Hãng tin Sputnik của Nga ngày 16/5 đưa tin cho biết, các hoạt động của Hải quân Mỹ đã gây ra cái chết hoặc làm tổn thương 12 triệu động vật biển trong 5 năm qua.
Sputnik dẫn tuyên bố của tổ chức giám sát quốc tế Action Alliance West Coast cho rằng Hải quân Mỹ đã quấy rối, gây thương tích hoặc giết chết gần 12 triệu con cá voi, cá heo, sư tử biển và hải cẩu ở Bắc Thái Bình Dương trong 5 năm qua.
Tuyên bố trên của Action Alliance West Coast (WCAA) được đưa ra trên cơ sở phân tích số liệu từ báo cáo tác động môi trường của cơ quan Đào tạo Tây Bắc và kiểm tra EIS của Hải quân Mỹ, cơ quan Đại dương và khí quyển quốc gia (NOAA), báo cáo về sự biến mất của động vật có vú sống ở biển của Cục Nghề cá quốc gia thuộc NOAA.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Theo đó, Hải quân Mỹ đã gây tổn hại tới các sinh vật biển trên bằng các vụ nổ mìn và bom, sử dụng sóng siêu âm trong môi trường nhạy cảm, hoạt động di chuyển của các tàu nổi, tàu ngầm, máy bay trong quá trình tiến hành các cuộc diễn tập quân sự, thử nghiệm.
WCAA cho rằng việc sử dụng sóng sonar và gây nhiễu môi trường sống của các loài động vật có vú sống trong đại dương có thể dẫn tới chấn thương, tử vong hoặc làm thay đổi hành vi, thói quen săn mồi và sinh hoạt của chúng, đẩy chúng ra khỏi môi trường sống tự nhiên.
“Những con số đáng kinh ngạc,” Karen Sullivan, một phát ngôn viên của WCAA, nói và cho biết thêm rằng con số này có thể sẽ lớn hơn rất nhiều nếu tính cả động vật hoang dã khác như các loài chim biển, cá, rùa biển và thậm chí là các loài trên cạn.
Theo các chuyên gia, sóng sonar ở tần số tại 140 decibel, có thể gây vỡ nội tạng, thậm chí ở người. Trong khi đó, Hải quân Mỹ sử dụng sóng sonar ở mức ít nhất là 235 decibel trong một số thời điểm, cao hơn nhiều lần so với ngưỡng an toàn.
Trên cạn, tần số 85 decibel vốn có thể làm hỏng thính giác ở người. Trong khi đó ở dưới nước, khả năng truyền dẫn âm thanh bị hạn chế hơn, nhưng mức 140 decibel có thể vẫn là cao.
Tại vịnh Alaska, nhiều loài động vật có vú đang phải đối mặt với các mối đe dọa trong những năm gần đây như cá voi, cá voi lưng gù, cá voi xanh, cá voi xám, và cá nhà táng.
“Các đại dương rất nhạy cảm và hữu hạn. Hiện nay chúng ta đã thấy những giới hạn về những gì mà đại dương có thể cung cấp. Đại dương không phải là sa mạc xanh (không có sự sống) và không nên bị đối xử như vậy. Chúng ta phải thận trọng hơn để con cháu chúng ta có một cuộc sống lâu dài”, Emily Stolarcyk, người quản lý chương trình Eyak Preservation Council nói.
Hoàng Hải