Ít ai có thể ngờ được rằng, chỉ với những vũ khí thô sơ, dân tộc Việt Nam đã chống lại hỏa lực, bom đạn và đại bác của kẻ thù…
Dân tộc Việt Nam có truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vô cùng vẻ vang. Quá trình dựng nước và giữ nước đó, dân tộc ta thường phải đương đầu với những kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần. Để chiến thắng kẻ thù, ông cha ta đã sáng chế rất nhiều loại vũ khí thô sơ nhưng công hiệu rất lớn, với cách đánh độc đáo, sáng tạo đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ bộ sưu tập hiện vật vũ khí thô sơ, tự tạo của Việt trong chiến tranh giải phóng (1945 – 1975). Đó là những loại vũ khí có cấu tạo và nguyên lý hoạt động đơn giản, dễ chế tạo ở địa phương bằng những phương pháp và phương tiện thủ công, dùng vật liệu tại chỗ, đạn dược hỏng hoặc cải tiến các loại đạn, bom thu được của đối phương.
Nổi bật trong số đó, có lẽ phải kể đến các loại chông gai bằng sắt, hay tre. Thậm chí cả tổ ong để kết hợp chống địch càn quét trong những năm tháng kháng chiến chống xâm lược.
Những quả chông của nhân dân Tây Nguyên khi được thả từ trên cao xuống đã khiến cho cả quân Pháp và Mỹ phải khiếp sợ trong các đợt càn quét bởi tính sát thương cao của nó
Trong Chiến tranh Việt Nam, các tướng tá Mỹ từng than phiền rằng: “Thần chết luôn rình rập họ khi bước xuống ruộng lúa, đụng tay vào từng chiếc gáo dừa, mở ra một cánh cửa, nhấc một cái áo, gạt một nhánh lá khô trên đường đi”.
Các loại vũ khí thô sơ, tự tạo của quân và dân ta góp phần làm phong phú thêm cách đánh và nghệ thuật tác chiến của chiến tranh nhân dân.
Vũ khí thô sơ, tự tạo không chỉ là sản phẩm của ý chí tự cường, trí thông minh, óc sáng tạo của quân và dân ta, mà còn phản ánh một cách sâu sắc đường lối, nghệ thuật quân sự của Việt Nam trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Một số hình ảnh PV báo Người Đưa Tin ghi lại tại bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam:
Từ trái qua là hình ảnh của chông trục quay, chông đu, chông chữ T và chông ném mà đồng bào Tây Nguyên, Nam Bộ và Liên khu V sáng chế để chống quân Mỹ càn quét
Chông đu được nối bằng dây vải dù cùng những đầu chông bằng sắt nhọn cũng sử dụng chống địch
Chông tre – thứ vũ khí tự tạo được du kích Mường San, Mộc Châu, Sơn La dùng để xây dựng làng chiến đấu
Đây là chiếc chông mổ mà quân dân Quân khu I chế tạo và chiến đấu chống Đế quốc Mỹ
Bẫy chạm nổ bằng tre, một loại vũ khí được sử dụng lần đầu tại Bắc Ninh thời kháng chiến. Sau đó được dùng phổ biến ở Miền Nam trong những năm tháng chống Mỹ sau này
Bẫy gây nổ được gài ngụy trang vào củi đun
Bẫy đạn nổ chống trực thăng
Tổ ong cũng được dùng làm một “vũ khí” hỗ trợ cho đồng bào chống địch càn quét
Chông dấu nhân – một loại bẫy được nhân dân Miền Bắc dùng để chiến đấu với quân Pháp thời kỳ 1945 – 1954
Mũi chông bằng sắt được nhân dân Miền Nam tự chế để đánh địch năm 1963
Mỏ lao – một trong số vũ khí được nhân dân huyện Mỏ Cày, Bến Tre dùng trong cuộc Đồng khởi năm 1960 góp phần phá đồn Rồng Keo diệt 5 tên địch, thu 12 súng
Tổ ong bò vẽ được đồng chí Huỳnh Văn Trung – tự vệ xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre dùng với các vũ khí thô sơ khác làm 3 tên địch sa vào hầm chông, 29 tên bị thương vì ong bò vẽ đốt buộc chúng bỏ trận càn quét ngày 29/10/1962
Chông bàn được treo trong nhà lá để bẫy quân địch khi càn quét
Đình Tuệ – Cao Tuân