(Bình luận quốc tế) – Quân đội Trung Quốc trong tháng này sẽ tiến hành đợt cải tổ toàn diện, nâng cao vai trò của hải quân và không quân trong môi trường tác chiến hiện đại.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) mới đây đã đăng tải bài phân tích của tác giả Andrew Erickson, Giáo sư trường Đại học Hải chiến Mỹ về kế hoạch cải tổ quân đội với quy mô lớn nhất trong vòng ba thập kỷ qua của Trung Quốc.
Theo Giáo sư Andrew Erickson, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cần tới những thành tựu ngay lập tức. Năm 2015 bắt đầu với việc ông Tập củng cố vai trò lãnh đạo ở cả trong và ngoài nước nhưng sự chú ý đã đổ dồn vào những khó khăn của nền kinh tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bên cạnh lễ duyệt binh ở Bắc Kinh với sự xuất hiện của những khí tài quân sự mới nhất, quân đội Trung Quốc dự kiến trong tháng này sẽ trải qua đợt cuộc cải tổ quy mô lớn. Ông Tập Cận Bình từ lâu đã ấp ủ “giấc mơ Trung Quốc”. Một kế hoạch cải tổ được đề ra từ lâu cuối cùng sắp trở thành hiện thực.
Lễ duyệt binh là cơ hội để ông Tập công bố những kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trở thành đội quân hiện đại đáp ứng được nhiệm vụ phải “chiến thắng trong chiến tranh”, nhà phân tích hải quân Trung Quốc nhận định trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Để hiện thực hóa “giấc mơ về một đội quân hùng mạnh”, Trung Quốc phải khai thác cơ hội hiếm hoi để nắm lấy những vị trí chiến lược trên các vùng biển, đại dương, không gian mạng, Bắc Cực và những khu vực mới nổi khác, tờ Nhật báo Quân đội giải phóng nhân dân (PLA Daily) diễn giải tuyên bố của ông Tập.
Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải vượt qua những vật cản để tiến hành cải cách, nhằm hiện đại hóa tổ chức quân đội. Cuối cùng, những lời của ông Tập được báo quân đội Trung Quốc nhấn mạnh với 4 vấn đề chính: thay đổi hệ thống lãnh đạo và chỉ huy quân đội, tối ưu hóa cấu trúc và hoạt động, cải cách chính sách và hệ thống cũng như thúc đẩy sự kết hợp giữa dân sự và quân sự.
Trong khi kế hoạch chính thức chưa được công bố, chiến lược cải tổ quân đội của ông Tập Cận Bình không phải là một điều bí ẩn. Ông Tập thực hiện kế hoạch trên một nền tảng đã được chuẩn bị từ trước.
Theo Giáo sư Nan Li, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ dân sự và quân sự Trung Quốc, ông Tập đã thể hiện khả năng áp đặt tư tưởng vào PLA thông qua chiến dịch chống tham nhũng. Đây là yếu tố mà những người tiền nhiệm như Hồ Cẩm Đào chưa áp dụng còn Giang Trạch Dân thì không nhất quán.
Tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình đã bày tỏ rõ ràng tham vọng cải tổ PLA và lựa chọn những bước đi chưa từng có tiền lệ để thực hiện điều này. Chủ tịch Trung Quốc sẵn sàng loại bỏ ngay cả những quan chức cấp cao nhất nếu như vô kỷ luật hoặc trở thành rào cản trong cuộc cải tổ.
Bước đi tiếp theo của ông Tập sẽ là rút gọn lực lượng bộ binh và đặt dưới một cơ quan chỉ huy duy nhất trong khi mở rộng lực lượng hải quân và không quân.
Như vậy, hải quân Trung Quốc (PLAN) là đơn vị hưởng lợi lớn nhất, Giáo sư Li nhận định. PLAN sẽ có một hệ thống chỉ huy, lãnh đạo và cơ sở hạ tầng đồng đều hơn nhằm phục vụ các hoạt động tác chiến chung.
Mục tiêu của chiến lược này nhằm “chiếm ưu thế trong các cuộc xung đột hàng hải và chiến thắng trong chiến tranh cục bộ nếu cần thiết”. Đây là mối quan tâm lớn nhất của các nhà lãnh đạo Trung Quốc bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia.
Quá trình thay đổi cơ cấu cũng tạo điều kiện cho cơ sở giành chiến thắng trong môi trường tác chiến hiện đại. Ông Tập muốn quân đội Trung Quốc phải có khả năng phối hợp nhiều lực lượng khác nhau trong chiến dịch quân sự giống như cách tác chiến của quân đội Mỹ ngày nay.
Chiến lược hàng hải và cách vận hành của Trung Quốc cũng sẽ được cân nhắc lại với khái niệm này. Theo Giáo sư Li, Trung Quốc muốn tăng cường khả năng tác chiến với cường độ cao ở cả khu vực gần bờ như Biển Đông và những vùng biển xa hơn.
Bắc Kinh cũng đang xây dựng nhóm tác chiến tàu sân bay và sẽ tích hợp vào lực lượng cơ cấu tổng thể trong quân đội trong tương lai.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Chủ tịch Trung Quốc không thể để quân đội làm ảnh hưởng đến “giấc mơ Trung Quốc” bởi nếu không, ông Tập sẽ đánh mất đi lòng tin rất lớn, Giáo sư Li kết luận.
Đăng Nguyễn