(Bình luận quốc tế) – Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Mỹ khó tạo nên bước đột phá trong bối cảnh căng thẳng bởi vấn đề an ninh mạng và tình hình Biển Đông.
Trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức Washington vào tuần này, triển vọng cải thiện quan hệ hai nước đang trở nên ảm đạm hơn so với thời điểm ông Tập gặp Tổng thống Mỹ Obama cách đây một năm.
Căng thẳng có chiều hướng gia tăng xung quanh cáo buộc Bắc Kinh tấn công mạng nhằm vào Mỹ và những diễn biến mới nhất về tình hình Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2014.
“Mỹ ngày càng bày tỏ sự nghi ngờ về những hành động của Trung Quốc”, ông Aaron L. Friedberg, Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton (Mỹ) nhận định. “Bầu không khí ngay trước chuyến thăm của ông Tập đang tỏ ra tiêu cực hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ năm 1989″.
Đồng thời, niềm tin vào sự tăng trưởng của Trung Quốc đang lung lay dữ dội bởi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và nền kinh tế chững lại.
Tìm kiếm quan điểm chung
AP cho rằng, chuyến thăm của ông Tập không mang ý nghĩa hoàn toàn ảm đạm. Trung Quốc và Mỹ dường như đã tìm kiếm được một lập trường thống nhất trong vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc trả lời phỏng vấn trên tờ Nhân dân Nhật báo đã nói: “Hai nước cần phải nhìn nhận rõ ràng hơn về khả năng hợp tác, để tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực và tài nguyên”.
Đối với Washington, cuộc đàm phán có ý nghĩa sẽ nằm ở lĩnh vực thương mại, Triều Tiên và Iran. Các quan chức Mỹ nói rằng, họ không tin tưởng vào khả năng tạo nên bước đột phá trong các vấn đề khó khăn.
Nhưng Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ hướng đến một cử trỉ hòa giải, bao gồm việc khởi động lại đàm phán về vấn đề an ninh mạng cũng như thiết lập hiệp ước tránh các sự cố va chạm máy bay ngoài ý muốn.
“Điều quan trọng nhất trong chuyến thăm của ông Tập là sự thừa nhận tầm quan trọng của mối quan hệ Trung-Mỹ”, Giáo sư về các vấn đề quốc tế Brantly Womack, Đại học Virginia Mỹ nhận định. ”
Các quan chức chính phủ và học giả Trung Quốc nói rằng, các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần duy trì mối liên lạc chặt chẽ, phát triển mối quan hệ nước lớn “kiểu mới”. Một khái niệm nhằm đưa Trung Quốc sánh ngang với Mỹ.
“Cả hai bên nên chủ động nhượng bộ. Cuộc gặp là cơ hội để đàm phán”, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung Zhu Feng tại Đại học Bắc Kinh bình luận.
Những dấu hiệu rạn nứt
Đối với ông Tập, chuyến thăm đến Washington là cơ hội để làm nổi bật vị thế quốc gia. Ở quê nhà, ông Tập Cận Bình đang tăng cường cải cách, hiện đại hóa quân đội cũng như khẳng định nỗ lực theo đuổi chiến dịch chống tham nhũng đến cùng. Nhưng đối với các vấn đề nước ngoài, đây lại là một câu chuyện khác.
Chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong bối cảnh Quốc hội, một số quan chức quân đội và tình báo Mỹ gây sức ép lên Tổng thống Obama về một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Trong một cuộc khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 54% người Mỹ bày tỏ quan điểm không thân thiện với Trung Quốc. Mức độ này ngày càng gia tăng như trong năm 2010.
Căng thẳng giữa hai nước xung quanh vấn đề an ninh mạng đang đạt đến mức chưa từng có. Bất chấp những cáo buộc của Mỹ, Trung Quốc luôn cho rằng mình cũng chỉ là một nạn nhân của các hacker.
Các quan chức Mỹ gần đây đã bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đảo nhân tạo, xây dựng đường băng quân sự trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mỹ từng nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt những hành động như vậy nhưng chỉ nhận được phản ứng cho rằng, đây không phải là vấn đề liên quan đến Washington.
Mức độ ngờ vực, đặc biệt trong vấn đề tấn công mạng và gián điệp được thể hiện thông qua một sự kiện khá bất ngờ. Bộ Ngoại giao Mỹ sau hàng thập kỷ cuối cùng đã chấm dứt việc thuê phòng cho các quan chức tại khách sạn Waldorf-Astoria ở New York.
Mỹ không đưa lý do cho sự thay đổi này, dù các quan chức Hoa Kỳ nói rằng việc tập đoàn Hilton bán khách sạn cho hãng bảo hiểm Trung Quốc có thể tạo nên mối lo ngại về gián điệp.
Đăng Nguyễn (theo AP)