(Tin quân sự nước ngoài) – Ưu thế trên phương diện tác chiến điện tử và vũ khí hạt nhân là những yếu tố giúp Nga tái cân bằng sức mạnh quân sự so với Mỹ.
Sputnik News dẫn nguồn tin từ tạp chí National Interest (Mỹ) cho biết: “Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã tụt hậu so với Mỹ trên các phương diện hệ thống điều khiển tự động, máy bay không người lái và các thiết bị điện tử tiên tiến”.
Tuy nhiên, để “bù đắp cho sự yếu kém về mặt quân sự”, Moscow đã đạt được thế mạnh trong việc can thiệp vào hệ thống thông tin liên lạc của đối phương và dùng tác chiến điện tử để vô hiệu hóa các trang thiết bị tự động.
Tổ hợp tác chiến điện tử cơ động Rtut-BM (1L262E) của nga.
Đây là lĩnh vực mà quân đội Nga và trước đây là Liên Xô đã đạt được nhiều kinh nghiệm đáng kể, National Interest bình luận. Đặc biệt là hệ thống gây nhiễu radar Richag-AV và sonar mà chỉ có Nga sở hữu.
Richag-AV được thiết kế để tránh radar, sonar và các hệ thống phát hiện mục tiêu khác nhằm bảo vệ máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, , lực lượng bộ binh cũng như hải quân trước các tên lửa không đối không hoặc hệ thống phòng không trong phạm vi vài trăm kilomet.
Hệ thống này có thể được lắp đặt và sử dụng bởi bất kì lực lượng quân sự nào bao gồm tàu chiến, máy bay và trực thăng. Khả năng của Richag-AV được đánh giá vượt xa hệ thống tương tự của phương Tây.
Bên cạnh đó, một trong những kỹ thuật chiến tranh khác mà Nga có thể sử dụng đó là “tập trung vào chiến tranh mạng nhằm chống lại những lợi thế công nghệ của phương Tây”. Đây là hai lĩnh vực mà Nga có những ưu thế nhất định khi so sánh với các quốc gia phương Tây.
Tổ hợp chặn thu vô tuyến điện Leer-2 được Nga bố trí tại bán đảo Crimea.
Trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm với phương Tây, Nga có thể sử dụng lính đánh thuê hoặc các lực lượng thường xuyên khác, được hỗ trợ bởi GRU (Tổng cục Tình báo Bộ Tổng Tham mưu) và các đơn vị đặc biệt khác. Ngoài ra, Nga có thể sử dụng mối quan hệ thân thiện với các nước láng giềng để che giấu các hoạt động bí mật.
Trong lĩnh vực quân sự truyền thống, Nga hiện đang tập trung phát triển các loại vũ khí dẫn đường chính xác. Chiến lược chống chống tiếp cận, chống xâm nhập của Nga chủ yếu nhằm bảo vệ lãnh thổ bằng các mạng lưới phòng thủ.
Hệ thống phòng thủ nhiều lớp như vậy hiện đang được thiết lập ở Crimea. Trong tương lai, mạng lưới phòng thủ sẽ được trải rộng quanh quần đảo Kuril, Kaliningrad và các khu vực ven biển khác. Ngoài ra, radar băng tần thấp của tên lửa SAM cũng được thiết kế để chống lại khả năng tàng hình ưu việt của máy bay Mỹ.
Cuối cùng, quân đội Nga sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khả năng răn đe hạt nhân như một biện pháp đảm bảo. National Interest không loại trừ khả năng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược để bảo vệ lãnh thổ hay chủ quyền quốc gia.
Đăng Nguyễn
2015-08-22 01:40:26
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/bao-my-lo-ngai-suc-manh-tac-chien-dien-tu-cua-nga-a203111.html