Hà Văn Thắm, Bầu Kiên, Phạm Công Danh,… đều là những đại gia nghìn tỷ vướng vòng lao lý khi đang ở đỉnh cao danh vọng, tiền tài khiến dư luận không khỏi rúng động.
Ông Hà Văn Thắm
Theo tin tức báo Công an Nhân dân, chiều 24/10, được biết cơ quan tố tụng đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và lệnh bắt giam 4 tháng đối với ông Hà Văn Thắm, 42 tuổi, trú tại Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự.
Quá trình thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm đã thực hiện đúng quy định tại Điều 80 và Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự. Hiện, ông Thắm đã được dẫn giải về Trại giam Bộ Công an để điều tra làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo sai phạm của ông Thắm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hiện một số sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh của cá nhân ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OceanBank. Để đảm bảo Ngân hàng OceanBank hoạt động kinh doanh an toàn, ổn định và đúng pháp luật, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đình chỉ chức vụ đối với ông Hà Văn Thắm.
Cũng trong ngày 24/10, Ngân hàng nhà nước chính thức thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao của Ocean Bank.
Thông cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Trong quá trình triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành thanh tra pháp nhân, thanh tra chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng. Qua thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương.
Để xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật và bảo đảm Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương hoạt động an toàn, ổn định và đúng pháp luật, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương đối với ông Hà Văn Thắm.
Bầu Kiên
Bầu Kiên có lẽ là đại gia Việt bị bắt giữ gây rúng động cho dư luận nhiều nhất từ trước tới giờ. Gần cuối tháng 8/2012, hầu như dư luận cả nước không thể tin nổi vào sự việc ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), một người đàn ông quyền lực trong giới tài chính ngân hàng cũng như trong làng bóng đá Việt bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ về một số sai phạm liên quan tới hoạt động kinh doanh của ông này.
Sau một thời gian tạm giam, bầu Kiên hầu tòa với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; và trốn thuế. Vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng ACB do bầu Kiên cầm đầu được đánh giá là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện án điểm.
Nguyễn Đức Kiên (sinh ngày 13/4/1964 tại Hà Nội) trước khi bị bắt là thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Ngoài ra ông Kiên hiện còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB, Chủ tịch HĐQT công ty Thiên Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Chợ Lớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu, phó chủ tịch Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội…
Phạm Công Danh- Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh
Hồi cuối tháng 7/2014, thông tin ông Phạm Công Danh Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựngViệt Nam bị bắt vì liên quan đến vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng khiến giới doanh nhân không khỏi ngạc nhiên, bàn tán.
Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank). Vào thời điểm tái cấu trúc và đổi tên, tháng 5/2013, Trust Bank có 23 năm hoạt động với vốn điều lệ 3.000 tỷ, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung phục vụ lĩnh vực xây dựng.
Trước thời điểm bị bắt hơn 1 tháng, ông Phạm Công Danh vẫn nói về những kế hoạch chuẩn bị cho đợt kỷ niệm 50 năm hoạt động của Tập đoàn Thiên Thanh và gói tín dụng liên kết 50.000 tỉ đồng về đề án phát triển ngành vật liệu xây dựng theo mô hình tập trung: Sàn giao dịch vật liệu xây dựng và Thiên Thanh với vai trò là nhà tổ chức, Ngân hàng Xây dựng với vai trò là đơn vị cung cấp tín dụng.
Nguyễn Minh Hùng- Tổng giám đốc công ty VN Pharma
Ngày 19/9 cơ quan An ninh điều tra Bộ công an đã tiến hành khám xét trụ sở công ty cổ phần VN Pharma ở đường 3/2, P.14, Q.10.
