Giảng viên Ngoại thương vạch ’10 ngộ nhận về GD’
Thursday, September 25, 2014 19:07
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nhiều ngộ nhận phổ biến về giáo dục hiện nay như, nhà trường phải chịu trách nhiệm 100%…
Do số phận đưa đẩy, tôi sinh ra trong một gia đình ba đời làm nghề gõ đầu trẻ. Từ nhỏ tôi đã hít thở không khí nghề này, nghe hết chuyện thâm cung bí sử của các trường, cả đời gắn bó và rồi có điều kiện quan sát cả giáo dục ở những nước khác. Tôi có thể thấy xã hội VN đã ngộ nhận quá nhiều về giáo dục. Và đây là những ngộ nhận theo tôi là phổ biến và nguy hại nhất:
1. Chỉ đến trường mới là được giáo dục: nhầm, giáo dục có hai loại. Giáo dục chính thức ở nhà trường và giáo dục không chính thức ở gia đình và xã hội. Cả hai hình thức đều quan trọng như nhau đối với sự hình thành nhân cách của con người và cả cuộc đời. Thậm chí giáo dục ở gia đình và xã hội còn quan trọng hơn nhiều so với giáo dục ở trường trong việc dạy kỹ năng sống và hình thành nhân cách.
2. Nhà trường và giáo viên phải chịu trách nhiệm 100%về kết quả học tập của học sinh.
Nhầm! Học sinh chỉ ở trường khoảng 5- 8h/ngày, thời gian còn lại là gia đình và xã hội, đấy mới là nơi các em thực sự sống và thể hiện bản thân. Vì vậy, nếu không có một động lực học tập đúng đắn, không được gia đình và xã hội tạo điều kiện khuyến khích, không học sinh nào có thể học tốt.
Làm con người hơn máy tính là tự mình hành động. Việc tước mất của trẻ con khả năng tự lo cho bản thân, tự sống trên đời là tước đi quyền được sống như người của chúng.
3. Kiến thức qua đi nhưng bằng cấp thì còn lại, vì vậy, bằng quan trọng hơn kiến thức.
Nhầm to! Bằng cấp may lắm chỉ mở được cánh cửa việc làm cho bạn, còn kiến thức và kỹ năng mới giúp bạn tồn tại.
4. Việc học là quan trọng nhất với con trẻ. Để chúng có thể chuyên tâm học đạt điểm số cao nhất, không nên bắt chúng làm việc nhà.Những chuyện ấy không quan trọng, khi lớn chúng tự khắc biết làm hoặc có thể thuê người làm.
Đây là nhầm lẫn kinh khủng nhất vì mục đích của việc sinh ra trên dời của mỗi con người là để được làm người, không phải để trở thành cái máy. Một người dù cố gắng đến mấy cũng không thể thu thập được nhiều kiến thức bằng một cái máy tính. Nhưng điều làm con người hơn máy tính là tự mình hành động. Việc tước mất của trẻ khả năng tự lo cho bản thân, tự sống trên đời là tước đi quyền được sống như người của chúng.
Chưa kể sự bất lực ấy sẽ bắt chúng cả đời phụ thuộc vào người khác? Nữ hoàng Anh thỉnh thoảng vẫn tự tay nấu ăn cho gia đình, vì sao con chúng ta không làm được?
5. Việc được vào học những trường danh giá sẽ có thể thay đổi đứa trẻ hoàn toàn.Vì vậy, đó chính là khoản đầu tư cần thiết để đảm bảo con bạn có tương lai tươi sáng.
Không phải bỗng dưng giáo dục được gọi là trồng người, vì nó cũng tương tự trồng cây, có ra hoa trái ngọt không phụ thuộc vào: 1/Giống cây trồng; 2/Thổ nhưỡng.
Cây ôn đới mà trồng ở xứ nhiệt đới thì dù có chăm sóc đến mấy cũng không thể cho quả ngọt. Việc cho con học trường nào phụ thuộc vào khả năng của đứa bé và vào điều kiện cụ thể của trường. Tôi từng biết những bố mẹ chạy chọt cho con vào trường chuyên lớp chọn nhưng con không theo được, cuối cùng bị trầm cảm, rất đáng thương.
Hãy để con cái có môi trường giáo dục phù hợp với năng lực và sở thích, như vậy trẻ mới phát triển bình thường.
6. Điểm số là mục đích chính cho việc học:
Từng là HSG rồi là giáo viên lâu năm, tôi nhận thấy điểm số chỉ có tính tương đối vì nó chỉ đánh giá sự tuân thủ của trẻ với hệ thống cho điểm hiện hành. Những trẻ có cá tính thường không đạt điểm cao nhưng ra đời lại thành đạt nhiều hơn những trẻ ngoan. Và mỗi con người đều có những năng lực riêng cần được tôn vinh.
GS Hồ Ngọc Đại đã nói, “Một đứa trẻ học giỏi toán đáng được đề cao thì những đứa trẻ chăm quét nhà cũng nênđược khen”[1]” nhờ vậy ông mới góp phần đào tạo được những tài năng như Ngô Bảo Châu.
