Syria đang mong chờ cuộc nội chiến kết thúc để có thể bước vào công cuộc tái thiết lại đất nước.
Những người dân Syria đang tìm đường rời bỏ quê hương
Assad bất ngờ đến Moscow giữa lúc tình hình còn nhiều rối ren. Các cuộc không kích của Nga vẫn được triển khai đều đặn, bắn phá các mục tiêu khủng bố của Nhà nước Hồi giáo. Diễn biến mới của chiến trường Syria đang có nhiều thuận lợi trong việc tiến tới một quá trình đàm phán hợp tác giữa các bên liên quan nhằm giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến kéo dài.
Người dân Syria và các nước có mối liên quan gián tiếp trong cuộc xung đột Syria đang mong đợi một hình hài mới của đất nước này trong tương lai.
Về kinh tế
Trong thời điểm hiện tại, các vấn đề mà Syria đang trải qua đó là các vụ đánh bom liên tục, sự nổi dậy và chiếm đóng khu vực của các nhóm phiến quân và một cuộc khủng hoảng người tị nạn khổng lồ.
Những nguyên nhân này đã phá hoại cơ sở hạ tầng, làm mất đi thị trường lao động. Đây là hai điều kiện cơ bản cho sự phát triển của 1 nền kinh tế.
Những người tị nạn đang kéo ồ ạt vào châu Âu hiện nay hầu hết đều bắt nguồn từ tất cả các vùng của Trung Đông và một phần từ các nước khác.
Đặc biệt, đối với Syria, một trong những mất mát lớn nhất của đất nước này là đang có hàng vạn người rời bỏ đất nước do nội chiến khiến họ cảm thấy bất an về tương lai.
Có hai điều có khả năng xảy ra khi cuộc nội chiến kết thúc. Đó là quần thể người tị nạn này sẽ trở về quê hương hoặc sẽ tiếp tục ở lại với miền đất mới.
Khả năng thứ nhất có lẽ sẽ khó có thể xảy ra và bởi nếu như so sánh về mặt lợi ích, những người tị nạn sẽ chọn nơi mà họ cảm thấy an toàn và có có cuộc sống tốt hơn. Một khi cuộc nội chiến kết thúc sẽ không có điều gì chắc cho việc đất nước này sẽ thay đổi mọi mặt để đảm bảo cuộc sống của họ.
Và trong tương lai cũng sẽ không có gì chắc chắn việc đất nước của mình sẽ phát triển tốt hay một việc một cuộc nội chiến nữa sẽ không xảy ra. Họ cũng đã không còn nhà cửa để về do bị phá hủy trong cuộc chiến cũng như ít hy vọng về một tương lai tươi sáng cho con cháu.
Còn ở phía bên kia châu Âu, họ đang có những sự trợ giúp tốt nhất. Mặc dù những ngươi thân phải bỏ mạng trên biển nhưng ở tại nơi này họ có thể được sống một cách bình yên hơn. Bởi vậy sẽ có nhiều khả năng mà những người này vẫn sẽ bỏ lại quê hương kể cả khi cuộc xung đột kết thúc.
Hệ lụy của việc những người tị nạn ở lại sẽ gây ra một cuộc tranh luận chính trị lớn ở châu Âu, phong trào bài ngoại sẽ ra tăng và sẽ vấp phải những phản đối lớn của người dân các nước.
Giống như những gì đã từng xảy ra trong lịch sử, khi những người tị nạn đến Mỹ để trốn tránh Nạn đói ở Ireland vào thế kỷ XIX, đã có rất nhiều sự bất mãn, xung đột và chống đối hướng tới quốc gia này.
Điều này có thể dẫn đến những bất đồng trong xã hội và xung đột quan điểm chính trị trong nội bộ các nước. Với những vấn đề nhạy cảm như vậy, sẽ là điều mà các quốc gia muốn tránh.
Phong trào nhân quyền của Mỹ trong lịch sử là một ví dụ. Các nhà chức trách của Mỹ đã gặp phải các vụ tấn công dã man chỉ bởi vì họ quan tâm đến vấn đề một người da đen bị tấn công trong bối cảnh khi ấy vấn đề phân biệt sắc tộc của Mỹ còn nhiều căng thẳng.
Cơ sở hạ tầng của Syria cũng đã bị tàn phá một cách thảm hại bởi các cuộc ném bom giữa các bên. Mạng lưới khủng bố của Nhà nước Hồi giáo đang phá hủy tất cả các di tích và di sản văn hóa cùng với các thị trấn mà mạng lưới này chiếm đóng.
