Trong khi ông Nguyễn Đình Cung nói ông ngạc nhiên khi EVN đứng ra làm hội thảo về biểu giá điện thì chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng ngành điện đang có “nhiều vấn đề”.
Chưa có phương án bán lẻ điện nào được chọn. Ảnh EVN
Sáng 22/9, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) chính thức tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia về biểu giá điện bán lẻ mới.
EVN đưa ra 3 phương án đề xuất: giữ nguyên 6 bậc như hiện nay; chỉ có một mức giá điện sinh hoạt là 1.747 đồng/kwh và có 3 hoặc 4 bậc thang điện.
Nóng… biểu giá điện
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã khiến các đại biểu và nhiều phóng viên bất ngờ khi thẳng thắn bày tỏ: “Tôi hơi ngạc nhiên hội thảo hôm nay EVN lại đứng ra tổ chức.”
Trước sự bất ngờ của các đại biểu, ông Cung giải thích “đây là việc của bộ Công thương” và việc làm của EVN có thể khiến xã hội có thể hiểu nhầm “EVN chỉ có thể làm giá điện cho mình chứ không nên cho cả ngành điện.”
Quan điểm của ông Cung, cốt lõi là phải tăng tính thị trường. “2 khía cạnh phải xử lý là thể chế và kỹ thuật, song cả 2 khía cạnh trên không thấy cách giải quyết để tiến đến thị trường cạnh tranh,” – ông Cung nói.
Ngắt lời ông Cung, ông Nguyễn Tuấn Anh – Cục Điều tiết Điện lực – cho biết, EVN tổ chức hội thảo trên cơ sở thực trạng, xem xét biểu giá điện mới và sẽ thực hiện đầy đủ các bước có ý kiến bộ, ngành.
Đỡ lời ông Tuấn Anh, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết, chức năng, nhiệm vụ của EVN đã được quy định cụ thể.
Cũng theo ông Kiên, điện vừa là ngành kinh tế vừa gắn chính trị và an sinh xã hội, giá điện chia như thế nào cũng phải đảm bảo quyền lợi số đông.
Cấp thiết cải tiến giá bán lẻ
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, cho rằng trước mắt cần cải tiến biểu bán lẻ điện sinh hoạt, lý do là vì cơ cấu biểu giá điện hiện tại không còn phù hợp.
Về lâu dài phải cải tiến cả biểu giá điện sinh hoạt, điện sản xuất, điện kinh doanh, theo ông Thỏa.
Ông Thỏa cũng cho biết thêm, khi xây dựng biểu giá ở Việt Nam, công ty tư vấn đã xem xét cách tính của các nước khác. Mỗi nước đều có nét riêng nhưng điểm chung là đều phân biệt điện theo mục đích sử dụng: điện sinh hoạt, điện công nghiệp…
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng ngành điện có nhiều vấn đề. Mỗi lần tăng giá, từ 2009 đến nay, đều không tạo được đồng thuận. Có lý do người tiêu dùng không muốn giá tăng, nhưng cũng có lý do EVN không thực sự minh bạch.
Với biểu giá mới, ông Long hỏi biểu giá cũ đã gây bức xúc, EVN lại đưa tiếp làm phương án một liệu có phải bảo thủ?
Trước các phản biện trên, ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám đốc EVN – cho biết cái khó của EVN là vừa sản xuất kinh doanh điện lại phải chịu trách nhiệm cung cấp điện cho toàn ngành kinh tế.
“Nếu đứng dưới góc độ nhà sản xuất tôi bán đủ chi phí là được rồi nhưng EVN mà còn chịu trách nhiệm cung cấp điện cho toàn ngành kinh tế”, ông Tri nói.
L. Văn