Profile image
Tác giả: ZeroEnergyVN
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Những dòng khí công nô lệ hóa
Thursday, July 30, 2015 22:00
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
0

Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

Những năm gần đây, khi tu tập tâm linh trở nên một trào lưu thịnh hành, đã có nhiều dòng khí công thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Tuy nhiên, không phải mọi công phái đều được xây dựng trên những nền tảng tinh thần an toàn và lành mạnh. Vì thiếu hiểu biết về bản chất của việc tu tập, nhiều người trẻ đã sa vào những công phái nguy hiểm, rồi gặt lấy hậu quả khủng khiếp cho mình và những người thân.
Nhắc đến dòng Bạch Hỏa Công của “sư phụ Thái”, nhiều cựu môn đệ vẫn không khỏi rùng mình. Với những người kịp thoát khỏi u mê, dòng công đã trở thành cơn ác mộng trong kí ức. Bị ép đi ngược lại những phương pháp tu căn bản, người tập bị hỗn loạn nguyên khí, hư hại lục phủ ngũ tạng và các luân xa. Cứ mười người tập môn này, thì phải có đến chín người vướng phải những vấn đề về thần kinh, hoặc chìm đắm trong những ảo tưởng thánh thần mà người đứng đầu dày công tô vẽ. Nhiều bạn nữ bị đưa vào các mối quan hệ tình cảm với người đồng tu, thậm chí bị ép quan hệ tình dục với “thầy” để “tăng thêm công lực”. Phần vì bị điều khiển tâm, phần vì muốn chứng minh lòng trung thành với môn phái, nhiều người tập không ngại ngần làm những việc gây thương tổn đến bạn bè, xã hội và người thân. Mối nguy hại chỉ tạm lắng xuống khi một nạn nhân đâm đơn kiện, khiến cơ quan công an vào cuộc điều tra và có biện pháp theo dõi “thầy”. Tuy vậy, theo tám gia đình “môn đệ” vừa cùng kí đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, mối nguy hại từ dòng công kia vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.
Đây chỉ là một trường hợp nổi danh trong cộng đồng tâm linh Hà Nội. Vẫn còn vài tập thể khác mà người viết không tiện nêu tên. Trước những hệ lụy nghiêm trọng mà các nạn nhân, trong đó có bạn bè mình, phải hứng chịu, chúng tôi không thể không lên tiếng về vấn đề này. Cái giá phải trả có thể sẽ cao, nhưng sự thật cần được nói ra trước khi có thêm một nạn nhân nữa.
Bài viết này xin chia thành ba mục nhỏ.
Mục thứ nhất trình bày bản chất của khí công và việc luyện công.
Mục thứ hai mô tả cách thức mà những thế lực người, thần và quỉ sử dụng công để thao túng môn đồ.
Mục thứ ba phân tích những ảo tưởng thường gặp của kẻ luyện công, và cách nhận diện những dòng khí công không đứng đắn.
Những dòng dưới đây được viết trên tinh thần nói thẳng nói thật. Vì vậy không tránh khỏi nhiều điểm bất kính, mong các bạn tu tập không chê.
Khí công là gì?
Luyện công, hiểu theo nghĩa tổng quát nhất, là dùng tâm ý, hơi thở, tư thế và cử động để cải biến cơ thể con người. Cần lưu ý rằng ở đây, từ “cơ thể” được hiểu theo nghĩa rộng hơn là xác thân vật lý.
Trong ngôn ngữ của huyền học Trung Hoa, cơ thể người bao gồm ba bộ phận. Bộ phận đầu tiên, xác, tương ứng với cơ thể vật lý quen thuộc của chúng ta. Bộ phận thứ hai, vía, chính là thể năng lượng, hay thể cảm xúc, làm trung gian giữa xác và hồn. Bộ phận cuối cùng, hồn, là tập hợp thông tin tạo nên tâm trí của mỗi người, được tích tụ dần dần qua các kiếp sống.