Sau khi vụ khám xét diễn ra, ngay hôm sau phía công ty VN Pharma đã phát đi thông cáo báo chí xác nhận Tổng giám đốc bị cơ quan công an triệu tập ra Hà Nội làm việc về 1 sản phẩm của công ty. VN Pharma cũng xác nhận, có việc cơ quan An ninh điều tra khám xét trụ sở vào đêm 19/9…
Được biết ông Nguyễn Minh Hùng (SN 1977) quê Đồng Tháp, là 1 doanh nhân trẻ thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm trong nước. Khi thành lập công ty cổ phần VN Pharma 3 năm trước, ông Hùng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Công ty VN Pharmar hoạt động đa lĩnh vực như: phân phối dược phẩm; phòng khám; vệ sinh và sinh hoá phẩm y tế; dịch vụ kho bãi và hậu cần ngành dược…
Tại Đại hội đồng cổ đông lần 3 nhiệm kỳ 1 năm 2014 tổ chức 5-7-2014, Công ty VN Pharma công bố năm 2013 doanh thu bán hàng hợp nhất đạt 971 tỷ đồng và dự kiến kết quả kinh doanh năm 2014 doanh thu bán hàng sẽ đạt 1.077 tỷ đồng. Cũng tại đại hội cổ đông này, VN Pharma công bố tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 68 tỷ đồng và trong năm 2014 sẽ phát hành thêm 2.800.000 cổ phần phổ thông với tổng giá trị phát hành là 28 tỷ đồng.
Tuy chỉ là một công ty cổ phần ra đời mới vài năm, nhưng tháng 5/2014, công ty trúng thầu 46 mặt hàng thuốc với trị giá lên tới hơn 267,8 tỷ đồng.
Chỉ mới 3 “tuổi đời” hoạt động, Công ty VN Pharma đã sớm trở thành “đại gia” làng dược phẩm khi có một hệ thống công ty con khá hùng hậu. VN Pharma có hệ thống chân rết gồm VN Pharma – chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh (TPHCM), Công ty cổ phần Dược Nam Hùng (TPHCM), Công ty TNHH VN Pharma An Giang, Công ty TNHH VN Pharma Cà Mau, Công ty TNHH MTV Clinic (TPHCM); Công ty cổ phần Logistics Việt Nam (TPHCM).
Phạm Huy Chí
Ngày 2/8/2012, cơ quan công an khởi tố và bắt giam ông Phan Huy Chí, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán SME về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ông Phan Huy Chí là thạc sỹ chuyên ngành Luật kinh tế, Giám đốc trung tâm trợ giúp pháp lý, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ngoài ra, trước khi bị bắt, ông Phan Huy Chí còn là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần Vận tải Vinaconex (mã VCV).
Việc ông Chí, người đứng đầu một công ty chứng khoán lớn bị bắt giữ đã khiến giới đầu tư chứng khoán nao núng một thời gian. Việc này cũng khiến cổ phiếu SME giảm giá không phanh, chỉ được giao dịch trong phiên thứ 6 hàng tuần và bị hủy niêm yết bắt buộc vào ngày 26/10/2012.
Dương Chí Dũng
Ngày 17-5-2012, CQĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Dương Chí Dũng về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (theo Điều 165 – BLHS). Tuy nhiên, bị can Dương Chí Dũng đã bỏ trốn. Kiên trì thuyết phục gia đình, thân nhân của Dương Chí Dũng vận động bị can ra đầu thú, nhưng không có kết quả, ngày 18-5, CQĐT đã phát lệnh truy nã đặc biệt số 01/C48-P2 trong toàn quốc, đồng thời phối hợp với Tổ chức CSHS quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, sau thời gian khẩn trương tiến hành các biện pháp truy bắt, ngày 4-9, CQĐT đã bắt được Dương Chí Dũng; đồng thời khẩn trương xác minh để xử lý những ai có hành vi che giấu, tiếp tay cho cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines trong quá trình bỏ trốn.
Ông Dũng sinh năm 1957, quê quán Hải Dương, được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 8-2005; đến tháng 7-2011, ông Dũng được bổ nhiệm giữ chức chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này. Tháng 2-2012, ông Dũng được điều động sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải thuộc Bộ GTVT.
Theo tài liệu điều tra của cơ quan chức năng, thời điểm điều hành Vinalines, Dương Chí Dũng đã có dấu hiệu, hành vi sai phạm nghiêm trọng về kinh tế trong thương vụ nhập, mua ụ nổi 83M. Tháng 1-2012, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng – Bộ Công an phát hiện và tổ chức xác minh dấu hiệu sai phạm trong quá trình sửa chữa ụ nổi 83M thuộc dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường
2014-10-26 14:24:25