Nam Á Bank đã có nhiều thay đổi trong quá trình phát triển, nhưng có một điều duy nhất “bất biến”, đó là sự thống trị quyền lực của gia đình bà Tư Hường tại ngân hàng này.
Là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoàn Cầu – một “đế chế” hùng mạnh trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bà Trần Thị Hường (tên thường gọi Tư Hường) còn được biết đến với cương vị là cố vấn cấp cao của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam Á Bank).
Nam Á Bank cũng là một trong những mô hình kinh tế điển hình được “cai quản” bởi gia đình. Ngoài vị trí cố vấn cấp cao của bà Tư Hường, các vị trí chủ chốt trong ngân hàng đều thuộc về các thành viên trong gia đình của nữ doanh nhân này.
“Thống trị” mọi vị trí
Các ghế Chủ tịch HĐQT và Phó Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank do bà Nguyễn Thị Xuân Loan và ông Nguyễn Quốc Mỹ là các con của bà Hường giữ.
Ông Huỳnh Thành Chung (chồng bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc, con rể bà Hường) cũng giữ ghế thành viên HĐQT Nam Á Bank.
Gia đình nữ đại gia Tư Hường và sự “thống trị” tại Nam Á Bank
Mới đây nhất, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 của Nam Á Bank, hàng loạt thay đổi về nhân sự cấp cao tại ngân hàng này đã tạo ra sự chú ý của giới doanh nhân trong ngành.
Tại đại hội, bà Nguyễn Xuân Loan cùng 2 thành viên HĐQT khác từ nhiệm gồm ông Huỳnh Thanh Chung (Phó Chủ tịch Nam Á Bank); ông Trần Anh Tuấn (Thành viên HĐQT).
Sau khi 3 thành viên trên từ nhiệm, đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình và bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị bao gồm ông Nguyễn Quốc Toàn và ông Trần Ngô Phúc Vũ.
Trong đó, ông Nguyễn Quốc Toàn sẽ thay bà Nguyễn Thị Xuân Loan làm Chủ tịch Ngân hàng này.
Lý giải về việc từ nhiệm này, bà Nguyễn Thị Xuân Loan cho biết, bà công tác tại Nam Á từ năm 2011 và trong thời gian tại vị, bà đã làm việc hết mình vì ngân hàng song vì lý do cá nhân, là người phụ nữ trong gia đình nên không thể tiếp tục công tác trên vị trí cao nhất.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, sự thay đổi nhân sự này không giống như cuộc “thay máu” tại Sacombank với điểm sáng của đại gia Trầm Bê; về bản chất, nó đơn thuần chỉ là sự chuyển giao quyền lực từ thành viên này sang thành viên khác trong cùng một “ngôi nhà” của nữ đại gia U80 Tư Hường.
Theo đó, tân Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank chính là ông Nguyễn Quốc Toàn – con trai cả của bà Tư Hường và là chồng của á hậu Dương Trương Thiên Lý. Ông Toàn hiện cũng đang nắm giữ một loạt các chức vụ quan trọng tại Tập đoàn Hoàn Cầu.
Ngoài ra, trong HĐQT Nam Á Bank, ông Nguyễn Quốc Mỹ – một người con trai khác của bà Tư Hường, hiện vẫn giữ cương vị Phó Chủ tịch HĐQT.
Đầu năm 2013, thông tin Á hậu Dương Trương Thiên Lý trở thành cổ đông lớn của Nam Á Bank (sở hữu 14,7 triệu cổ phần, tương đương 4,92% cổ phần) đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Á hậu này chính là vợ của ông Nguyễn Quốc Toàn.
Ngoài các con, ông Nguyễn Chấn – chồng bà Hường hiện cũng đang nắm 3,48% vốn điều lệ,bà Hường nắm 4,96%.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương (Công ty con của Tập đoàn Hoàn Cầu) cũng sở hữu hơn 10% cổ phần của NamABank. Công ty này đang được ông Nguyễn Quốc Toàn dẫn dắt.
Không ngừng gia tăng quyền lực
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy rằng, sự thay đổi thành viên cấp cao tại Nam Á Bank vùa qua đã thể hiện rõ ý đồ gia tăng quyền lực của gia đình nữ doanh nhân Tư Hường tại ngân hàng này.
Việc ông Nguyễn Quốc Toàn thay bà Nguyễn Thị Xuân Loan ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT chính là sự “luân chuyển” sức mạnh chi phối theo hướng “vun vén” về phía các con trai của đại gia Tư Hường.
Nhờ sự thay đổi này, vị thế của ông Nguyễn Quốc Toàn – con trai trưởng của bà Hường ngày càng được gia tăng ở cả 2 lĩnh vực chính là bất động sản và ngân hàng.
Quyền lực tại Nam Á Bank của gia đình bà Tư Hường không ngừng được củng cố
Trước đó, vị trí Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank lần lượt thuộc về ông Nguyễn Quốc Mỹ (con trai), ông Huỳnh Thanh Chung (con rể), rồi đến bà Nguyễn Thị Xuân Loan (con gái).
Hiện tại, với tỷ lệ 3/8 thành viên trong gia đình có mặt trong HĐQT, cùng tỷ lệ cổ phiếu không thay đổi (ở mức trên 13%), vị thế của gia đình bà Tư Hường tại Nam Á Bank vô cùng vững chắc, hoàn toàn có thể chi phối hoạt động của ngân hàng này.
Một điểm đáng chú ý tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 của Nam Á Bank là kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng.
Theo đó, Nam Á Bank sẽ phát hành thêm 100 triệu cổ phần ra công chúng, dự kiến thu về 1.000 tỷ đồng. Trong đó, 40 triệu cổ phần bán cho cổ đông hiện hữu, 5 triệu cổ phiếu bán cho cán bộ công nhân viên bằng mệnh giá và 55 triệu cổ phiếu còn lại sẽ bán cho các nhà đầu tư tự do trong nước.
Chính con số 55 triệu cổ phiếu bán tự do này đã khiến giới đầu tư đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng đây sẽ là một “con át chủ bài” giúp gia đình bà Tư Hường điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ tại Nam Á Bank, không ngừng gia tăng sự thống trị tại nhân hàng này?
Tính đến hết tháng 12/2014, tổng tài sản của Nam Á Bank đạt 37.293 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch năm, huy động vốn của Nam Á Bank đạt 33.481 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 90% tổng tài sản, vượt 13% kế hoạch năm. Dư nợ cho vay của ngân hàng này tính đến cuối năm 2014 là 16.629 tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn 8.671 tỷ (chiếm 52% dư nợ cho vay) và cho vay trung dài hạn 7.958 tỷ (chiếm 48% dư nợ cho vay). Lợi nhuận trước thuế của Nam Á Bank cũng tăng 32% lên 242 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2014 là 4%, tương đương 120 tỷ đồng. |
P.Tuyen
2015-05-18 16:32:11
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/cong-ty-gia-dinh-tri-bai-1-de-che-tu-huong-va-nam-a-bank-a189468.html