Vì lợi nhuận, tại các “thủ phủ gia vị” các chủ cửa hàng đã tung ra đủ chiêu thức để chống bộ test thử nhanh để phục vụ mục đích kiểm tra ATVSTP của lực lượng thanh kiểm tra địa phương.
Để chống lại sự xâm nhập của những dòng gia vị không rõ nguồn gốc vào thực phẩm, món ăn hàng ngày… cơ quan chức năng ở nhiều địa phương đã cấp cho các lực lượng thanh kiểm tra tại các địa phương bộ test thử nhanh để phục vụ mục đích kiểm tra ATVSTP. Bộ test này có thể phát hiện được bằng định tính chất hàn the, folmaldehyde, ôi thiu, giấm, phẩm màu công nghiệp, gia vị độc hại… trong các mẫu thực phẩm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, tại các thủ phủ gia vị các chủ cửa hàng đã tung ra đủ chiêu thức để chống bộ test này.
Hoạt động như… điệp viên
Từ những dữ liệu mà PV có được khi khảo sát thị trường gia vị trong tuyến bài này, dễ nhận thấy một điều, các dòng gia vị dù ở thể bột hay dạng viên nén, sốt sệt, sốt loãng… từ gia vị nêm nếm như nước chấm, hạt nêm, bột ngọt đến các gia vị tẩm ướp… thì hầu như người tiêu dùng (NTD) rất khó phát hiện ra đâu là những gia vị “chuẩn”, đâu là những gia vị được “chế” từ nguyên liệu trôi nổi. Ngay cả những hoạt động thanh kiểm tra của những đơn vị chức năng nhiều khi vẫn bị qua mặt.
“Cuộc chiến” gia vị mới chỉ bắt đầu (ảnh internet). Ảnh minh họa.
Tiếp cận các đầu mối là những tiểu thương chuyên kinh doanh mặt hàng này ở một số chợ, PV đã được “hé lộ” những chiêu thức nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Theo lời của Nguyễn Thị K., nhân viên bán hàng tại một ki-ốt hàng khô ở chợ Sóc Sơn (Hà Nội): “Bây giờ mỗi khi có đợt kiểm tra ATTP, lực lượng kiểm tra làm dữ lắm. Bọn em được các chủ ki-ốt giao thêm nhiệm vụ phải nghe ngóng tình hình, theo dõi các thông tin hàng ngày trên báo đài đặc biệt là vào những dịp lễ, tết, những tháng cao điểm về ATTP… để nắm được lịch kiểm tra mà có cách ứng phó”. Khi PV hỏi ứng phó ra sao, thì K. cho biết: “Cái này bọn em cũng được “diễn tập” nhiều lần rồi, khi có “động”, thượng sách là nghỉ bán hàng hôm đó. Nếu kiểm tra kéo dài vài ngày thì phải thực hiện phương án “đấu trộn” gia vị. Nếu là những gia vị bột trần như bột nghệ, bột gừng, tiêu, quế… (không đóng gói-PV), bọn em sẽ phủ loại bột gia vị “xịn” lên trên”. Theo như K. nói, làm vậy bởi khi lấy mẫu kiểm tra các kiểm dịch viên chỉ “hớt” một ít gia vị phía bên trên để test thử. Đối với những mặt hàng nước mắm, tương ớt… thì khi đó chỉ bày bán những sản phẩm có nhãn mác đoàng hoàng. “Nếu có test và phát hiện ra những chất lạ, chất cấm trong đó… thì bọn em chỉ việc đưa số điện thoại của đại lý cung cấp cho lực lượng kiểm tra. Hậu sự thế nào tự họ phải lo, bọn em chẳng phải giải trình gì cả”, K. cười nói.
Theo ghi nhận của PV, đa số những hộ kinh doanh nhỏ lẻ mặt hàng gia vị đều sử dụng mánh lới này để đối phó với hoạt động kiểm tra ATTP. Với những đầu mối kinh doanh lớn, họ sẽ sử dụng những chiêu thức tinh vi hơn. Ngọc “vẩu”, một “chuyên gia” làm gia vị giả được đề cập ở bài trước, nay đã hoàn lương – cho biết: “Với những cơ sở trực tiếp chế luyện những loại gia vị như tương ớt, nước mắm, bột ngọt… thì việc sử dụng nguyên phụ gia, gia vị trôi nổi là tất yếu để có được lãi. Và để không bị phát hiện những loại gia vị ấy thì thường chủ các cơ sở không dại gì tập trung một số lượng lớn gia vị tại cơ sở mà họ sẽ phân tán nhiều, chia nhỏ số lượng và gửi ở nhà người quen trong làng, xóm… Làm như vậy tránh bị cơ quan chức năng phát hiện mà có bị phát hiện thì với số lượng gia vị nhỏ họ chỉ bị nhắc nhở, nặng lắm thì cũng phạt hành chính.
“Cuộc chiến” mới chỉ bắt đầu
Thực tế ghi nhận, trong thời gian ngắn vừa qua lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ những vụ vận chuyển thực phẩm, gia vị không rõ nguồn gốc với số lượng lớn.