Có thể thấy gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng quan trọng của Syria đã bị phá hủy hoàn toàn. Điều này đặt ra vấn đề cho Syria sau khi cuộc nội chiến kết thúc đó là sẽ cần một số tiền cũng như một nguồn nhân lực lớn để tái thiết lại đất nước.
Thiệt hại của Syria đã lên đến hàng tỷ đô la, trong khi nền kinh tế không thể phát triển do chiến tranh. Đất nước này hoàn toàn khó khăn trong việc khôi phục những gì đã mất. Sự tháo chạy của người dân khỏi đất nước cũng làm cho nguồn lao động bị thiếu thốn, điều đó đòi hỏi nhu cầu giúp đỡ từ các tình nguyện viên quốc tế và đội cứu trợ của Liên Hợp Quốc.
Mặc dù triển vọng kinh tế của Syria có vẻ khá ảm đạm, nhưng đất nước này có thể nhìn vào trường hợp những nước có kinh tế phục hồi nhanh chóng khi trải qua các cuộc xung đột và chiến tranh còn tồi tệ hơn Syria để có thể hy vọng. Tương lai của nền kinh tế Syria có phục hồi nhanh chóng hay không thực tế phụ thuộc vào thời gian kéo dài cuộc nội chiến.
Tương lai chính trị
Tương lai chính trị của Syria cũng sẽ còn nhiều bất ngờ. Cuộc nội chiến đang có quá nhiều các bên liên quan tham gia vào bao gồm cả chính phủ Assad, Nhà nước Hồi giáo, liên minh của Mỹ, quân sự của Nga, sự tham gia của Iran, Iraq và những phiến quân nổi dậy khác.
Trong đó đối trọng lớn nhất vẫn là Nga và Mỹ. Nga đang là nước ủng hộ cho chính phủ Assad cũng như giành nhiều lợi thế về mặt quân sự và hình ảnh của mình tại khu vực. Các cuộc không kích của Nga đang tỏ ra hiệu quả gấp hàng chục lần những gì Mỹ làm được trong những năm qua.
Có thể thấy, phần thắng trong cuộc nội chiến đang dần dần nghiêng về phía Moscow khi trong thời gian tới có thể Mỹ sẽ tiến tới nhượng bộ và hợp tác với Nga thông qua một hợp tác đàm phán nhằm tìm ra một lối thoát cho cuộc xung đột Syria.
Tuy nhiên, vấn đề trở ngại để hai cường quốc này bắt tay nhau vẫn là quan điểm không đồng thuận của Mỹ đối với chính phủ Assad.
Bởi vậy việc chính phủ của tổng thống Assad có tiếp tục tồn tại phụ thuộc nhiều vào việc Nga có nắm được thế chủ động ở chiến trường Syria hay không.
Trên thực tế chính phủ Assad đang tạo được hình ảnh tốt trong mắt người dân đất nước này, việc bãi bỏ chính phủ một đất nước sẽ không phải là vấn đề mà Mỹ muốn là được, điều đó sẽ còn phụ thuộc vào nguyện vọng của người dân Syria.
Mỹ đang mất dần hình ảnh của mình khi không giải quyết được những gì mà nước này cam kết trong cuộc chiến chống IS. Nếu cuộc nội chiến kết thúc, điều Syria cần là một sự ổn định tương đối về mặt xã hội cũng như chính trị để có thể hoàn toàn tập trung vào công cuộc tái thiết.
Tương lai của Syria rất có thể sẽ vẫn giữ nguyên hình ảnh của Assad là người điều hành đất nước. Đó sẽ là một giải pháp tốt nhất để tránh một cuộc tranh chấp quyền lực có thể nổ ra khi tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Tương lai sắp tới của Syria sẽ vẫn còn hiện hữu nhiều khả năng có thể xảy ra. Cuộc chiến ở Syria cũng như diễn biến của nó có hiệu ứng lan tỏa đến nhiều khu vực cũng như quốc gia khác mặc dù chưa thể biết sự lan tỏa đó mang tính tích cực hay tiêu cực.
Nhưng một điều có thể xác định rằng, sau cuộc chiến Syria các cường quốc như Nga và Mỹ sẽ tạo cho mình một thói quen can thiệp vào nội bộ các nước khác và hình thành nên một thế đối đầu nhau giống như thời Chiến tranh lạnh.
Kiên Trương