Mâu thuẫn về lợi ích của Nga – Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia này.
Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi rõ rệt kể từ khi Nga đưa Không quân vào Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi 1 chiếc Su-34 Nga vì cáo buộc vi phạm không phận.
Tuy nhiên, điều đó chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm mâu thuẫn giữa các mục tiêu chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, trong đó có thể kể đến một loạt các vấn đề quốc tế, từ các nước vùng Balkans tới Biển Đen và từ Trung Đông đến Caspian.
Cho đến gần đây, hai quốc gia này đã tìm mọi cách để hạn chế sự khác biệt của họ về các vấn đề chính trị. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng tập trung vào hợp tác kinh tế để xóa nhòa đi những mâu thuẫn khác.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn chưa nói chuyện trực tiếp với nhau kể từ sau vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ. (Ảnh: AP) |
Tuy nhiên, cuộc đụng độ ở Syria giữa hai cường quốc này đã làm sự thù địch bước tới một giai đoạn nguy hiểm mới vì Syria là một ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng giống như Ukraine là mối quan tâm trung tâm của Nga.
Đó là lý do tại sao phản ứng của Ankara với sự sáp nhập của Crimea và sự tham gia của Nga trong cuộc nội chiến Syria đã làm cho một bên lo lắng về những ý định của quốc gia kia.
Dưới những điều kiện này, khả năng đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai quốc gia này đã tăng lên, đặc biệt là sau khi bắt đầu các cuộc không kích của Nga chống lại các lực lượng đối lập ở Aleppo.
Trong một bối cảnh rộng lớn hơn, sự thù địch leo thang Nga – Thổ nên được xem là một vấn đề không chỉ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga mà còn liên quan đến tam giác địa chính trị phương Tây, Moscow và Ankara.
Sự kiện Crimea sát nhập cũng khiến Nga – Thổ mâu thuẫn trên Biển Đen |
Ta nên hiểu một thực tế rằng chính sách đối ngoại của điện Kremlin đi ngược lại lợi ích của phương Tây ở châu Âu.
Đối mặt với các vấn đề kinh tế trong nước xuất phát từ việc giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt, Moscow cũng có những vấn đề lớn với phương Tây do việc sáp nhập của Crimea và xung đột đang diễn ra ở Donbas, Đông Ukraina.
Vấn đề là Moscow đã tìm được biện pháp để đối phó với sự bế tắc của cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và gia tăng bất ổn ở Trung Đông. Cuộc nội chiến Syria là một phương thuốc và Nga đã không ngần ngại để thúc đẩy hoạt động quân sự tại Syria.
Có hai lý do chính đằng sau động thái này. Đầu tiên, điện Kremlin muốn ngăn chặn đồng minh Assad bị hạ bệ.
Thứ hai, Moscow đang cố gắng để xích lại gần với phương Tây bằng cách chuyển sự chú ý từ Ukraine – nơi mà lợi ích giữa Nga và phương Tây rất mâu thuẫn nhau – đến Trung Đông – nơi mà các lợi ích có thể được chia sẻ do mối đe dọa từ IS.
Thực lực hải quân Nga trên Biển Caspian cũng là điều khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại |
Ankara cho rằng sự tham gia của Nga tại Syria là một sự can thiệp cố ý chống lại lợi ích của họ kể từ khi người Thổ muốn có ảnh hưởng lớn hơn ở Syria
Can thiệp vào Syria, người Nga đã giúp “kẻ thù truyền kiếp” của Ankara là người Kurd. Nếu người Kurd giữ được hành lang suốt dọc biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, họ sẽ tiếp cận được với Địa Trung Hải và có con đường đưa dầu ra thị trường quốc tế mà không cần qua Thổ.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn toàn mất kiểm soát ở quốc gia láng giềng phía Nam của mình . Syria sẽ chỉ còn 3 thế lực: chế độ Assad, PYD và IS. Tất cả đều đối kháng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Bây giờ, có thể dự đoán rằng những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ tiếp tục leo thang, nhưng hậu quả là không rõ ràng. Tất nhiên, sự thù địch Nga – Thổ sẽ không chỉ được giới hạn ở Syria mà còn có thể dễ dàng lây lan đến Biển Đen và vùng Caucasus.
Rõ ràng, mối quan hệ song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Syria cũng phụ thuộc vào những khu vực khác trên thế giới như các cuộc đàm phán Mỹ – Nga ở Ukraine cũng như mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và EU đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Vị thế của Putin ở Nga và Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một yếu tố rất quan trọng.
Cuối cùng có thể khẳng định rằng mối quan hệ giữa Ankara và Moscow có lỗ hổng sâu sắc và một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp có thể có những tác động nghiêm trọng và hậu quả cho cả hai.
Phong Lan