Song như chính những người trong cuộc nhìn nhận thì cuộc chiến này mới chỉ bắt đầu và số lượng thực phẩm, gia vị bẩn bị bắt giữ chỉ là… phần nổi của tảng băng chìm.
Liên quan đến các thủ đoạn, mánh khóe nhằm qua mắt các lực lượng chức năng, một lãnh đạo của đội QLTT, số 15 (chi cục QLTT Hà Nội) chia sẻ: “Thực tế từ địa bàn chúng tôi quản lý cho thấy những hoạt động vận chuyển thực phẩm bẩn, gia vị không rõ nguồn gốc luôn diễn biến phức tạp. Địa bàn quận Hoàng Mai và Long Biên, hai cửa ngõ của Hà Nội là nơi thường được các đối tượng vận chuyển thực phẩm, gia vị không rõ nguồn gốc tập kết, trung chuyển đi đến các cơ sở kinh doanh. Các đối tượng luôn dùng đủ các chiêu trò, mánh khóe để che mắt, né tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng. Một cách hay được các đối tượng sử dụng là khi biết có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, phần lớn các chủ hàng đều cử đối tượng khác đi trước tìm cách ngăn cản, đánh lạc hướng, thậm chí “che chắn” cho xe chở hàng vượt qua.
Đối với việc vận chuyển bằng ô tô, các đối tượng thường tháo một số ghế ngồi ở phía sau xe khách hoặc xe con để chở hàng. Hệ thống cửa kính được lắp bằng kính màu nên nhìn bề ngoài rất khó phát hiện trong xe chở hàng hay người. Thường thì phải có sự phối hợp, hỗ trợ của lực lượng cảnh sát giao thông mới có thể dừng xe để kiểm tra. Một cách khác rất tinh vi nhưng mang lại hiệu quả cao là sử dụng xe tải vận chuyển có thùng xe được thiết kế thành 2 ngăn, 2 đáy để giấu thực phẩm không rõ nguồn gốc, qua mặt các lực lượng chức năng, vận chuyển trót lọt vào thành phố. Với những trường hợp vận chuyển bằng xe máy, nếu bị truy đuổi, các đối tượng sẵn sàng bỏ cả xe và hàng để lẩn trốn. Còn rất nhiều thủ đoạn tinh vi khác, với lực lượng mỏng, khó có thể kiểm soát hết được, dẫn đến tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan vào thành phố là khó tránh khỏi.
Cũng liên quan đến việc các tuyến điều tra phát hiện nhiều loại gia vị Trung Quốc thậm chí có cả những loại “gia vị lạ” tại chợ Đồng Xuân. Theo Ban quản lý chợ Đồng Xuân (Hà Nội), hiện có khoảng 172 hộ kinh doanh thực phẩm, 18 hộ kinh doanh chất phụ gia trong chợ. Dù hàng năm, ban quản lý chợ đều yêu cầu các hộ kinh doanh thực phẩm phải ký cam kết chấp hành quy định về đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, lần nào kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng đều phát hiện nhiều sai phạm. Thông tin từ cục An toàn Thực phẩm (bộ Y tế) cũng xác nhận, Việt Nam hiện đang cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm bao gồm 337 chất (cả hương liệu). Tuy nhiên, chỉ 5 – 10% mặt hàng này được sản xuất tại Việt Nam, còn lại đều nhập khẩu, trong đó có 30% phụ gia thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Như vậy có thể thấy thị trường gia vị còn tồn tại nhiều “điểm nóng”, trong đó có việc quản lý chất lượng cũng như dung lượng các chất điều vị trong gia vị. Việc chống thẩm lậu nguồn hàng này cần có sự phối hợp liên ngành, tăng cường các đợt thanh kiểm tra…
Theo báo cáo của cục QLTT, 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra phát hiện, xử lý 55.234 vụ vi phạm hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, trong đó có thực phẩm bẩn. Riêng Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có số vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn bị phát hiện nhiều. Cụ thể, chi cục QLTT Hà Nội xử lý 753 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hành chính 4,29 tỉ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy 7,3 tỉ đồng. Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh thu giữ 519.515 đơn vị sản phẩm, 2.006 tấn thực phẩm các loại. |
Có thể khởi tố hình sự Theo luật sư Nguyễn Văn Tiến (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) thì với mức xử phạt cho hành vi vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc chỉ có 2 triệu đồng rõ ràng là chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, việc kinh doanh thực phẩm bẩn có mức lợi nhuận cao, các đối tượng vi phạm sẵn sàng bỏ ra 2 triệu đồng để nộp phạt nếu bị bắt giữ. Một thực tế là việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn rất ảnh hưởng đến sức khỏe NDT, tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự, trường hợp vi phạm về ATTP phải gây hậu quả chết người hoặc thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe thì mới bị khởi tố hình sự. Do đó, nếu bị phát hiện trên đường vận chuyển, các đối tượng chỉ bị xử lý vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm cho tiêu hủy, như vậy cũng không làm cho giảm nhiệt. |
Phóng sự của Vi Hậu