ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: ZeroEnergyVN
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Mệnh lệnh năng lượng tái tạo: 100% ngay bây giờ!
Monday, December 1, 2014 12:08
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

Nếu với tốc độ khai thác hiện nay, trữ lượng than đá của Việt Nam chỉ còn đủ cho 4 năm. Và nếu Việt Nam để bị phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong năng lượng hạt nhân nói riêng cũng như vào tài nguyên hóa thạch nói chung, thì đó là một dạng “đô hộ” mới. Vậy còn năng lượng tái tạo?
B4INREMOTE-aHR0cDovLzMuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy16dFlpbUVKQjU4US9WSHdpSHJDYTh4SS9BQUFBQUFBQVNRcy9rOHlXSXRwWHFIZy9zMTYwMC9uYW5nLWx1b25nLXRhaS10YW8uanBn
Ba cô gái Việt trẻ học ở nước ngoài, đều có chuyên ngành cùng “dính dáng” đến năng lượng, môi trường. Họ và nhiều bạn trẻ khác vừa ra mắt bản dịch (có bản quyền) cuốn sách giá trị “Mệnh lệnh năng lượng bắt buộc: 100% tái tạo ngay bây giờ”, được đăng dần trên một trang blog của nhóm (www.dotchuoinon.com).
Tác giả cuốn sách là Hermann Scheer, người Đức, vừa là một chính trị gia vừa là một trong những người khởi xướng hàng đầu thế giới về năng lượng tái tạo.
Khi dịch cuốn sách, những người bạn trẻ này đã cho rằng: nếu Việt Nam để bị phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong năng lượng hạt nhân nói riêng cũng như vào tài nguyên hóa thạch nói chung, thì đó là một dạng “đô hộ” mới!
Một Thế Giới trao đổi với Phạm Thu Hường, một trong ba người của ban biên tập cuốn sách trên, đang làm nghiên cứu sau tiến sỹ về Hóa học tại Đại học California, Riverside.
Phạm Thu Hường
-Một Thế Giới: Bạn nói gì về thực tế nguồn năng lượng của Việt Nam hiện nay?
Phạm Thu Hường: Nguồn tài nguyên năng lượng hóa thạch của Việt Nam hiện nay còn lại rất ít. Dự trữ năng lượng Việt Nam đến cuối năm 2013, theo BP, là những con số thực sự đáng lo ngại cho an ninh đất nước:
Than đá: còn lại 150 triệu tấn, ít hơn 0.05% trữ lượng thế giới, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác thì còn kéo dài được 4 năm (hiện tại Việt Nam đã phải nhập than đá để duy trì các nhà máy trong hệ thống cũ).
Dầu thô: còn lại 4.4 tỷ thùng dầu, chiếm 0.3% trữ lượng dầu thế giới, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác thì còn kéo dài được 34.5 năm.
Khí thiên nhiên: còn lại 0.6 nghìn tỷ mét khối, chiếm 0.3% trữ lượng thế giới, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác thì còn kéo dài được 63.3 năm.
Đối với thực tế các nguồn tài nguyên hóa thạch của Việt Nam, sự chuyển đổi năng lượng không phải là lựa chọn mà là bắt buộc cho an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, sự hạn chế trong trữ lượng nhiên liệu hóa thạch có thể không phải là điều đáng buồn mà chính là cơ hội.
Như Hermann Scheer đã phải đối mặt và phân tích rất chi tiết trong cuốn sách của mình, chính sự hạn chế trong các nguồn tài nguyên hóa thạch này sẽ là động lực để Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi dứt khoát hơn, so với những quốc gia khác giàu tài nguyên hơn – họ sẽ phải chịu một lực cản rất lớn từ hệ thống cũ chống lại sự thay đổi. Những quốc gia đó cũng phải chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trước khi quá muộn, trước khi gây ra những hậu quả biến đổi khí hậu quá trầm trọng lên môi trường sống toàn cầu.
