(Tình hình bán đảo Triều Tiên) – Ông Alexander Zhebin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên của Viện Viễn Đông cho rằng, hiện nay có thể nói Bắc Triều Tiên sẵn sàng “nói đi đôi với làm”.
Ngày 20/8/2015, Bắc Triều Tiên đã tiến hành pháo kích vào phía Tây khu vực phi quân sự tại biên giới hai miền Triều Tiên với mục đích, theo dự đoán, nhằm vào các loa tuyên truyền mà Seoul dùng kích động chống Bình Nhưỡng.
Sau đó không lâu, Hàn Quốc cũng phóng về phía Bắc Triều Tiên hàng chục phát đạn pháo 155 mm để đáp trả.
Theo các phương tiện truyền thông, Bắc Triều Tiên pháo kích Hàn Quốc bằng các hệ thống hỏa lực bắn loạt. Hình minh hoạ một cuộc diễn tập pháo binh của Bình Nhưỡng.
Hiện nay, thông tin về thương vong và thiệt hại của hai miền vẫn chưa được công bố, tuy nhiên Chính quyền Hàn Quốc đã ra lệnh sơ tán người dân khỏi khu vực này.
Nguyên nhân leo thang xung đột
Trong thời gian gần đây, Seoul nhiều lần tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên và sẵn sàng đáp trả bằng quân sự. Mặc dù, chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên đã kết thúc bởi lệnh đình chiến, tuy nhiên, thực tế cho đến nay hai miền Triều Tiên vẫn ở trong trạng thái chiến tranh.
Khu vực biên giới giữa hai miền Triều Tiên luôn là điểm khơi mào xung đột
Ngày 4/8 vừa qua, 2 quân nhân Hàn Quốc bị thương nặng trong một vụ nổ tại khu vực phi quân sự đóng vai trò là biên giới giữa hai miền Triều Tiên. Sự việc xảy ra tại huyện Ёnchhon, tỉnh Gyeonggi trong thời gian tuần tra thông thường. Cả hai quân nhân sau đó đã được đưa đến bệnh viện quân y điều trị, tuy nhiên, hậu quả của vụ nổ đã làm một trong hai quân nhân bị cụt chân.
Theo kết quả điều tra từ phía Hàn Quốc, cả ba quả mìn đã nổ đều do Bắc Triều Tiên sản xuất và được rải trên tuyến đường tuần tra của quân nhân Hàn Quốc chưa lâu.
Do đó, ngày 10/8 Seoul bắt đầu khôi phục các hoạt động tuyên truyền nhằm vào lãnh thổ Bắc Triều Tiên sau sự cố xảy ra với hai quân nhân Hàn Quốc vừa qua.
Tiềm lực quân sự của hai miền Triều Tiên
Theo số liệu chính thức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân số của các lực lượng vũ trang Hàn Quốc là 630.000 người, số quân dự bị 2.970.000 người. Ngoài ra, tại Hàn Quốc còn có 28.500 lính Mỹ đồn trú.
Hàn Quốc có hơn 2.380 xe tăng (К1, К1А1, К2 sản xuất trong nước và 35 xe tăng T-80U của Nga), 2.660 xe thiết giáp, 1.412 máy bay (trong đó có cả các biến thể hiện đại máy bay tiêm kích F-15 và F-16 của Mỹ).
Binh lính Hàn Quốc đang ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất
Hải quân có khoảng 70.000 người, gồm cả Lực lượng Thủy quân Lục chiến. Hải quân được biên chế 16 chiến hạm, gồm 12 tàu khu trục (3 trong số đó là lớp King Sejong, tương tự tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke của Mỹ), 10 chiến hạm, 12 tàu ngầm và 21 tàu hộ tống.
Quân số của Quân đội Bắc Triều Tiên từ 690.000 (theo số liệu của GlobalFirepower) đến 1.190.000 người (theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế).
Quân đội Bắc Triều Tiên được biên chế 4.200 xe tăng (chủ yếu là T-55 và T-62M do Liên Xô sản xuất và xe tăng Type 59 của Trung Quốc, cũng như các biến thể trong nước của các xe tăng Liên Xô “Songun-915” và “Chonmaho”), 4.100 xe thiết giáp, 940 máy bay và trực thăng (chủ yếu là các máy bay tiêm kích do Liên Xô hoặc Trung Quốc sản xuất như MiG-17, MiG-19, MiG-21, MiG-23, MiG-29.
Ngoài ra, Không quân Bắc Triều Tiên có 34 máy bay tấn công Su-25 và 35 máy bay tiêm kích MIG-29, khoảng 24 trực thăng Mi-24.)
Quân số của Hải quân Bắc Triều Tiên khoảng 60.000 người, được trang bị 3 chiến hạm, khoảng 50 tàu ngầm, hơn 500 tàu thuyền cỡ nhỏ.
Động thái của các bên
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp khẩn tại Văn phòng tổng thống với các quan chức của Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun-hye đã lệnh cho quân đội sẵn sàng giáng trả Triều Tiên đồng thời duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ Tài chính Hàn Quốc thông báo các nhà hoạch định kinh tế và tài chính hàng đầu nước này sẽ nhóm họp vào sáng 21/8 để thảo luận về những tác động đối với nền kinh tế và các thị trường từ vụ đấu pháo vừa qua với Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, Bắc Triều Tiên triệu tập cuộc họp khẩn của Ủy ban Quân sự Trung ương và trong một thông cáo mới nhất do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố vào chiều 20/8, Quân đội Bắc Triều Tiên đã chuyển một thông điệp cảnh báo, trong đó coi chiến dịch tuyên truyền của Seoul là một thách thức nghiêm trọng với Bình Nhưỡng.
Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp quân sự nếu phía Hàn Quốc không cho ngừng các chương trình phát thanh chống Bình Nhưỡng và dẹp bỏ mọi thiết bị trong vòng 48 giờ đồng hồ, kể từ 17 giờ chiều ngày 20/8.
Lục quân của Bắc Triều Tiên
Phản ứng của dư luận quốc tế
Nga là quốc gia đầu tiên có động thái phản ứng trước cuộc không kích pháo giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.
Hãng tin TASS dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga ngày 20/8 cho biết, Moscow hết sức quan ngại trước sự leo thăng căng thẳng mới giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Chúng tôi (Nga) không nghiêng về bên nào, nhưng xu hướng leo thang tình hình chung trên bán đảo Triều Tiên hiện nay không thể không bày tỏ quan ngại và Nga sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. Chúng tôi hy vọng, hai bên sẽ không tiếp tục khiêu khích gây nên những hành động nguy hiểm”.
Đánh giá của chuyên gia về khả năng xảy ra xung đột quy mô lớn
Trả lời phỏng vấn phóng viên báo “Sự thật” (Nga), ông Alexander Zhebin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên của Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, hiện nay có thể nói Bắc Triều Tiên sẵn sàng chuyển từ lời nói đến hành động (nói đi đôi với làm).
Tuy nhiên, thực tế tại Hàn Quốc có 28.000 lính Mỹ đồn trú, do vậy không có cơ sở khẳng định rằng, Bắc Triều Tiên sẽ tấn công Hàn Quốc.
Theo ông Alexander Zhebin, trong giai đoạn hiện nay, dù trong bất kỳ trường hợp nào khả năng xảy ra xung đột quy mô lớn giữa Bình Nhưỡng và Seoul khó có thể xảy ra.
Nguyễn Hoàng
2015-08-22 01:40:09
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/cap-nhat-tin-moi-nhat-vu-bac-trieu-tien-na-phao-vao-han-quoc-a203007.html