ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Cước vận tải: Tăng nhanh, giảm… nhỏ giọt hoặc tìm cách chây ỳ
Tuesday, January 13, 2015 18:57
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Giá cước vận tải trong nước hiện đang giảm theo kiểu nhỏ giọt, thậm chí nhiều hãng xe “bơ” luôn chuyện giảm giá cước mặc dù giá xăng giảm sâu kỷ lục tới hơn 30%.

Tăng giá rất nhanh, giảm nhỏ giọt hoặc không giảm

Thông tin trên báo Tiền Phong, giá xăng giảm sâu kỷ lục tới hơn 30%, Bộ Tài chính liên tiếp yêu cầu tăng cường “quản” chặt giá cước vận tải nhưng đáp lại, doanh nghiệp kinh doanh vận tải chỉ… lặng thinh hoặc giảm giá “nhỏ giọt”. Giá hàng hóa vận chuyển cũng chây ì không giảm. Không có chế tài xử lý “phạt”, Sở Tài chính các địa phương loay hoay, lúng túng

Tại chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), các gian hàng tại đây đang vào mùa nhập hàng, nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn. Theo phản ánh của nhiều tiểu thương cước vận chuyển hàng hóa chỉ có tăng chưa chưa hề có chuyện giảm.

Anh Bùi Sơn, chủ hàng đồ khô đang kiểm đếm hàng chia sẻ: “Tôi chuyên nhập hàng khô từ Hải Dương lên. Giá cước tính 1,2 triệu đồng/chuyến. Khi giá xăng tăng lập tức cánh lái xe tăng giá vận chuyển nhưng nay xăng giảm, họ nhất định không chịu giảm”.

Anh Sơn tính toán, với mức giảm giá xăng so với thời kỳ cao, mỗi chuyến lái xe đang lãi gần 100.000 đồng tiền xăng. “Họ lấy cớ là do hiện nay nhiều trạm thu phí nên bù tiền lãi xăng vào và không giảm giá cước. Vì vậy, giá hàng khô Tết cũng sẽ không giảm”.

Chị Đỗ Hường, chủ quầy hàng bán bánh kẹo, mứt Tết cho hay: “Tôi thường nhập hàng từ Móng Cái xuống. Mỗi chuyến hàng có giá cước 3,5 triệu đồng/1tấn hàng. Hàng phải có giấy tờ đầy đủ lái xe mới chở. Nếu so với thời cuối năm ngoài, lái xe đang “lãi” thêm gần 300.000 đồng tiền xăng/chuyến”.

Tại chợ hoa quả đầu mối Long Biên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cô Hồng, một chủ sạp bán buôn cho hay hoa quả này chủ yếu nhập từ Lạng Sơn rồi chuyển đi các tỉnh. Với xe tải 2 tấn, giá cước hơn 4 triệu đồng/lượt từ Lạng Sơn về Hà Nội, xe tải 1 tấn có giá cước 2,5 triệu đồng/lượt. “Cuối năm ngoái, giá xăng cao, lái xe đua nhau tăng giá cước trong khi giá hàng hóa không dám tăng vì sợ mất mối hàng.

“Năm nay, giá xăng giảm, giá cước vẫn chây ì. Lái xe năm nay thắng lớn vì hàng nhiều, lãi vài trăm nghìn đồng tiền xăng mỗi chuyến”- cô Hồng nói. Theo cô Hồng, giá mỗi thùng táo, lê, cam… có nguồn gốc Trung Quốc vẫn giữ nguyên không giảm. “Cuối năm, hàng ít nên chỉ có tăng chứ không giảm. Nếu giá cước có giảm thì chúng tôi sẽ cân nhắc giảm giá bán buôn”, cô Hồng nói.

Trên báo Người Lao Động đưa tin, hầu hết các tuyến xe buýt ở Quảng Nam như Quế Sơn – Đà Nẵng, Tam Kỳ – Hiệp Đức, Tam Kỳ – Núi Thành vẫn giữ nguyên giá. Ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở Tài chính và Sở GTVT phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá của các đơn vị kinh doanh vận tải. Quá trình kiểm tra cho thấy sau hai đợt giảm giá xăng dầu mới đây, các DN vẫn chưa điều chỉnh giảm. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra nếu các DN này chậm giảm giá cước thì sẽ có biện pháp xử lý” – ông Nhân nhấn mạnh.

