặp mặt tại Thái Lan |
Trong bài phát biểu tại Bangkok, ông Kishida đã đề cập tới an ninh hàng hải và nhắc lại lời kêu gọi các nước phải tôn trọng quy định của luật pháp quốc tế.
“Chúng ta phải thiết lập trật tự khu vực. Theo đó, nguyên tắc luật pháp phải được tôn trọng và thực hiện. Tôi muốn nhắc lại lời kêu gọi của tôi về một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực”, ông Kishida nhấn mạnh.
Reuters cũng dẫn lời quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản cho biết, chuyến đi của ngoại trưởng Nhật nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ cũng như mở đường cho sự hiện diện của Nhật Bản trong khu vực. Hiện Nhật Bản đang có những đóng góp trách nhiệm và đáng tin cậy vào việc duy trì trật tự cơ bản do Mỹ dẫn đầu ở châu Á.
Ngoại trưởng Nhật Bản phát biểu tại Thái Lan |
Chuyên gia Isabel Revnolds của Bloomgerg cũng đưa ra bình luận về chuyến đi này: “Trước những động thái gây căng thẳng của Trung Quốc và hành động của Mỹ tại đây khiến các quốc gia nghi ngờ về nghi ngờ về khả năng của Mỹ.
Vậy nên chính sách xoay trục, tái cân bằng của Nhật Bản trở nên rất cần thiết trong khu vực. Nhật Bản cũng đang tăng cường quan hệ đối tác với các nước ASEAN và nhận được sự hoan nghênh nhiệt tình cho vai trò mới”.
Cũng trong chuyến thăm tại Thái Lan, Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết: “Nhật Bản muốn hợp tác với các nước ở khu vực sông Mekong nhằm tạo ra khuôn khổ hỗ trợ cho các nước sông Mekong theo cách cụ thể”. Theo đó, Nhật Bản muốn hợp tác với các nước hạ lưu sông Mekong và giúp các nước này cải thiện cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển với nguồn viện trợ 750 tỉ yên trong vòng 3 năm.
Ngoại trưởng Nhật Bản dự kiến tới Myanmar, Lào và Việt Nam sau khi thăm Thái Lan. Đây là một phần trong nỗ lực chuyển trục của Nhật Bản về khu vực này. Đông Nam Á là nơi Tokyo đang cạnh tranh sự ảnh hưởng với Bắc Kinh.
Phương Anh