Trong từ “khí công”, chữ “khí” ám chỉ thể năng lượng. Đây là một khái niệm rất quen thuộc trong di sản văn hóa phương Đông. Khác với y học phương Tây chỉ nghiên cứu cơ thể xác thịt, Đông y được đặt nền tảng trên tri thức về hệ mạch khí của con người. Nếu gạt bỏ bức màn huyền hoặc mà thiên hạ phủ lên, ta sẽ biết Phong Thủy là bộ môn cảm nhận năng lượng của trời, đất, người, và nghiên cứu nguyên lí vận hành của năng lượng trong không gian hình và số. Môn Tử Vi nghiên cứu mối tương quan năng lượng giữa những ngôi sao, những con người và những sự kiện. Mọi khía cạnh của nền văn hóa châu Á cổ, từ cách ăn, cách mặc cho đến hệ thống chính trị, đều được hình thành trên nguyên tắc cân bằng năng lượng âm dương. Nỗi ám ảnh này bắt nguồn từ một lý do rất giản dị: ba phần hồn, vía và xác vốn tồn tại trong một tổng thể thống nhất, không thể tách rời. Mỗi khi thể năng lượng của một con người, sự kiện, gia đình hoặc đất nước có sự đổi thay, trong thể vật lý và thể thông tin cũng sẽ xảy ra những đổi thay tương ứng.
Khí công vận hành theo nguyên tắc như vậy. Người luyện công điều khiển suy nghĩ, năng lượng và cơ thể của mình cùng lúc để cải biến bản thân. Kundalini, dòng khí công cổ nhất, là kĩ thuật thăng hoa năng lượng dục thành năng lượng siêu tâm thức, nhằm nâng cao tầm vóc vũ trụ của con người. Từ khởi điểm đó tới nay, môn khí công đã phân li thành nhiều dòng, rất khác nhau về cách thức định tâm, dẫn khí và tụ khí…
Để hiểu về sự đa dạng của các dòng khí công, mời bạn đọc xem hai bài mà tôi dẫn link trong phần tham khảo. Dưới đây, tôi chỉ xin bàn về một khía cạnh, là sự khác biệt giữa khí tự luyện và khí gắn liền với pháp thân.
Vào thời khởi thủy, luyện công là một hoạt động tự túc hoàn toàn. Người tập tự tích lũy và định hình thể khí của bản thân, rồi dựa vào khối năng lượng này để tự cải tạo bản thân theo ý muốn. Người thầy chỉ có vai trò khai tâm, hướng dẫn và xử lí tai nạn. Như trong các truyện tiên đạo, thường thì thầy chỉ giảng bài, vứt cho trò một quyển bí kíp, rồi hẹn gặp lại cháu sau dăm mười năm. Việc luyện công, vì thế, đòi hỏi sự kỉ luật, kiên nhẫn và những cố gắng tự tìm tòi. Trừ những người có ngộ tính cao, hiếm ai cảm nhận được thành tựu của việc luyện công trước khi tập đều 9 tháng.
Sau đó, đã nảy sinh một phương án dự phòng cho những người muốn đẩy nhanh tiến độ. Đó là những công phái đặt nền tảng trên dòng năng lượng gắn liền với pháp thân.
Nhưng trước hết, pháp thân là gì? Hiểu một cách giản đơn, thì đó là những “phân thân” của người trưởng môn phái. Giống như Tôn Ngộ Không tự nhân bản chính mình bằng cách bứt một đám lông, người trưởng môn có thể tạo ra pháp thân bằng cách ngắt khỏi thân mình một phần thông tin và năng lượng. Trong trường hợp trưởng môn là một vị thần có thể thông tin và năng lượng thừa thãi, pháp thân có thể phát triển thành một linh hồn độc lập, rồi tham gia vào vòng sinh tử luân hồi như mọi chúng sinh. Nhưng trong đa số các trường hợp khác, pháp thân chỉ có giá trị như một phần mềm tinh thần. Trưởng môn có thể cấy pháp thân của mình vào những linh hồn yếu hơn, giống như hacker đưa virus vào các máy tính.
