Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Hiện tại, với thu nhập của gia đình, theo tôi vẫn đủ, nhưng theo vợ thì thiếu. Tôi đề nghị vợ cắt bớt các khoản chi tiêu không cần thiết, nhưng vợ phản đối.
Tôi năm nay 30 tuổi, lập gia đình được 7 năm, vợ sắp sinh thêm em bé thứ 4. Kinh tế gia đình chỉ đủ ăn, hiện vẫn ở nhà thuê. Vợ tôi là giáo viên mầm non, nghỉ việc đã 2 năm từ khi sinh cháu thứ 3. Hiện tại đang thử việc ở một trường mầm non.
Tôi đang làm cộng tác viên cho một công ty của nước ngoài, chuyên về an toàn của xe hơi. Thu nhập hiện tại của tôi chỉ đủ trang trải chi phí trong gia đình, không thể tiết kiệm gì thêm. Cháu lớn đã vào lớp 1, một buổi học ở trường, một buổi gửi ở nhà cô chủ nhiệm. Hai cháu nhỏ đang học mẫu giáo.
Bản thân tôi đã trải qua cuộc sống rất khó khăn, bữa ăn tuổi thơ chỉ cơm độn khoai mỳ nên chủ trương của tôi là luôn tiết kiệm, tích lũy. Chấp nhận khó khăn thực tại để có gì đó cho ngày mai. Vợ tôi thì lo lắng con cái thiếu cái này, thiếu cái kia, không bằng bạn bằng bè. Mâu thuẫn lớn nhất trong gia đình là vấn đề chi tiêu.
Từ trước đến giờ chuyện tiền bạc tôi hoàn toàn giao cho vợ quản lý. Mọi thu nhập tôi đều đưa hết cho vợ. Khi thấy tình trạng gia đình thiếu hụt, phải vay mượn, tôi đã bàn với vợ lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Hiện tại, với thu nhập của gia đình, theo tôi thì vẫn đủ, nhưng theo vợ thì thiếu. Tôi đề nghị cô ấy cắt bớt các khoản chi tiêu không cần thiết, vợ bảo không thể cắt khoản nào. Kinh tế thiếu hụt, vợ vẫn muốn cho cháu lớn đi học bóng rổ, cháu nhỏ đi học múa ba-lê.
Hiện tại vợ hay cho người thân mượn tiền, lúc lại mượn tiền của người thân. Chuyện này cô ấy không nói gì với tôi. Đôi lần em thấy vợ trả tiền hoặc nhận tiền của người thân, lúc đó em hỏi vợ mới nói. Mâu thuẫn đỉnh điểm khi vợ thông báo tiền lương tháng này phải trả nợ cho em vợ thế này, trả cho mẹ vợ thế nọ. Sẵn có tiền trong túi, tiện đường tôi ghé vào trả nợ cho mẹ vợ, thì mẹ vợ bảo tôi cầm về đi vì mẹ vợ vẫn còn nợ tiền vợ tôi (những khoản nợ này em không hề hay biết). Về nhà hỏi vợ thì vợ bảo không biết là mẹ nợ cái gì.
Con cái lớn dần, tôi cũng mong mình có một mái nhà riêng, ổn định cuộc sống. Nhưng với tình cảnh thực tại, khi suốt ngày hai vợ chồng tranh cãi tiền nong, thì đó là ước mơ xa vời. Ảnh minh họa: FamilyLaw. |
Mỗi lần hai vợ chồng ngồi lại với nhau để nói chuyện thu chi là chỉ cãi nhau, hoàn toàn không thể thống nhất theo một hướng chung. Vợ luôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, không có mơ ước gì xa xôi. Rằng vợ thích cuộc sống như thế này, giàu có chỉ sợ chồng sinh hư. Riêng tôi, nhìn quanh thấy bạn bè đã ổn định, nhà cửa đàng hoàng, mình vẫn ở nhà thuê, nay đây mai đó, rất chạnh lòng. Con cái lớn dần, tôi cũng mong mình có một mái nhà riêng, ổn định cuộc sống. Nhưng với tình cảnh thực tại thì đó là ước mơ xa vời.
Chỗ làm việc của vợ xa nhà nên đi sớm về trễ, việc chăm sóc các con lúc này chỉ một mình tôi làm. Sáng 6 giờ dậy, cho cháu lớn ăn sáng, rửa mặt thay quần áo cho hai cháu nhỏ rồi đưa cả ba cháu tới trường. Chiều về đi chợ, ghé đón các cháu. Về nhà là nấu ăn, tắm rửa cho các cháu. Đợi vợ về cả nhà cùng ăn cơm. Sau đó lại dọn dẹp, cho các con đi ngủ, chuẩn bị đồ dùng cho ngày mai.
Vợ mang bầu lần này có vẻ mệt. Đi làm về, tắm rửa, ăn cơm rồi đi ngủ. Tôi hoàn toàn cảm thông với vợ, không thấy phiền não gì. Nhưng càng ngày càng cảm thấy mệt mỏi về tinh thần. Cuộc sống khó khăn, vợ chồng cứ lục đục chuyện tiền bạc. Nhiều lúc chiến tranh lạnh, không nói gì với nhau mấy ngày. Lúc này, tôi hay cảm thấy mình trống rỗng, nhìn vợ chẳng có cảm xúc gì. Đôi khi tự hỏi tình yêu dành cho vợ còn không? Trong đầu có ý định chia tay vợ bởi tiếp tục cuộc sống như thế này không biết tương lai ra sao. Vợ chồng ngày càng xa cách, mâu thuẫn.
Tuần này là kỷ niệm 7 năm ngày cưới mà phải viết ra những dòng này tôi thực sự đã quá bế tắc. Mong mọi người cho em lời khuyên.
Việt Anh708
* Gửi tâm sự của bạn tới địa chỉ email changnang@ngoisao.net để được độc giả chia sẻ, gỡ rối. Lưu ý bài viết bằng tiếng Việt có dấu.
2014-11-03 09:24:39