“Cơ sở chúng tôi hoàn toàn không sử dụng chất Sodium Nitrate – E 251, đây là sai sót của cơ sở khi sử dụng bao bì cũ nên gây ra hiểu lầm rằng đã sử dụng chất cấm” chủ cơ sở phân trần.
Khẳng định không sử dụng chất cấm
Chiều ngày 25/4, PV Người Đưa tin theo chân Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương đến cơ sở kinh doanh về chế biến thực phẩm Việt (gọi tắt VietFoods) do ông Lưu Minh Sang làm chủ có địa chỉ tại ấp Lồ Ồ, xã An Tây, thị xã Bến Cát, Bình Dương, để kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm khi hàng loạt sản phẩm của cơ sở này bị thu giữ tại thị trường phía bắc.
Theo đó, phía chủ cơ sở đã xuất trình mọi giấy tờ về giấy phép kinh doanh, chứng nhận về sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, giấy chứng nhận đã qua đào tạo kiến thức VSATTP (vệ sinh an toàn thực phẩm) cho nhân viên…
Đoàn liên ngành cũng đã kiểm tra toàn bộ quá trình sản xuất của công ty từ nguyên liệu đầu vào tới khu vực thành phẩm. Cơ sở trên hoàn toàn khép kín và công nghệ sản xuất tiên tiến được nhập từ Đức. Trao đổi xung quanh về việc hàng tấn sản phẩm (xúc xích) của cơ sở bị quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội bắt giữ vì nghi có chất gây ung thư, ông Sang phân trần: “Cơ sở chúng tôi hoàn toàn không sử dụng chất Sodium Nitrate – E 251, vì do sơ xuất trong quá trình soạn thảo hồ sơ công bố phụ gia mà chúng tôi bị hiểu nhầm. Chúng tôi chỉ sử dụng Sodium Nitrate – E 249 cho sản phẩm. Mặt khác, do hồ sơ công bố chưa hết hạn và lượng nhãn hàng tồn kho còn quá nhiều nên cơ sở đã sử dụng nhãn cũ được Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm đồng ý phê duyệt với các nội dung theo đúng quy định”.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra kho hàng của cơ sở kinh doanh Vietfoods |
Ông chủ VietFoods cũng nói rằng, trên bao bì của cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt được Đội QLTT số 14 Hà Nội tạm giữ có ghi địa chỉ “ấp Lồ Ồ, xã An Tây, huyện Bến Cát, Bình Dương”. Tuy nhiên, huyện Bến Cát trở thành thị xã Bến Cát vào cuối tháng 3/2014 trong khi đó cơ sở VietFoods của tôi thành lập từ năm 2010 và sau thời gian sau liên tục công bố các sản phẩm. Khi ấy trên bao bì khi in vẫn để là huyện Bến Cát và hiện cở sở ông vẫn dùng bao bì này và công bố những chất phụ gia khi đó chưa cấm. Sau khi có quy định của Bộ Y tế về các chất phụ gia không được sử dụng trong chế biến thực phẩm, trong đó có chất E251, chúng tôi đã chuyển sang dùng E249 và E250. Đây là sơ sót của chúng tôi trong việc sử dụng bao bì cũ đã gây ra sự cố không đáng có. Sản phẩm của chúng tôi vẫn đảm bảo VSATTP, không dùng E251!”.
Bao bì mà cơ sở kinh doanh của ông Sang dùng để đóng gói vẫn ghi là huyện Bến Cát |
Ông Lưu Minh Sang cho biết, trong ngày hôm nay (26/4), ông sẽ bay ra Hà Nội làm việc với Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội và một số đơn vị chức năng liên quan, cung cấp hồ sơ của cơ sở kinh doanh và phối hợp với lực lượng này mang mẫu xúc xích đi xét nghiệm. “Từ khi lô hàng bị tạm giữ, chúng tôi đã ngừng hoạt động để xem xét lại các khâu sản xuất. Phía cơ quan QLTT Hà Nội cũng đang đợi chúng tôi làm việc, vẫn chưa có kết luận chính thức từ phía họ”, anh Sang nói.
Cơ quan chức năng nói gì?
Sau khi kết thúc buổi làm việc tại cơ sở kinh doanh Vietfoods, trao đổi với PV Người Đưa tin, ông Nguyễn Thành Danh – Phó Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất có đầy đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ đủ điều kiện VSATTP theo quy định hiện hành; nguồn gốc nguyên liệu chế biến đầy đủ và các chứng nhận hợp quy đối với 8 sản phẩm đang sản xuất, đáp ứng điều kiện an toàn vệ sinh, trang thiết bị sản xuất đều đạt yêu cầu.
Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận toàn bộ bao bì dùng cho các sản phẩm đều là nhãn cũ có trước thời điểm các hướng dẫn của Bộ Y tế liên quan quy định sử dụng chất phụ gia. Tại buổi kiểm tra, đoàn đã lấy mẫu sản phẩm của cơ sở để kiểm tra các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn cơ sở công bố và xác định việc có hay không việc cơ sở tiếp tục sử dụng phụ gia E 251 trong các sản phẩm có mặt trên thị trường. Theo ông Danh, các kết luận về việc có hay không sử dụng phụ gia được khuyến cáo không được sử dụng trong các sản phẩm xúc xích vẫn đợi các cơ quan có chuyên môn kiểm tra, đánh giá và làm rõ để người tiêu dùng không hoang mang.
Ông Nguyễn Thành Danh kiểm tra nguyên liệu và phụ gia của cơ sở trên |
Trước đó, như báo Người Đưa tin thông tin, vào ngày 20/4, Đội QLTT số 14, thuộc Chi cục QLTT TP Hà Nội bất ngờ kiểm tra và niêm phong 38.000 sản phẩm xúc xích (tương đương khoảng 2,2 tấn) tại công ty TNHH thương mại Hùng Ánh.
Chủ cơ sở được xác định là ông Nguyễn Viết Xuân (SN 197, ở số 54B, ngõ 302 Minh Khai, phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội). Ông Xuân cho biết, cơ sở của ông mua xúc xích nhãn hiệu VietFoods của cơ sở kinh doanh về chế biến thực phẩm Việt (gọi tắt VietFoods) tại Bình Dương.
Đội QLTT số 14, TP. Hà Nội đã kiểm tra trên bao bì của nhãn hàng xúc xích VietFoods và phát hiện có sự xuất hiện nhóm hóa chất Sodium Nitrate – E 251 trên bao bì, nên đã tạm giữ số hàng trên và lấy mẫu để làm rõ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BYT ngày 15/6/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý phụ gia phụ phẩm có hiệu lực. Chất phụ gia Sodium Nitrate – E 251 là chất không được sử dụng trong chế biến xúc xích, nhưng được sử dụng trong phomai và bơ.
Hiện vụ việc xoay quanh hơn 2.2 tấn xúc xích nghi có chất cấm vẫn đang tiếp tục được cơ quan chức năng làm rõ và xử lý.
Phùng Sơn