Thủ đoạn này có cả chỗ lợi lẫn chỗ hại. Người trưởng môn phải trả giá bằng sự thương tổn của cơ thể năng lượng và thông tin. Đổi lại, anh ta có thể biến những linh hồn khác thành nô lệ của mình để sai bảo, hoặc để vắt năng lượng dần dần như gia súc, hòng kiếm lợi từ lượng vốn đã bỏ ra ban đầu. Đối với những linh hồn bị cấy pháp thân, cái lợi luôn rõ ràng như tờ rơi quảng cáo. Họ nhận được mọi lợi quyền mà người trưởng môn hứa hẹn. Thứ nhất, là nhanh chóng đạt được quyền năng. Có những công phái mời chào rằng học viên sẽ cảm nhận được sự thay đổi cơ thể chỉ sau hai tuần lễ, điều không thể có nơi những phép tu thông thường. Kế đó là những phúc lợi có được từ quyền năng: sức khỏe, khả năng lôi cuốn người khác giới và đám đông, hay những công năng đặc dị để đem mãi võ… Và cuối cùng là lời hứa hẹn từ các trưởng môn, rằng học viên sẽ được cứu độ bởi công phái này, để trở thành cư dân của một tầng trời mà trưởng môn cai quản. Cả ba lời hứa hẹn này đều đi kèm với những ảo tưởng lớn, mà tôi sẽ trở lại phân tích trong phần sau.
Vậy cái giá mà những người bị cấy pháp thân phải trả là gì? Về bản chất, tình nguyện để mình bị cấy pháp thân cũng không khác gì bán linh hồn mình cho quỉ dữ. Trong suốt quá trình luyện công và dụng công, hồn vía của môn sinh sẽ bị con virus pháp thân nuốt chửng dần dần, cho tới khi anh ta bị thao túng hoàn toàn và biến thành nô lệ.
Khi đặt lòng tham của mình vào sức mạnh mà quỉ thần rao bán, con người tự đánh mất bản thân.
Những phương thức thao túng con người
Những công phái quỉ tu có vô vàn cách thức để thao túng các môn đồ. Chúng thường thành công, vì vừa vượt xa trí tưởng tượng của mọi người, vừa biết lợi dụng lòng tham và cái tôi của đa phần công chúng.
Trọng tâm của những phương thức này là khối năng lượng gắn liền với pháp thân trong được cấy trong cơ thể của người tu tập. Tùy từng môn phái, những khối khí này có đặc điểm khác nhau. Khí của Hỏa Linh Công, Pháp Luân Công và tổng lãnh thiên thần Raphael trong Thiên Chúa giáo có rất nhiều điểm tương đồng. Chúng đều là những khối khí nóng chiếm lĩnh phần bụng và ngực của nạn nhân, hút một lượng lớn năng lượng dục của vật chủ để phình to dần, và có công năng chữa bệnh. Trong khi đó, khí của Bạch Long Công lại có nhiều điểm tương đồng với tổng lãnh thiên thần Michael và Phobos – vị thần nỗi sợ ở Hy Lạp. Loại năng lượng này có sắc tím thẫm, sát khí đậm đặc, thường chiếm lĩnh vùng ngực và con mắt thứ ba. Tôi xin phép không bàn thêm về căn nguyên của những sự tương đồng gây tranh cãi này. Nếu bạn có khả năng cảm nhận và tinh thần khám phá cao, xin hãy tự tay kiểm chứng.
Vậy vì sao những khối năng lượng này lại có khả năng thao túng người tập? Vấn đề nằm ở nguyên lý của hoạt động luyện công. Vì ba phần tâm trí, vật lý và năng lượng của con người vốn tồn tại trong một tổng thể thống nhất, nên khi người luyện công thì công cũng luyện người. Nếu trưởng môn phái nắm được thể năng lượng của đệ tử qua dòng khí được cấy pháp thân, anh ta có thể lũng đoạn đệ tử này về cả cảm xúc, cơ thể lẫn suy nghĩ.
Có nhiều cách để cấy năng lượng của trưởng môn vào người tập. Ngoài kĩ thuật truyền công trực tiếp, phương thức đáng lưu ý nhất là phát tán năng lượng bằng ngôn từ – như tên gọi, kinh sách hoặc những bài nói chuyện trước đám đông.
