Yak-130 là một trong những loại máy bay huấn luyện-chiến đấu được đánh giá là hiện đại nhất thế giới của Không lực Nga.
Yakovlev Yak-130 là một máy bay huấn luyện được OKB Yakovlev và thuộc Nga và hãng Aermacchi hợp tác thiết kế chế tạo. Sau khi các công ty thiết kế không thống nhất được với nhau về các mặt phát triển của máy bay, 2 công ty đã dựa trên mẫu thiết kế ban đầu để phát triển hai mẫu khác nhau. Phiên bản của Aermacchi là M-346, còn của Yakovlev là Yak-130. Trước đây nó cũng còn được biết đến với cái tên Yak-AT.
Đây là loại máy bay có tính năng kép: vừa có thể được sử dụng như máy bay huấn luyện vừa được dùng như phi cơ chiến đấu hạng nhẹ.
Yak-130 rất linh hoạt, có thể chịu gia tốc trọng trường +8G – -3G và có khả năng thực hiện những động tác thao diễn đặc biệt nhằm huấn luyện phi công đối với máy bay chiến đấu hiện đại hoặc sẽ xuất hiện trong tương lai.
Thiết kế
Yak-130 có buồng lái tiêu chuẩn 2 chỗ ngồi và được trang bị hê thống điều áp không khí, nó được trang bị loại ghế phóng NPO Zvezda K-36LT3.5 zero-zero. Phi công có một tầm nhìn toàn diện qua vòm kính che buồng lái.
Máy bay có buồng lái với vòm che hoàn toàn bằng thủy tinh chống đạn. Cả 2 phi công đều được trang bị hệ thống tầm nhìn ban đêm và 3 màn hình hiển thị đa chức năng tinh thể lỏng 6×8 inch. Phi công phía trước có thể sử dụng hệ thống hiện thị tầm nhìn phía trước trên mũ để chỉ thị mục tiêu.
Buồng lái Yak-130
Hệ thống điều khiển lái số fly-by-wire được sử dụng để điều chỉnh độ ổn định và những đặc trưng điều khiển, hệ thống an toàn bay tương tự như MiG-29, Su-27 hay Su-30…
Hệ thống điện tử hàng không với kiến trúc mở gồm 2 máy tính và một bộ đa hợp trao đổi thông tin 3 kênh. Bộ dẫn đường bao gồm những con quay laser và hệ thống định vị toàn cầu GLONASS/NAVSTAR.
Vũ khí
Máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 có thể mô phỏng các chiến thuật của các máy bay chiến đấu khác nhau. Nó có một giá treo ở giữa thân và các giá treo khác ở trên cánh để mang vũ khí, bình thường thì nó có 6 điểm treo vũ khí, nhưng khi cần thiết có thể tăng lên 8 giá treo với 2 điểm ở đầu cánh, tổng trọng tải vũ khí mà nó có thể mang là 3.000 kg.
Một hệ thống điện tử hàng không có cấu trúc mở trên Yak-130 cho phép nó có thể sử dụng rộng rãi các vũ khí của phương Tây và tên lửa dẫn đường bao gồm AIM-9L Sidewinder, Magic 2 và AGM-65 Maverick.
Yak-130 còn có thể sử dụng tên lửa dẫn đường bằng laser Vikhr, tên lửa không đối không dẫn đường bằng hồng ngoại R-73 (tên hiệu NATO AA-11 Archer) và tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser Kh-25ML (NATO AS-10 Karen). Ngoài ra nó còn có thể mang bom dẫn đường KAB-500Kr.
Máy bay được trang bị với một khẩu pháo 30mm GSh-301 hoặc pháo GSh-23 được đặt dưới thân. Ngoài ra còn có thể mang rocket không điều khiển B-8M và B-18, 250 kg bom thường và 50 kg bom chùm.
Đặc biệt, khoang mũi của Yak-130 hoàn toàn phù hợp để lắp đặt radar Osa được phát triển bởi NIIP Zhukovsky.
Radar này có khả năng theo dõi 8 mục tiêu, đồng thời tấn công 4 mục tiêu ở trên không hoặc 2 mục tiêu dưới đất cùng lúc. Phạm vi dò tìm mục tiêu với diện tích phản xạ radar 5 m2 là 85 km, tự động khóa mục tiêu từ cự ly 65 km.
Ưu – nhược điểm
Có thể thấy Yak-130 vượt trội hoàn toàn MiG-21, Su-22 ở khả năng thao diễn quần vòng trong không gian hẹp, cũng như tải trọng và các loại vũ khí không chiến tầm xa. Với radar Osa cùng tên lửa R-73, Yak-130 sẽ phần nào có thể tác chiến độc lập.
Tuy nhiên với đặc trưng của một máy bay huấn luyện, Yak-130 có tốc độ leo cao rất kém, cửa hút gió cũng đặc trưng cho việc hoạt động ở tốc độ cận âm.
Do vậy, nó sẽ cực kỳ bất lợi nếu gặp phải một chiếc tiêm kích siêu âm nhanh nhẹn sử dụng chiến thuật “kéo cao – bổ nhào”, trong trường hợp này khả năng chiến thắng của Yak-130 gần như là không có.
Nhưng xét về tổng thể, Yak-130 vẫn “ăn đứt” Su-22 trong vai trò tiêm kích đánh chặn tầm ngắn, thêm vào đó lại có giá thành rất rẻ, chỉ vào khoảng 15 triệu USD/chiếc.
Phan Hoàng
2015-07-31 07:56:15
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-tinh-nang-tao-nen-danh-tieng-cua-tiem-kich-yak-130-a199970.html