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 2/14 đơn vị đang kinh doanh vận tải hành khách không giảm giá cước, gồm: Ban Quản lý – Điều hành vận tải hành khách công cộng và Chi nhánh Công ty CP Vận tải biển quốc tế Trường Sa tại Cần Thơ (kinh doanh taxi). Lý do không giảm cước được Ban Quản lý – Điều hành vận tải hành khách công cộng đưa ra là đơn vị đang áp dụng giá cước vận tải hành khách công cộng đã được HĐND TP Cần Thơ thông qua. Riêng Chi nhánh Công ty CP Vận tải biển quốc tế Trường Sa tại Cần Thơ lý giải do giá kê khai đã dự trù bù lỗ và giảm giá thành thấp hơn các hãng taxi khác. Đến chiều tối 12-1, chúng tôi liên hệ với hãng xe chất lượng cao Phương Trang thì được biết giá vé tuyến Cần Thơ – TP HCM vẫn giữ nguyên mức cũ là 125.000 đồng/vé.

Cước vận tải: Tăng nhanh, giảm… nhỏ giọt hoặc tìm cách chây ỳ - Ảnh 1

Giá cước vận tải trong nước hiện đang giảm theo kiểu nhỏ giọt, thậm chí nhiều hãng xe “bơ” luôn chuyện giảm giá cước mặc dù giá xăng giảm sâu kỷ lục tới hơn 30%. (Ảnh minh họa).

Theo báo Người Lao Động, Sở Tài chính TP Hà Nội, trong số 69/114 DN taxi đăng ký giảm giá cước, 51 đơn vị giảm từ 200-500 đồng/km (2-5%); 15 đơn vị giảm từ 800-1.000 đồng/km (5-8%); chỉ 3 trường hợp giảm từ 1200-1500 đồng/km (10-11%) là các hãng taxi Mai Linh, Thiên Phong (taxi Thành Công) và Thanh Nga. Trong số 62 DN vận tải khách cố định trên địa bàn, chỉ có 19 đơn vị giảm giá cước phổ biến 5-10%.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cho biết khi giá xăng dầu tăng, DN ngay lập tức tăng giá cước vận tải. Tuy nhiên, lúc xăng dầu giảm thì DN lại giảm giá cước nhỏ giọt. “DN phải giảm phù hợp với giá xăng dầu, nếu giữ nguyên thì cần công khai lý do để khách hàng hiểu và chia sẻ” – ông Ngọc nói.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng, Sở GTVT, Sở Tài chính và Chi cục Thuế Hải Phòng vừa thành lập đoàn liên ngành, tiến hành 2 đợt kiểm tra giá cước vận tải ô tô trên địa bàn. Sở GTVT TP Hải Phòng cũng đã ra văn bản lần 3, gửi các DN vận tải hành khách tuyến đường bộ, đốc thúc về việc giảm giá cước; nghiêm cấm tăng giá từ nay đến hết Tết Nguyên đán.

Hầu hết doanh nghiệp vận tải taxi đã điều chỉnh giảm giá cước nhưng không tương xứng với tỉ lệ giảm giá xăng dầu.

Đến ngày 12/1, trên địa bàn TP Hải Phòng đã có 14/36 DN, HTX vận tải hành khách, sở hữu 500 đầu xe, giảm giá cước bình quân 7%; 12/25 hãng taxi với 2.000 xe giảm giá cước bình quân 5%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GTVT TP Hải Phòng, trong khi giá xăng dầu giảm mạnh thì các DN giảm giá cước vận tải kiểu nhỏ giọt.

