Với những lời quảng cáo hoa mỹ, Tân Hiệp Phát đã làm nhiều khách hàng mềm lòng xuống tiền mua đồ uống. Tuy nhiên, liệu có thực những loại thảo dược cung đình trong đồ uống của Tân Hiệp Phát?
Các loại nước đóng chai của Tân Hiệp Phát như trà thảo mộc Dr Thanh, Trà xanh không độ, nước tăng lực Number 1… đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Một trong những lý do khiến các loại đồ uống này chiếm lĩnh thị trường đó là những chiêu thức quảng cáo của Tân Hiệp Phát. Những ngôn từ hoa mỹ như: 9 loại thảo mộc cung đình, giải nhiệt cơ thể, tối đa sức mạnh, chinh phục thử thách… lặp đi lặp lại trên các phương tiện thông tin đại chúng không thể không gây sự chú ý với người tiêu dùng. Vậy thực chất bên trong chai nước của Tân Hiệp Phát có gì? Chúng có tốt như những lời quảng cáo có cánh của nhà sản xuất hay không???
Ngoài hai thành phần chính là nước và đường, một chai Number 1 chứa hàng loạt phụ gia thực phẩm như hai loại chất điều chỉnh độ acid, phẩm màu tartrazin 102, phẩm màu Sunset yellow 110. Đây là hai loại phẩm màu mà độ an toàn của nó, từ lâu đã là chủ đề tranh cãi của các nhà khoa học. Cùng với đó là đường hóa học, hương tổng hợp và một số loại chất kích thích như Taurine, caffein.
Một số loại thảo dược trong chai Dr Thanh của Tân Hiệp Phát.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội) cảnh báo: “Mọi người chớ nên tin những lời quảng cáo như vậy. Người ta uống càng nhiều cái thứ như thế bao nhiêu thì cái sức khỏe của mình không xuất phát trên cái nền sức khỏe tự nhiên mà dựa trên các chất kích thích”.
Loại đồ uống mà Tân Hiệp Phát dồn nhiều tiền của và công sức trong quảng cáo nhất đó là trà thảo mộc Dr Thanh. Được quảng cáo là làm từ 9 loại thảo mộc cung đình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Thậm chí, chỉ có Tân Hiệp Phát mới có kiểu quảng cáo lạ đời khi cho in dòng chữ “Uống càng nhiều càng tốt” trên vỏ chai.
Theo thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam): “Cái chữ “Uống càng nhiều càng tốt” này thực chất là vi phạm pháp luật. Trong thuốc, trong trà uống thì tùy theo cơ địa từng người, không thể dùng từ trung trung như vậy để quảng cáo. “Uống càng nhiều càng tốt” vào làm rối loạn chức năng của cơ thể thì những vấn đề này cần phải xem xét lại”.
9 loại thảo mộc mà Dr Thanh quảng cáo bao gồm: kim ngân hoa, hoa cúc, la hán quả, hạ khô thảo, cam thảo, đản hoa, hoa mộc miên, bung lai, tiên thảo. Thảo mộc cung đình ắt sẽ nổi tiếng và được lưu lại trong y văn. Tuy nhiên, có một số loại vị thuốc chưa từng xuất hiện trong y văn cổ. Nếu biết được đích xác các loại thảo mộc trong trà Dr Thanh là gì, người tiêu dùng không khỏi bất ngờ. Đản hoa chính là hoa đại đỏ thường mọc và rụng vương vãi trong các đình chùa. Tương tự, hoa mộc liên chính là hoa gạo được trồng nhiều ở các làng quê. Tiên thảo là cây thạch đen ít ai biết đến. Vô hình chung, nhờ tên gọi mỹ miều, những loài cây, hoa dại trở thành những dược liệu của cung đình.
Theo PGS. TS Phùng Hòa Bình (Trưởng khoa Dược học cổ truyền – Đại học Dược Hà Nội): “Đây là đơn thuốc không phải quá bổ đến mức để vua hoặc các cận thần của vua uống. Bởi vì đây là đơn vị thuốc rất bình thường.”
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng khẳng định cung đình Huế không có loại trà này. Nếu Dr Thanh đưa ra được tài liệu bằng chữ hán thời kỳ nhà Nguyễn mà có trà này thì ông Hướng sẽ chịu trách nhiệm.
Chưa ai biết những chai nước của Tân Hiệp Phát có tác dụng đến đâu với sức khỏe. Chỉ biết rằng, tại Trung Quốc, vào năm 2009, một hãng trà thảo mộc nổi tiếng có tên là Vương Lão Cát đã bị người tiêu dùng lên án. Nguyên do là có một số người sau khi thường xuyên uống loại trà này đã xuất hiện chứng bệnh loét niêm mạc dạ dày và sức khỏe ngày càng suy kiệt. Thủ phạm được cho là vị Hạ khô thảo, một vị thuốc có trong quảng cáo của Dr Thanh.
Xem thêm video: Ca sỹ Tuấn Hưng nén nước mắt khi đến thăm các bệnh nhân viện K.
Thủy Tiên
2015-02-09 18:24:24
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tan-hiep-phat-thao-moc-cung-dinh-that-khong-a174537.html