Sau bầu Đức và tỷ phú Vượng, bầu Long là đại gia tiếp theo “đặt chân” vào nông nghiệp. Ông chủ Hòa Phát quyết tâm làm thức ăn chăn nuôi và nuôi lợn, gia cầm.
Là tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, tuy nhiên, mới đây, Hòa Phát đã có một quyết định táo bạo, khiến nhiều người khá bất ngờ. Đó là việc Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long – người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt thực hiện tham vọng “lấn sân” sang nông nghiệp.
Ngày 9/3/2015, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã chính thức ra mắt Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát. Đây là công ty con với 100% vốn của Tập đoàn này, do ông Nguyễn Việt Thắng giữ chức Giám đốc.
Trước đó, Nghị quyết Hội đồng quản trị số 1/NQHP-2015 ngày 14/2 của Tập đoàn đã thông qua phương án thành lập công ty để thực hiện các hoạt động chăn nuôi, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc và các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp.
Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên của Hòa Phát được đặt tại Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) với công suất 300.000 tấn/năm, dự kiến vào đầu năm 2016 sẽ chính thức đi vào hoạt động và phấn đấu đạt doanh thu khoảng 3.000 tỉ đồng trong vòng 3 năm tới. Sau nhà máy đầu tiên, dự kiến sẽ có chuỗi các nhà máy tiếp theo ra đời trên quy mô lớn.
Bầu Long là đại gia tiếp theo đầu tư vào nông nghiệp với quy mô “khủng”
Giải thích về quyết định tham gia “sân chơi” mới, bầu Long cho biết, đây là ngành hàng rất thiết yếu, phù hợp với những mặt hàng kinh doanh truyền thống của Hòa Phát – những mặt hàng có sản lượng lớn, số lượng nhiều, đồ thô nặng, có yếu tố địa phương nhiều. Dựa trên xu hướng, mảng nông nghiệp của tập đoàn cũng sẽ theo mô hình 3F: Farm (trang trại), Factory (nhà máy) và Food (thức ăn).
Đại diện HPG cũng cho hay, lộ trình trong 10 năm tới công ty sẽ đạt được 10% thị phần, đứng trong top 5 những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam. 70% nguyên liệu của nhà máy được nhập khẩu và 30% sẽ dùng trong nước. Sản phẩm của Hòa Phát sẽ phân phối trên cả nước, song trước mắt tập trung phần lớn ở miền Bắc.
Ngoài sản xuất thức ăn chăn nuôi, công ty mới của Hòa Phát còn đăng ký các ngành nghề từ chăn nuôi lợn, gia cầm, hoạt động dịch vụ chăn nuôi, chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt… đến sản xuất phân bón và hợp chất ni-tơ, bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy nông nghiệp.
Đối với mảng chăn nuôi, ông chủ Hòa Phát từng tiết lộ rằng, sẽ không làm tất cả mà trước mắt chỉ tập trung vào chăn nuôi lợn là chính.
“Đây có thể xem xét là ngành mũi nhọn cho Hòa Phát. Dự tính đến năm 2020, Hòa Phát sẽ đạt sản lượng 1 triệu tấn thức ăn gia súc, 1 triệu đầu lợn. Chúng tôi sẽ làm thận trọng nhưng máu lửa”, đại gia Long hứng khởi.
Bầu Long cũng nhận định, áp lực cạnh tranh trong ngành thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi là rất lớn, thậm chí lớn hơn ngành thép nhưng tập đoàn sẽ quyết tâm vượt qua các khó khăn, trở ngại để thành công.
Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với doanh số 6 tỷ USD. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014, cả nước sản xuất được 14,7 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp và dự kiến tăng lên 15,6 triệu tấn trong năm nay.
Tuy nhiên, con số này chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thị trường bởi chiến lược phát triển ngành chăn nuôi cho hay đến năm 2015, Việt Nam cần 18- 20 triệu tấn thức ăn công nghiệp và tăng lên 25-26 triệu tấn vào năm 2020.
“Miếng bánh ngon” là vậy, nhưng trên thực tế lại gần như rơi hết vào “miệng” của các doanh nghiệp ngoại. Báo cáo từ Hiệp hội Chăn nuôi cho thấy, các doanh nghiệp liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra, còn các doanh nghiệp trong nước dù đông quân số nhưng chỉ chiếm khoảng 40% thị phần.
Sự ra đời của Công ty TNHH MTV MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát sẽ là “phát súng” mở đường cho một thời kì mới của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Thời kì của những doanh nghiệp nội lên ngôi.
Năm 2014, Hòa Phát đạt doanh thu hơn 25.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.250 tỷ đồng, lần lượt tăng 35% và 62% so với năm 2013, vượt kế hoạch đề ra. Mới đây, Hội đồng quản trị tập đoàn cũng thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 với doanh thu dự kiến 22.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ đồng. Tập đoàn dự kiến chia cổ tức năm 2014 trong quý II/2015, tỷ lệ 30%, trong đó 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu, ngoài ra, công ty cũng dự kiến phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, tỷ lệ 30%. Năm nay, mức cổ tức Hòa Phát ước khoảng 20%. Năm 2014 cũng được coi là năm “phát tài phát lộc” của gia đình Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát khi khối tài sản của vị đại gia này tăng mạnh thêm 1.831 tỷ đồng bất chấp những lùm xùm của tập đoàn này liên quan đến vụ kiện của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên ). Tổng tài sản của ông Long đã được nâng lên 5.984,73 tỷ đồng. Cũng theo đà tăng của cổ phiếu Hòa Phát, vợ bầu Long là bà Vũ Thị Hiền cũng chính thức lọt top 10 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán với số tài sản 1.832,94 tỷ đồng, tăng 560 tỷ đồng so với năm 2013. Như vậy, nếu tính tổng tài sản thì gia tài của cả hai vợ chồng ông chủ Hòa Phát hiện đang là 7.816 tỷ đồng, vượt qua cả bầu Đức. |
P.Tuyen
2015-05-10 15:16:17
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/mot-lam-nong-dan-bai-3-trieu-con-lon-mau-lua-cua-bau-long-a188080.html