Một vấn đề không thể chối cãi, Việt Nam không còn nhiều than hay dầu để tiếp tục hệ thống cung cấp năng lượng truyền thống. Để tránh bị đánh lạc hướng sang những những “công nghệ bắc cầu” nguy hiểm không kém, thậm chí còn nguy hại lâu dài, điển hình như điện hạt nhân, chúng ta cần nắm vững “mệnh lệnh chuyển đổi sang 100% tái tạo”.
Cho rằng điện nguyên tử không phải là giải pháp giải quyết khủng hoảng năng lượng, trong cuốn sách “Mệnh lệnh năng lượng bắt buộc: 100% tái tạo ngay bây giờ”, tác giả Hermann Scheer đã nhận định: phát triển điện nguyên tử chỉ mang lại nguy cơ sạt nghiệp cho quốc gia nghèo, và có nhắc tới Việt Nam, cụ thể là như thế nào?
Đúng vậy, Hermann Scheer đã có dịp đến Việt Nam khoảng năm 2006, và nói chuyện với một số giáo sư vật lý đầu ngành. Ông viết: “tất cả đều tỏ ra quen thuộc với khái niệm điện hạt nhân, không có ai nhìn thấy bất kỳ vấn đề cơ bản nào với điện hạt nhân, và tình trạng kiến thức của họ về năng lượng tái tạo ở một mức độ điển hình của những năm 1970.”
Vấn đề cơ bản của điện hạt nhân mà Hermann nhắc đến ở đây bao gồm rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế, môi trường, xã hội. Nguy cơ sạt nghiệp đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam khi đầu tư vào con đường này, do hai yếu tố cơ bản:
(1) giá thành điện nguyên tử không rẻ như người ta tưởng: nếu tính đến hàng tỉ đôla xây dựng cơ sở ban đầu, chi phí tăng lên vài lần trong suốt thời gian xây dựng hàng chục năm và khi đã đầu tư xây dựng thì buộc phải làm đến cùng;
(2) chi phí để xử lý chất thải nguyên tử: cho đến nay vẫn chưa giải quyết được và sẽ còn độc hại trong hàng chục nghìn năm. Đó chắc chắn không phải là di sản chúng ta muốn để lại cho con cháu. Nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân như chúng ta đã chứng kiến là điều không ai có thể dự báo trước. Và chi phí khắc phục hậu quả không chỉ là vài năm mà là vài chục đến vài trăm năm qua nhiều thế hệ.
nhà máy hạt nhân có phải là lựa chọn phù hợp cho VN? – ảnh: internet
Trong cuốn sách này, Hermann cũng phân tích thất bại rõ ràng về mặt kinh tế và tài chính của ngành năng lượng điện nguyên tử ngay cả đối với các nước giàu và sở hữu công nghệ tiên tiến nhất thế giới.
Tính đến nay, tất cả các nguồn không phải tái tạo đều không phải là phát triển bền vững, bởi vì chúng chắc chắn sẽ cạn kiệt dần đi theo thời gian: dầu và khí, và uranium cũng vậy. Giá của năng lượng phụ thuộc vào các nguồn cung cấp này cũng chắc chắn sẽ tăng lên theo thời gian bởi quy luật cung cầu. Ngược lại, vì tiềm năng của nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo vô cùng lớn, Mặt trời sẽ còn chiếu sáng trong vài tỷ năm nữa, vậy tại sao không tập trung vào nguồn năng lượng dồi dào sẵn có này?
-Về dự án điện hạt nhân của Việt Nam, quan điểm cá nhân bạn như thế nào?