Ngôn từ là đối tượng quan trọng bậc nhất trong nhiều loại hình phép thuật. Nó là một dạng mã hóa của thể thông tin. Vì vậy, khi được xướng lên, ngôn từ sẽ tạo ra một tương tác thông tin và năng lượng giữa người nghe, người đọc, người được ngôn từ ám chỉ và tác giả của ngôn từ. Sức mạnh tinh thần của tác giả càng cao, luồng tương tác này càng mạnh mẽ. Không phải tự nhiên mà những bài diễn thuyết của Hitler có khả năng thôi miên hàng nghìn thính giả. Cũng không phải tự nhiên mà trong mọi hệ thống văn hóa và tôn giáo, người ta đều đề cập đến những dòng kinh, hoặc những câu thần chú có khả năng triệu hồi sức mạnh của các thế lực siêu nhiên. Như thế, ngôn từ là một công cụ rất nguy hiểm, hàm chứa trong nó cả khả năng nô dịch lẫn giải phóng con người.
Để nô dịch con người, các hệ thống tôn giáo hiện nay thường sử dụng ngôn từ qua hai cách.
Cách thứ nhất là ban tên thánh hoặc pháp danh, tức đặt lại tên cho người tu tập. Trong không gian ma thuật, mỗi cái tên của bạn đều gắn liền với một thực tại và một số phận mà bạn đang mang. Khi thiên hạ đặt cho bạn một cái tên mới, họ tạo ra một phiên bản mới của bạn, với một khí vận cũng mới hoàn toàn. Nếu bạn chấp nhận cái tên này bằng toàn bộ niềm tin, bạn đã trao số phận của mình cho người ta uốn nắn.
Tên thánh và pháp danh không chỉ định hình khí vận. Đi xa hơn nữa, nó còn trói buộc bạn vào một hệ thống tâm linh. Pháp danh trao cho bạn những trách nhiệm của thành viên trong một hệ thống có thứ bậc, kỉ cương và uy quyền. Bởi vậy, đừng “bán khoán” cái tên hiện tại của mình, hoặc đổi nó lấy một pháp danh, trừ phi bạn đã ý thức rõ ràng cái giá phải trả cho hành động ấy.
Cách thứ hai là phát tán năng lượng qua các văn bản. Khi dồn khí về vùng ngực và cổ, nhiều công phái trao cho người thuyết giảng khả năng mê hoặc đám đông. Nếu nhạy cảm, bạn có thể cảm thấy khí lực phát ra từ khúc nhạc, dòng viết hoặc tranh vẽ của những ai có sức mạnh tinh thần. Lời của những bậc thầy chứng ngộ như Jesus, Phật hoặc Osho luôn truyền đi một luồng năng lượng tích cực rất lớn… Tương tự, khi bị cấy pháp thân, người tập khí công cũng vô tình có khả năng đưa khí vào văn bản. Nhưng luồng khí đó không thuộc về họ, mà thuộc về vị trưởng môn. Nếu công phái này liên hệ chặt chẽ với một hệ thống quỉ thần có uy quyền lớn, và người viết có đủ sức mạnh, thì luồng khí phát ra từ văn bản thậm chí có thể tụ lại, rồi tự định hình để tạo thành một pháp thân. Nên hãy đề phòng: bạn có thể bị thôi miên khi đọc một văn bản tôn giáo!
Tiếp theo là những thủ đoạn nằm ngoài thể năng lượng. Trước hết, thể thông tin và thể vật lí của người tập cần được uốn nắn lại, nhằm tạo nên một cái ổ hoàn hảo để nuôi dưỡng khối năng lượng đã được cấy vào người anh ta. Để tái lập trình tâm trí, người tập sẽ bị nhồi vô số kinh sách vào đầu. Quá trình tẩy não này chỉ hoàn thành khi nạn nhân đã dành trọn niềm tin nơi cho những thần thoại, định kiến, lề luật và lễ nghi của môn phái. Tiếp theo, thể vật lí cũng cần được điều chỉnh. Có cả một danh sách dài những thứ không được ăn và những thứ phải ăn. Có môn phái còn can thiệp ngặt nghèo đến từng chi tiết trong cuộc sống riêng tư của người tập – từ cách mặc, ăn, nói, đến dáng đi, đứng, ngồi… Các môn đồ của phái này bị buộc phải buông thõng hai tay, đứng thẳng đuỗn người, hơi cúi đầu, rồi lừ đừ bước tới với tay và vai không đung đưa, hệt như tư thế của một con cương thi trong phim ma Trung Quốc. Đi xa hơn, khối năng lượng của nhiều công phái còn làm thay đổi hoàn toàn tính chất của nội tạng người tập. Có công phái còn khiến người tập lâu ngày mọc thêm một số nhánh xương.
