Nữ chiến binh trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo
Friday, September 19, 2014 22:58
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Bắt đầu học cách sử dụng vũ khí từ khi mới 15 tuổi, là chỉ huy một đơn vị vũ trang có phần lớn là nữ thành viên, Avesta đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) của tổ chức.
Avesta, lính du kích thuộc lực lượng của Đảng Công nhân người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Foreign Policy. |
Avesta mới 24 tuổi, nhưng trông cô già hơn tuổi rất nhiều với đôi mắt sâu màu xám. Khuôn mặt dài của cô đã có nhiều vết nhăn và thô ráp, tay cô đã chai sạn. Khẩu súng bắn tỉa là vật bất ly thân của Avesta. Nếu cô không đeo súng trên lưng, cô sẽ đặt nó ngay trong tầm với. Súng như một người bạn đồng hành trung thành đảm bảo an toàn cho tính mạng của cô, một lính du kích người Kurd.
Avesta lấy bí danh từ cuốn sách thánh Zoroastrianism, một tôn giáo mà người Kurd coi là tín ngưỡng căn nguyên của họ. Cô là chỉ huy của một nhóm 13 lính thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK), trong đó có 8 phụ nữ. Đây là một nhóm vũ trang từng chiến đấu với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng ba thập kỷ để đòi quyền lợi cho người Kurd. Đồng phục của họ có màu ô liu và màu xám, với chiếc quần thụng, một chiếc áo khoác và một dây lưng to bản.
Binh đội của Avesta hôm 6/8 di chuyển bằng xe buýt từ căn cứ PKK ở dãy núi Qandil, trải dài biên giới Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đến Makhmour, một thị trấn tại vùng Kurdistan, Iraq. Họ nằm trong số hàng trăm tình nguyện viên người Kurd từ khắp nơi quanh khu vực đến Kurdistan để chống lại các chiến binh IS hung tợn.
Sau một trận chiến kéo dài bốn ngày và kết thúc vào ngày 10/8, quân du kích đã tái chiếm được một trại tị nạn. Cho đến đầu tháng 8, đây là nơi trú ẩn của hơn 10.000 người Kurd đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người trong số đó được cho là ủng hộ PKK.
Trong trận chiến, Avesta sử dụng súng bắn tỉa để hạ các chiến binh IS, yểm trợ cho đồng đội khi họ xông pha vào tiền tuyến, giáp mặt đối phương. “Những chiến binh IS không tài giỏi như tuyên truyền”, cô nói. “Họ chủ yếu tấn công từ xa với vũ khí hạng nặng như súng cối và pháo”.
Avesta không còn xa lạ gì với những cuộc chiến sử dụng vũ khí hạng nặng. Trong ba thập kỷ qua, PKK đã chiến đấu chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng quân sự lớn thứ hai trong khối NATO. Avesta đã tham chiến cho PKK vào năm 2005, năm 2008 và năm 2012.
Theo cô, các lính du kích PKK đủ sức chống lại chiến binh jihad. “IS chiến đấu quyết liệt, nhưng đối phó họ không khó khăn như những lần chúng tôi chiến đấu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara có máy bay chiến đấu và không quân”, cô cho biết.
Chứng kiến sự tàn bạo của các chiến binh IS với người Kurd ở Sinjar và các khu vực khác, Avesta cho biết cô và các đồng đội trong đơn vị đã xung phong tham gia vào nhóm đầu tiên được PKK điều động đến Makhmour. Đơn vị của cô nằm dưới sự chỉ huy của PKK đóng tại dãy núi Qandil. Tuy nhiên, khi đến Makhmour, đơn vị cô còn phối hợp với quân Peshmerga của người Kurd ở Iraq, nhưng sự hợp tác này vẫn còn hạn chế.
Khi mới chỉ 15 tuổi, Avesta đã rời quê nhà tại Van, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và lên núi để được huấn luyện vũ trang. Quyết định của cô xuất phát từ sau khi chứng kiến thi thể bị chặt đứt của anh trai mình, một lính của PKK, thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa PKK với lực lượng chính phủ vào năm 2005.
Avesta gia nhập một trại huấn luyện khắc nghiệt, nơi cô đắm mình trong tư tưởng cách mạng cánh tả của đảng và quan điểm về vai trò người phụ nữ trong xã hội. Đồng thời, cô được huấn luyện sử dụng vũ khí. Ở vùng núi, binh lính PKK sống tách biệt với thế giới bên ngoài trong các khu trại đơn sơ. Quy tắc của tổ chức nghiêm cấm thành viên phát sinh quan hệ tình cảm. Các lính du kích ít khi gặp gia đình họ.
Avesta cho biết cô đã khám phá chính mình trong vùng núi non hiểm trở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Iraq. “Tại vùng núi, tôi phát hiện ra phụ nữ cũng có thể mạnh mẽ”, Avesta nói. PKK là một tổ chức có đông nữ giới tham gia, đây là một điều rất hiếm trong văn hóa bảo thủ của thế giới Hồi giáo. Khoảng một nửa các nhà lãnh đạo của tổ chức này là phụ nữ. Tư tưởng của nhóm du kích người Kurd và IS hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Avesta và các nữ đồng đội có thể tham gia chiến đấu, phiến quân Hồi giáo lại kìm hãm vai trò của người phụ nữ, chỉ cho họ làm những việc nhà như như nuôi dạy con cái, nấu ăn, dọn dẹp và phục vụ chồng.
“Chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh và động lực khi được chỉ huy bởi một người phụ nữ như Avesta”, Kendal, một nam thanh niên 19 tuổi thuộc đơn vị của Avesta, nói. “Cô ấy ra lệnh cho chúng tôi khi chiến đấu và hướng dẫn về chiến thuật”, cậu nói tiếp.
PKK và đồng minh tại Syria là Lực lượng dân quân tự vệ tại Syria (YPG) đóng vai trò quan trọng trong việc giải cứu dân tị nạn người Yazidi , bị IS bao vây tại núi Sinjar, Nineveh, phía tây Iraq. Họ đảm bảo an ninh cho lối thoát từ núi Sinjar đến Syria. Hàng nghìn người đã đến nơi an toàn và trở về vùng Kurdistan của Iraq. Binh lính PKK cũng được triển khai đến Kirkuk, phía bắc Iraq, để hỗ trợ lực lượng Peshmerga.
Mặc dù Avesta và các đồng đội của cô ở Iraq đã tham gia chiến đấu chống IS, nhiều thách thức khác vẫn còn nằm ở phía trước. Thứ nhất, quan hệ giữa họ và lực lượng của người Kurd ở Iraq từ lâu đã trở nên căng thẳng. PKK và các lực lượng người Kurd tại Iraq đã đánh nhau nhiều lần, từ cuối năm 1980 đến đầu những năm 2000. Trong khi Avesta cho biết PKK đã giải phóng các trại tị nạn và đóng vai trò quan trọng trong việc tái chiếm Makhmour từ tay IS, các quan chức người Kurd của Iraq lại nhấn mạnh rằng, lực lượng Peshmerga của họ đã thực hiện phần lớn các cuộc giao tranh.
Sự tham gia của PKK trong cuộc chiến chống IS ở Iraq vẫn chưa khuấy động được phản ứng mạnh mẽ tại nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara coi PKK là một tổ chức thù địch. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với người Kurd ở Iraq. Nước này sẽ không có phản ứng thiện chí nếu PKK quyết định đóng quân lâu dài tại vùng Kurdistan của Iraq, do việc này có thể làm suy yếu quyền lực của chính phủ người Kurd trên lãnh thổ của mình, và làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd ở Iraq, và PKK.
Sự hiện diện PKK cũng sẽ đánh động phương Tây, một đồng minh quan trọng đối với người Kurd, khi cuộc chiến chống lại IS vẫn đang tiếp diễn. PKK bị Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu coi là nhóm khủng bố.
Avesta bác bỏ lời cáo buộc đó. “Chúng tôi bị gọi là những kẻ khủng bố trong nhiều năm qua”, cô nói khi vừa trở về trại, sau khi đi kiểm tra nhanh một vị trí canh gác để đảm bảo an ninh, nhằm đề phòng IS tấn công. “Nhưng chúng tôi nói với những quốc gia đó: hãy đến và xem cuộc chiến này rồi tự nhận định. IS chặt đầu thường dân, trong khi chúng tôi giải cứu họ”, cô nói.
Sau khi đẩy lùi IS ra khỏi khu vực người Kurd xung quanh Makhmour, quân du kích tại trại tị nạn chưa có kế hoạch quay trở lại căn cứ tại vùng núi Qandil. Trong thời gian này, họ đang bận rộn huấn luyện một số trong vài trăm người dân tị nạn cách tự vệ.
Kinh nghiệm dạy cho họ biết họ cần phải đề phòng. Quân đoàn du kích tận dụng thời gian từ sau khi đẩy lùi IS để xây công sự trong và xung quanh trại, và tại núi Qarachukh gần đó.
Binh lính PKK thay phiên nhau trông coi các trạm kiểm soát và các công sự. Sau khi kết thúc buổi gặp với đồng đội , Avesta cầm khẩu súng bắn tỉa lên và chào tạm biệt họ. Cô và một nam đồng đội tiến vào một chiếc xe bụi bặm, xuất phát tới điểm canh gác tại trạm kiểm soát ở lối vào trại. Từ đó, cô có thể nhìn thấy đường chân trời mù sương ở phía nam Makhmour, nơi IS vẫn đang kiểm soát.
Avesta bị giết chết vào ngày 12/9.
Theo một phát ngôn viên của quân du kích PKK ở miền bắc Iraq, cô gặp nạn khi đang chỉ huy một đơn vị trong cuộc tấn công của liên quân PKK và Peshmerga vào IS, nhằm tái chiếm ngôi làng gần Makhmour. Một chiến binh IS đã bắn vào cổ cô. Chiếc xe quân sự của lực lượng Peshmerga chở cô đến bệnh viện bị trúng một thiết bị phát nổ tự chế. Cô qua đời ngay sau đó, khi đang trên đường đến Erbil, thành trì của người Kurd tại Iraq để chữa trị.
Theo VnExpress
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us