Cá nhân tôi hoàn toàn không ủng hộ dự án điện hạt nhân của Việt Nam, khi xét tới tất cả những mối nguy hiểm trông thấy trước mắt. Như tôi có đề cập một phần ở trên, các thảm họa hạt nhân gần đây đã xuất phát từ các nguyên nhân không thể nào tránh được tuyệt đối:
(1) lỗi kỹ thuật tại nhà máy hạt nhân Three Mile Island (năm 1979, lõi lò phản ứng bị nóng chảy dẫn đến các chất phóng xạ thoát ra môi trường, làm rò rỉ 1,59 petabecquerel (43.000 curie) krypton phóng xạ ra môi trường. Đây là sự cố nhà máy hạt nhân thương mại nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ – PV),
(2) lỗi của con người tại Chernobyl (nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986, được cho là do lỗi của con người. Khối lượng bụi phóng xạ khổng lồ bị phát tán vào khí quyển, ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn của Liên Xô và châu Âu vào thời điểm đó, theo tổ chức Hòa Bình Xanh, có khoảng 93.000 người chết vì bệnh ung thư liên quan đến vụ Chernobyl – PV).
và (3) hiện tượng tự nhiên ở Fukushima (sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật sau trận động đất và sống thần Sendai 2011. Theo cơ quan năng lượng hạt nhân Nhật Bản, khủng hoảng sự cố nhà máy điện Fukushima I là mức 7, mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân quốc tế – PV).
Quá trình vận hành trong nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi một sự đồng bộ vô cùng tuyệt đối, mà bất cứ một sai sót nào cũng có thể dẫn đến thảm họa, khiến chúng ta bị phụ thuộc rất lớn vào công nghệ của nước ngoài, một dạng “đô hộ” mới.
Đó là chưa kể đến những gánh nặng về kinh tế và di sản chất thải phóng xạ độc hại để lại đời đời cho con cháu gánh vác, là một điều không thể chấp nhận về mặt đạo đức. Điều quan trọng là chúng ta sẽ để lại cho con cháu chúng ta những gì, sau khi chúng ta đã qua đi.
Những nước đã đi trên con đường nguyên tử như Nga, Mỹ, Pháp, họ khó có thể dừng lại ngay bởi vì các cơ sở vật chất của điện hạt nhân đã được thiết lập. Tuy vậy, xu hướng của thế giới đã rất rõ ràng là từ bỏ điện hạt nhân, chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo. Tôi hi vọng Việt Nam lựa chọn đi theo xu hướng này, và học hỏi công nghệ và kinh nghiệm từ những quốc gia dẫn đầu như Đức, cần một sự tập trung và đầu tư để đào tạo chuyên gia.
Ngay chính trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng có rất nhiều các phương pháp khác nhau, chúng ta cần các chuyên gia có đủ khả năng cân nhắc và lựa chọn những phương pháp tối ưu phù hợp với Việt Nam nhất…
Chúng ta không nói đến kế hoạch 30 hay 50 năm, mà là kế hoạch năng lượng vĩnh viễn, vì các nguồn năng lượng thiên nhiên như mặt trời hay gió sẽ còn đó vĩnh viễn. Và sự phi tập trung của năng lượng tái tạo giúp tránh sự phụ thuộc vào các quốc gia nắm giữ nguồn tài nguyên như hiện nay, những xung đột về lợi ích và quyền lực, nâng cao được chất lượng đời sống, đó chính là bảo đảm nhân quyền…
Ở bài 1, trao đổi với Một Thế Giới, Phạm Thu Hường, một thành viên trong ban biên tập bản dịch (có bản quyền) cuốn sách “Mệnh lệnh năng lượng bắt buộc: 100% tái tạo ngay bây giờ” của Hermann Scheer, cho rằng: nếu Việt Nam bị phụ thuộc vào công nghệ năng lượng hạt nhân nói riêng và vào năng lượng hóa thạch nói chung, thì đây sẽ như là một hình thức “đô hộ” mới…
Dù như bạn nói, “một điều đúng chắc chắn là điện nguyên tử không hề rẻ và cái giá phải trả đắt hơn gấp quá nhiều lần so với năng lượng tái tạo”, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư vào năng lượng tái tạo không hề rẻ, và Việt Nam hiện nay chưa có nhiều điều kiện để hiện thực hóa nó?
