Mới đây, hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance (Anh) vừa công bố danh sách 50 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam năm 2015.
Tất cả 50 thương hiệu được định giá tổng cộng khoảng 5,5 tỷ USD. Theo ông Samir Dixit – Tổng giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Brand Finance, con số này chỉ lớn hơn một chút so với trị giá thương hiệu của ngân hàng DBS, ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất Đông Nam Á ở mức 4,4 tỷ USD năm 2015.
Trong danh sách này, 10 thương hiệu dẫn đầu tại Việt Nam là Vinamilk, Viettel, Vinhomes, MobiFone, PetroVietnam Gas, FPT, VietinBank, Vinaphone, BIDV và Vietcombank.
Đặc biệt, Vinamilk đã vượt trên tất cả các thương hiệu khác để đứng đầu danh sách với giá trị hơn 1,1 tỷ USD, gần gấp đôi thương hiệu đứng thứ hai là Viettel Telecom (580 triệu USD).
Bên cạnh Viettel, có khá nhiều các doanh nghiệp công nghệ khác ở Việt Nam nắm giữ những thứ hạng cao trên bảng xếp hạng của Brand Finance. Tiêu biểu trong số này là Mobifone với 306 triệu USD (xếp hạng 3), FPT với 239 triệu USD (xếp hạng 6) hay Vinaphone với 193 triệu USD (xếp hạng 8).
Về ngành bán lẻ các sản phẩm điện tử, điện thoại, Thế giới di động đang là thương hiệu được đánh giá cao nhất với giá trị ước đạt 102 triệu USD, đứng ở vị trí 12 trên bảng xếp hạng.
Brand Finance cũng đánh giá độ mạnh của các thương hiệu theo thang A, AA và AAA. Trong top 10, được đánh giá cao nhất vẫn là Vinamilk với AAA-, sau đó đến Vinhomes và FPT với cùng AA+. Vinamilk và FPT cũng là hai cái tên có tỷ số giá trị thương hiệu trên giá trị doanh nghiệp cao nhất – 23%.
Đây là lần đầu tiên, các thương hiệu Việt Nam được hãng định giá thương hiệu có trụ sở tại ANh đưa vào danh sách các thương hiệu được định giá hàng năm. Kết quả định giá thương hiệu của Brand Finance được sử dụng và công bố chính thức trên các kênh truyền thông hàng đầu như BBC, CNN, CNBC, Bloomberg, The Economist, The Wallstreet Journal….
Thông tin này được công bố vào đúng thời điểm Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký văn bản 1787/TTg-ĐMDN cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.
Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã VNM), Công ty Cổ phần FTP (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom).
Theo Công ty chứng khoán ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), số liệu quá khứ cho thấy, thông thường giá cổ phiếu thường tăng khi thoái vốn theo lô lớn. Đặc biệt, có một số các công ty hấp dẫn trong danh sách đã full room nước ngoài như FPT nên dự kiến việc thoái vốn lần này sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, với bảng định giá thương hiệu của Brand Finance cùng thông tin SCIC được phép thoái vốn khỏi FPT, liệu rằng sẽ có thay đổi bất ngờ nào tại tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam?
Kiều Hương