Những sự can thiệp thô bạo ấy đều có lí do. Về cơ bản, chúng nhằm hai mục đích thực tiễn. Thứ nhất, là thay đổi cơ thể và tâm trí người tập, sao cho họ trở thành một vật chủ hoàn hảo, nơi pháp thân dễ dàng kí sinh. Thứ hai, là đồng hóa tất cả môn đồ, sao cho họ trở thành những bản sao y hệt người trưởng môn phái. Các môn đồ càng ít cá tính và dị biệt, càng giống hệt nhau cả về tư tưởng, thể chất và thói quen, thì hệ thống tôn giáo dựa trên pháp thân càng có thêm uy quyền và sức mạnh. Loại hệ thống này chắc chắn chỉ thay đổi con người cá nhân để củng cố quyền năng của hệ thống, chứ không thể giúp mỗi người tự tìm kiếm ánh sáng giác ngộ trong chính bản thân.
Sự bệnh hoạn chưa dừng lại ở đây. Nhiều trường phái tu còn điều khiển môn sinh bằng những thủ đoạn chính trị và tâm lý. Sau một thời gian tập, khi khối năng lượng đã ăn sâu, nó sẽ điều khiển tâm trí và tình cảm của học viên, khiến người này đột nhiên căm ghét bạn bè, người thân và xã hội. Để trấn an đệ tử, người trưởng môn giải thích rằng những tiến bộ trong con đường tu tập đã khiến họ tránh xa những kẻ “không sạch”, kém giác ngộ, vẫn luẩn quẩn sống trong vòng u mê. Từ nay, quan hệ xã hội và tình cảm của người đệ tử chỉ nên gói gọn trong một vòng tròn nhỏ các bạn đồng môn, những người cùng sống chân thực dưới ánh sáng của tình yêu và giác ngộ, không làm nhau bị “ô uế linh hồn”. Thế là môn sinh vừa bị cô lập hoàn toàn với những người có thể kéo họ ra khỏi hố sâu, vừa bị trói chặt hơn vào trong hệ thống.
Nhiều dòng tôn giáo là con rối trong tay những quyền lực tâm linh chuyên khai thác các tình cảm tiêu cực. Chúng ăn năng lượng từ nỗi sợ và thù hận để tồn tại và lớn lên. Một đệ tử Pháp Luân Công từng nói với tôi rằng Giang Trạch Dân sống lâu là điều cần thiết, vì phải có ông này đóng vai cái ác, thế giới mới nhận ra Lí Hồng Chí là cái thiện, và Pháp Luân Công mới giáo hóa được nhiều người. Tương tự, nếu không chống Cộng điên cuồng, một số dòng Công giáo ở Việt Nam chắc chắn mất đi nhiều nhân sự và tài chính. Và bạn hãy tưởng tượng xem, các quyền lực Công giáo và Hồi giáo liệu có tan rã không, nếu con người chỉ biết tha thứ và yêu thương, thay vì run sợ trước thánh kinh và thù ghét người ngoại đạo?
Họ có thể biện hộ rằng họ chỉ thù ghét Satan. Nhưng đừng quên: Satan chính là thù ghét.
Đập tan các ảo tưởng
Khi viết những dòng này, tôi không có ý phủ nhận hoàn toàn giá trị của những công phái dựa trên pháp thân. Tôi không nói rằng bạn là tốt khi tự tập khí công, và là xấu khi làm ổ cấy pháp thân cho kẻ khác. Tốt xấu của bạn nằm trong tay bạn: nếu giữ được sự tỉnh táo trong quá trình sống và tu tập, bạn sẽ gặt được những bài học tốt, bất kể bạn làm cái gì và tập tành ra sao. Tôi chỉ muốn nói rằng trong góc nhìn của tôi, mấy dòng khí công dựa trên pháp thân sao ngu xuẩn quá!
Hãy điểm qua những lời hứa hẹn. Cái cách họ dùng để chào hàng công phái, liệu có khác gì một luận điệu bán hàng đa cấp không? “Thầy” nói: “Tập đi, con sẽ khỏi bệnh chỉ sau vài tuần. Khí của thầy giúp con thôi miên đám đông và những bạn xinh xinh con thích. Khí sinh ra vận, giờ con không khổ nữa, vì khí của thầy đã cải thiện vận số cho con. À mà hãy tôn thờ đi, rồi khí của thầy sẽ đưa con vào một cõi thiên thần thánh…”.