Đúng là cả điện hạt nhân (điện nguyên tử) và năng lượng tái tạo đều không rẻ trong thời điểm hiện nay, bởi vì chúng ta phải xây dựng toàn bộ từ đầu, từ đào tạo chuyên gia, nắm bắt công nghệ và kỹ thuật, xây dựng cơ sở vật chất…
Tuy nhiên, điểm khác biệt mấu chốt là năng lượng tái tạo sẽ càng ngày càng rẻ, bởi chi phí chủ yếu nằm ở phương tiện công nghệ, còn nguồn tài nguyên là vô tận. Ngược lại, giá điện truyền thống và điện hạt nhân sẽ không thể tránh khỏi xu hướng ngày càng tăng khi trữ lượng hóa thạch và uranium còn lại cạn kiệt dần.
Chính vì khi bắt đầu khó khăn như vậy, Hermann Scheer đã đưa ra chính sách ưu đãi giá (feed-in tariffs), để đảm bảo những người sản xuất điện từ năng lượng tái tạo có thể tồn tại trong thời gian xây dựng cơ sở ban đầu. Chính sách này còn được biết đến như Luật Scheer, nhằm đảm bảo rằng giá trả cho năng lượng tái tạo mang lại đền đáp thỏa đáng cho người sản xuất, có nghĩa đó là sự đầu tư đáng giá.
Điều này chỉ có thể làm được khi toàn dân hiểu biết sâu sắc về vấn đề năng lượng và quyết tâm nuôi công nghệ này có thể phát triển, cho đến khi giá cả hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với các hệ thống cung cấp năng lượng cũ và dần tới mức thay thế hoàn toàn những hệ thống này.
Điều này cũng giống như câu chuyện cả làng góp cơm gạo nuôi đứa trẻ Thánh Gióng 3 tuổi vậy, thời gian đầu sẽ rất tốn kém và vất vả, nhưng điều đó hoàn toàn xứng đáng sau này. Chúng ta không nói đến kế hoạch 30 hay 50 năm, mà là kế hoạch năng lượng vĩnh viễn, vì các nguồn năng lượng thiên nhiên như mặt trời hay gió sẽ còn đó vĩnh viễn.
Một điểm đáng nói là, ngược lại với điện nguyên tử, đầu tư nhân lực và công nghệ cho năng lượng tái tạo không khó, không mất nhiều thời gian và đắt như người ta tưởng.
Thực tế nguồn nhân lực cho năng lượng tái tạo là sự tổng hợp của tất cả các ngành cơ khoa học cơ bản đã sẵn có trong xã hội từ hóa học, vật lý, môi trường, cơ khí cho đến xã hội học. Và các công nghệ cho năng lượng tái tạo ngày càng được cải thiện và giá thành hạ trên thế giới.
Điều này được chứng minh bởi rất nhiều mô hình thành công cho năng lượng tái tạo về mặt kinh tế cũng như môi trường xã hội khắp thế giới, không chỉ ở các nước phát triển mà ở các nước nghèo và đang phát triển như châu Phi và Nam Mỹ. Vậy nên không có lý do nhân lực của Việt Nam lại không thể làm được.
Tôi ấn tượng với quan điểm này của bạn: “Phát triển năng lượng tái tạo để tự chủ về năng lượng cũng là nhân quyền, một quyền của con người để đảm bảo an ninh và an sinh xã hội cho con người”…
Đúng là như vậy, nhu cầu về năng lượng thì rõ ràng chúng ta cũng đã biết đó là nhu cầu tối thiểu hàng ngày, và thỏa mãn nhu cầu sống tối thiểu cho mỗi công dân là quyền làm người.