Liên quan đến việc điều chỉnh giá cước của các DN vận tải hành khách trên địa bàn TP HCM, từ cuối tháng 12/2014, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở GTVT yêu cầu các DN vận tải ô tô tính toán lại giá thành, kê khai giá cước vận tải. Theo ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá Sở Tài chính TP, đến nay gần như 100% DN vận tải taxi đã điều chỉnh giảm giá và khoảng 50% DN vận tải tuyến cố định áp dụng giá mới, giảm hơn so với mức giá trước đây. “Một số DN đề xuất mức giảm giá ít, không tương xứng với tỉ lệ giảm giá xăng dầu nên Sở Tài chính yêu cầu tính toán lại và có mức điều chỉnh phù hợp hơn” – ông Chiến thông tin.

Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá đường bộ Đà Nẵng, cho rằng đối với ngành vận tải hàng hoá, khách hàng luôn lựa chọn những hãng vận tải có giá thấp hơn. Ngoài ra, hợp đồng ký kết vận tải cũng nêu rõ nếu giá xăng dầu giảm trong dao động đã cam kết thì DN vận tải phải tính lại giá cước cho khách hàng. “Giá xăng dầu giảm thì buộc cước vận tải cũng giảm theo, đó là quy luật của thị trường” – ông Hiệp nói.

Cước vận tải: Tăng nhanh, giảm… nhỏ giọt hoặc tìm cách chây ỳ - Ảnh 2

Thực tế, quản lý giá cước vận tải là bài toán khó. Hiện chưa có chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp vận tải. (Ảnh minh họa).

Chưa có chế tài

Bày tỏ quan điểm trên báo Tiền Phong, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Một ngày sau khi xăng dầu giảm sâu kỷ lục, Bộ Tài chính đã có văn bản ngày 23/12 gửi Bộ GTVT, các UBND địa phương yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tính toán, kê khai lại giá cước hợp với xu hướng giảm giá xăng dầu. Hiện có một số tỉnh báo cáo đã gửi văn bản yêu cầu các DN vận tải kê khai lại giá, một số địa phương đưa ra hạn chót ngày 15/1 phải kê khai lại giá, còn một số địa phương chưa thấy phản hồi. “Sau hạn đó, Sở Tài chính cùng Sở GTVT có 5 ngày rà soát lại kê khai giá của doanh nghiệp rồi mới hình thành mức giá mới”, ông Tuấn nói.

Cục quản lý giá có tính xử lý doanh nghiệp vận tải “chây ì” không giảm giá cước, hoặc chỉ giảm lấy lệ không? Theo ông Tuấn không thể yêu cầu doanh nghiệp giảm giá, bởi giá cước vận tải hình thành theo diễn biến thị trường. Cục Quản lý giá đang tổng hợp các báo cáo của các địa phương gửi về theo tinh thần văn bản của Bộ ra ngày 23/12. Một số địa phương như Ninh Thuận, Hà Nội, Sơn La, Bình Định, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Hải Phòng đã yêu cầu kê khai lại giá.

Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai Nguyễn Dũng cho biết: Sở đã triển khai quyết liệt phối hợp với các cơ quan địa phương thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra yêu cầu xác minh lại giá cước, niêm yết giá công khai. Tuy nhiên, không có khung giá chung cho loại hình giá cước vận tải, có đơn vị giảm nhiều, đơn vị giảm ít. “Các quy định chỉ nói đến tăng giá, còn giá giảm thì chưa có chế tài cụ thể. Một số trường hợp rất khó thực hiện. Hiện Sở Tài chính Gia Lai chỉ mới có biện pháp đề nghị sang Sở GTVT không cho các hãng vi phạm tăng thêm số lượng xe, hay mở rộng địa bàn kinh doanh”, ông Dũng nói.

Cùng quan điểm, ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở Tài chính Sơn La cho rằng: Thực tế, quản lý giá cước vận tải là bài toán khó. Hiện chưa có chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp vận tải. Trên địa bàn các tuyến cố định đường dài, có một số giải pháp cứng rắn được đưa ra như cấm tuyến, phối hợp với các cơ quan công an, thanh tra giao thông xử phạt. “Từ giờ tới Tết, Sở sẽ tham mưu cho cơ quan quản lý cấp trên để có phương hướng quản lý tốt hơn”, ông Chương nói. Tại Sơn La, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn mới chỉ kê khai giảm 3-7%.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.