Vâng, cảm ơn thầy, nhưng con không dại. Giờ hãy dẹp hết những thầy mà bạn đã học để tự động não tư duy. Trên đời liệu có không, một phép tu vừa đơn giản và dễ tập, lại vừa nhanh kết quả và tuyệt đối an toàn? Liệu có không, một phép tu vừa giúp bạn thành Phật thành Tiên, vừa cho bạn quyền năng để thỏa mãn lòng tham vật chất? Liệu có không, những quyền phép siêu nhiên không cần bỏ ra hàng nghìn năm tu luyện? Liệu có ai cứu chuộc bạn ngoài chính bạn không?
Không, không, không một nghìn lần. Đời không cho ta thành công miễn phí. Chẳng có phép màu nào không đính kèm một lời nguyền, và cũng chẳng có ai đem Thiên Đường ra bán phá giá cho bạn. Đừng mê muội, hãy tỉnh dậy đi!
Hãy nhìn rõ sự tình. Trong thế giới này, bạn có quyền theo đuổi mọi giấc mơ và chơi bất cứ trò chơi nào bạn thích. Nhưng theo luật nhân quả, bạn sẽ phải trả đủ, đến từng xu từng cắc, cho những gì mình nhận được. Đừng ngửa tay xin ai ban phép: làm vậy, bạn sẽ chỉ bán linh hồn mình cho các quyền lực tâm linh. Những người tu nghiêm túc đều thấm thía qui luật này. Nên trong truyền thống tu tiên, người thầy đích thực chỉ vứt cho học trò vài cuốn giáo trình rồi đi, còn trò thì ngồi luyện một mình suốt nhiều năm trong hang đá. Nên Phật tạm biệt các thầy cũ của ông, chỉ để đến gốc cây bồ đề ngồi vài ngày trong tĩnh lặng. Họ hiểu sự giác ngộ mà họ cần đạt đến: Tự Do.
Hãy thận trọng với các công phái sử dụng pháp thân của trưởng môn hoặc quỉ thần. Bạn đừng mơ, mọi sự sẽ không diễn ra như trong quảng cáo. Trong ngắn hạn, pháp thân của thầy có thể mang lại cho bạn vài công năng đặc biệt, như chữa bệnh, thôi miên hoặc thấu thị. Tuy vậy, chúng chỉ là quyền năng của thầy đem cho bạn mượn thôi. Khi những người bạn của tôi rời bỏ một công phái, họ lập tức bị mất toàn bộ khả năng và công lực từng làm họ tự hào. Và để trả giá cho việc thuê quyền năng, họ cũng phải chịu thêm nhiều tổn thương nghiêm trọng nơi tinh thần và thể xác.
Hãy thận trọng với lòng tham của bạn. Đừng theo đuổi một môn tu tập chỉ để nâng cao sức khỏe, danh vọng, may mắn, quyền năng. Nếu làm thế, con đường tâm linh của bạn đã phá sản ngay từ đầu. Bạn tập vì tham, trong một công phái phục vụ lòng tham, và theo một vị “thầy” cũng bị lòng tham chiếm lĩnh. Thầy trò cùng dắt tay nhau xuống vực sâu, nơi cả hai trở thành nô lệ của dục. Nực cười, khi trong địa ngục ấy, người ta vẫn tưởng mình là bậc cứu thế chễm chệ trên một cõi thiên…
Hãy thận trọng với kẻ rao bán Thiên Đường. Lâu nay, những công phái sử dụng pháp thân vẫn luôn thu hút tín đồ bằng cùng một củ cà rốt. Theo bộ thần thoại của các dòng công này, thì thế giới đang bước sang một giai đoạn đổi thay quan trọng. Người ta gọi giai đoạn này là tận thế, sự kết thúc của một năm vũ trụ, hoặc sự chuyển đổi kỉ nguyên… Nhìn chung, các tôn giáo đều đồng ý rằng trong giai đoạn chuyển dịch ấy, những linh hồn u mê sẽ chìm xuống đáy sâu vật chất, hoặc rơi xuống địa ngục, chỉ để sót lại những ai có đủ cấp độ tiến hóa tinh thần. Trong thời điểm rối ren này, thông qua các tôn giáo hoặc huyền môn, một số vị thần đang ban cho con người cơ hội cuối cùng để trở về những cõi trời thiêng mà họ từng đánh mất. Chính luận điệu này đã thuyết phục nhiều học viên khí công chịu cấy pháp thân của thần, tức vị trưởng môn đích thực. Họ thành thật tin rằng pháp thân sẽ giúp họ trụ vững trong kì hủy diệt của giai đoạn chuyển đổi, để rồi sau đó, họ được ở dưới trướng một vị thần và sống trong một cõi thiên.