7. Đại học là con đường tốt nhất mở cánh cửa vào đời: Đây chính là hậu quả của việc sính bằng cấp, di sản tồi tệ của tư tưởng Sĩ Nông Công Thương, coi người đi học là quan trọng nhất trong xã hội.
Xã hội có rất nhiều nghề nghiệp, nhiều cơ hội cho mọi khả năng, mọi trình độ. Không có nghề nghiệp nào vinh quang và cũng không có nghề nghiệp nào thấp hèn, chỉ có người làm nghề vinh quang hay thấp hèn. Một người quét đường tử tế còn có chỗ đứng trong đời vững chắc hơn một ông TS “giấy”.
Người xưa từng nói: “Khi cánh cửa này khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra”, TS Nguyễn Phương Mai, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng “Tôi là một con lừa” và ‘Con đường Hồi giáo” năm 18 tuổi đã trượt Đại học, thay vì tuyệt vọng cô đã chọn vào Cao đẳng Ngoại ngữ rồi đi làm báo và bây giờ là giảng viên trường ĐH Amsterdam (Hà Lan).
Ở nước ngoài, SV thường nghỉ học 1 năm trước hoặc trong khi học ĐH để đi làm, đi du lịch, đi thiện nguyện lấy kinh nghiệm. Nhưng bố mẹ Việt mà nghe vậy chắc nhiều người ngất!
8. Con gái không cần học nhiều như con trai vì đằng nào cũng lấy chồng, sẽ có chồng lo cho mình.
Sai hoàn toàn! Về mặt pháp luật con gái và con trai đều bình đẳng, chúng ta muốn con gái mình được tôn trọng, yêu thương nhưng lại muốn chúng sống đời phụ thuộc, có vô lý không? Suốt đời, tôi đã chứng kiến phụ nữ học tập và làm việc không kém gì đàn ông. Khi nói chuyện với các giáo viên Hàn Quốc, họ cũng công nhận dù ở HQ phụ nữ ít đi làm hơn VN nhưng phụ nữ cũng học giỏi hơn. Do thiên chức sinh con, có những giai đoạn phụ nữ sẽ nên ưu tiên cho gia đình hơn nhưng ngoài thời gian đó, con gái hoàn toàn có cơ hội phát triển bình đẳng.
Hãy để con gái có cơ hội phát triển bình đẳng trong gia đình thì mới có thể được bình đẳng trong xã hội và tránh nguy cơ sa cảnh vào đói nghèo nếu không may gia đình tan vỡ.
9. Giáo dục VN rất tệ, vì vậy, chỉ có học nước ngoài con cái mới có được học vấn mong muốn.
Đồng ý là giáo dục VN có nhiều nhược điểm nhưng không có nền giáo dục hoàn hảo trên thế giới này. Giáo dục VN vẫn sản sinh ra nhiều người tài như Ngô Bảo Châu, Lê Bá Khánh Trình… Nếu gia đình có điều kiện và người học có khả năng, có quyết tâm thì rất nên ra nước ngoài để các em có thêm cơ hội phát triển. Còn nếu không đủ những điều kiện trên thì cứ để con cái học trong nước.
Quan trọng là nếu con em ta chăm chỉ học hành, có khả năng thì ở đâu chúng cũng sẽ có khả năng phát triển. Còn nếu chúng lười biếng, ỷ lại thì không nền giáo dục đủ sức thay đổi chúng như thực tế những nhà giàu gửi con hư ra nước ngoài đã cho thấy.
10. Trong thời gian đi học, việc học là quan trọng nhất, không nên yêu dương làm mất thì giờ, ảnh hưởng đến việc học
Trong quá trình dạy học, tôi từng được nhiều bố mẹ gửi gắm để ý xem con họ có yêu đương gì không để còn kịp thời ngăn chặn. Đây là điều rất nực cười và vi phạm thô bạo quyền sống của con trẻ, nhất là khi các em đã quá 18 tuổi. Mình từng hỏi lại họ: “Thế anh/chị có bao giờ chỉ ăn mà không thở hay chỉ thở mà không ăn cả ngày không? Anh/chị vẫn làm được cả hai, đúng không? Thế tại sao anh chị lại không tin con cái có thể vừa học vừa yêu?”
Cuộc sống luôn có nhiều nhu cầu đòi hỏi được thỏa mãn cùng lúc, với tuổi trẻ, nhu cầu yêu đương là mạnh mẽ nhất. Tình yêu nảy nở ở độ này rất đẹp vì các em còn trong trắng, vô tư. Các em sẽ có cơ hôi trưởng thành bên nhau. Còn nếu không thành, các em sẽ còn nhiều thời gian để tìm đối tác phù hợp hơn. Khi được hạnh phúc, con người làm việc hiệu quả hơn nhiều.
Mong rằng các bậc bố mẹ và cả SV hãy hiểu đúng về giáo dục để chọn con đường tốt nhất!
Nguyễn Hoàng Ánh (Giảng viên ĐH Ngoại thương)
Theo VietNamnet
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us