Phát triển năng lượng tái tạo sẽ đem lại tự chủ năng lượng không chỉ cho quốc gia, mà thậm chí còn có thể tự chủ cho địa phương, và cho đến cả các cá nhân. Bởi vì mặt trời và gió ở khắp nơi trên bề mặt trái đất, các hệ thống năng lượng tái tạo sẽ là phi tập trung, chứ không phải ở dạng tập trung như nguồn cung cấp năng lượng truyền thống; và không chỉ phi tập trung đến mức địa phương, các cơ sở công và tư địa phương, và còn có thể đến mức từng hộ gia đình ở địa phương.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Điện hạt nhân có phải là
lựa chọn phù hợp cho Việt Nam?
Một ưu điểm nữa của năng lượng tái tạo liên quan tới bảo đảm an sinh xã hội, đó là mang lại lợi ích về mặt môi trường và đảm bảo cho con người về mặt sức khỏe, vì không có những phát thải độc hại vẫn tồn tại ở năng lượng hóa thạch và điện nguyên tử. Nguyên liệu dùng trong sản xuất năng lượng tái tạo có thể tái chế (vật liệu chế tạo tấm pin mặt trời, cánh quạt điện gió…).
Lịch sử phát triển và khai thác các nguồn tài nguyên hóa thạch của loài người cho thấy, ở đâu có sự tập trung tài nguyên dầu mỏ, than đá, khí đốt là đều có sự độc quyền. Và tranh chấp các nguồn tài nguyên hóa thạch cũng dẫn tới những nguy cơ xung đột, và thậm chí bạo lực và chiến tranh như chúng ta đã thấy.
Chính sự phi tập trung hóa này sẽ đem lại tự chủ và đa dạng cho phát triển, tránh khỏi sự phụ thuộc vào các quốc gia nắm giữ nguồn tài nguyên như hiện nay, những xung đột về lợi ích và quyền lực, nâng cao được chất lượng đời sống, đó chính là bảo đảm nhân quyền. Con người chúng ta được có quyền phát triển đời sống của chính mình trong hòa bình và tự chủ, với những nguồn năng lượng vô tận trên mặt đất có đủ cho tất cả mọi người.
Điều nhóm mong nhất là gì khi dịch cuốn sách này? Bạn có thể giới thiệu thêm về nhóm?
Điều nhóm dịch mong muốn nhất khi dịch cuốn sách này là để thu hút sự quan tâm nhiều hơn của người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức, đối với vấn đề năng lượng, và để lan truyền thông điệp về năng lượng tái tạo mà chúng tôi tin tưởng là giải pháp phù hợp nhất hiện nay thay thế cho các nguồn cung cấp năng lượng cũ.
Về nhóm dịch của chúng tôi, đều là bạn bè trong vòng thân cận trực tiếp của ba chị em trong Ban biên tập: gồm có Thu Hằng – là chuyên gia về năng lượng của nhóm, bạn đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ về Hệ thống năng lượng bền vững tại Đại học Lisbon, Bồ Đào Nha và Đại học Aalto ở Phần Lan; Thu Trang – vừa tốt nghiệp Thạc sĩ về Hệ sinh thái công nghiệp tại Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển và tôi đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ về Hóa học tại Đại học California, Riverside.
Ba chị em đã cùng nhau liên lạc với các nhà xuất bản để có bản quyền chính thức cho việc dịch phi lợi nhuận cuốn sách sang tiếng Việt, và khi đã nhận được bản quyền dịch, những người bạn của chúng tôi đã rất hăng hái tham gia vào dự án dịch sách rất thú vị này.
Chúng tôi cùng làm việc với nhau như anh chị em, cố gắng để dịch cuốn sách với phẩm chất cao nhất và phong cách tương đồng, bản dịch cuốn sách cuối cùng chính là tâm huyết của cả nhóm như một thể thống nhất. Và qua thời gian làm việc chung với Hằng, Trang và các bạn trong nhóm dịch, tôi luôn có cảm xúc vô cùng tốt đẹp về một thế hệ trẻ giỏi giang và tràn đầy nhiệt huyết và trí tuệ, rất sắc sảo trong kiến thức và vô cùng khiêm tốn…
Cám ơn bạn!
Lê Quỳnh (thực hiện)
Theo Một Thế Giới
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us

Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.