Dù dựa trên một số sự kiện có thật, thần thoại này cũng chỉ phản ánh một ảo tưởng ngu xuẩn của cả người lẫn thần. Cấp độ tiến hóa tinh thần không đồng nghĩa với quyền năng, nó là sự tỉnh táo có được nhờ tích lũy thể thông tin qua kinh nghiệm của nhiều kiếp sống. Để đạt được sự tiến hóa ấy, linh hồn phải có đủ can đảm để trải nghiệm mọi nỗi khổ trong lục đạo luân hồi. Chính bởi lí do này, mà Phật giảng rằng các chư thiên no đủ và tự mãn dưới trướng Tỳ Sa Môn Thiên rất khó tu, trong khi được tu trong kiếp người là một may mắn lớn. Đại hành giả Milarepa phải vứt bỏ quyền năng phép thuật, rồi ngồi trong hang đá suốt 40 năm để trải nghiệm nỗi đau của ba tầng địa ngục cuối cùng trước khi chứng ngộ. Và để đạt tới Thượng đế, Jesus cũng phải sống kiếp người để chịu bị đóng đinh. Khổ là cần thiết cho sự tiến hóa tinh thần. Nó đập tan mọi lớp ảo tưởng hư huyễn. Qua khổ, bạn thấm thía những nguyên lí vận hành của thế giới hữu hạn. Một hành giả chân chính thà bước thẳng vào địa ngục với lòng can đảm của kẻ ham học hỏi, hơn là nấp ở một cõi trời trong nỗi sợ của tâm trí vô minh.
Tôi không nghĩ mình quá lời. Quả thực, những công phái quỉ tu cũng rao truyền rất nhiều lời hay ý đẹp trong kinh sách. Nhưng đừng quên ngay cả những bạo chúa hung tàn nhất cũng thường ngợi ca hòa bình, và mọi kẻ giả dối đỉnh cao luôn nhân danh sự thật. Hãy bước khỏi mê cung kinh viện để trực nhận bằng trái tim.
Vài trưởng môn sẽ gọi tôi là ác quỉ sau bài viết này. Nhưng tôi không quan tâm, ai cần chứ. Trong mắt tôi, ác quỉ không phải là kẻ khiến bạn nghi ngờ những hàng giáo chức tiểu nhân và những thánh kinh ngụy tạo. Ác quỉ là kẻ tước đoạt tự do. Ác quỉ xui khiến ta phán xét người thân và bạn bè. Ác quỉ được nuôi bằng hận thù và sợ hãi. Có gì thiêng liêng nơi nỗi sợ thánh kinh và sự thù ghét dành cho các thế lực ngoại đạo? Đó không phải ánh sáng, đó chỉ là bóng tối còn sót lại của một thời mông muội sắp qua.
Hãy tìm ánh sáng nơi chính mình. Ở đây, ngay lúc này, là cõi trời bạn đang tìm kiếm. Chìa khóa duy nhất nằm trong tay bạn. Đừng tìm đâu xa.
Nguyễn Vũ Hiệp, bookhunterclub.com
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us

Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

BÌNH LUẬN

Lời bình của bạn
Question   Razz  Sad   Evil  Exclaim  Smile  Redface  Biggrin  Surprised  Eek   Confused   Cool  LOL   Mad   Twisted  Rolleyes   Wink  Idea  Arrow  Neutral  Cry   Mr. Green

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story
Share This Story:
Print this story
Email this story
Digg
Reddit
StumbleUpon
Share on Tumblr
GET ALERTS:

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.