Những điều tuyệt vời cha mẹ có thể làm cho trẻ ở giai đoạn 0 đến tròn 3 tuổi, thay vì ép trẻ học tiếng Anh hay…
Thursday, September 25, 2014 5:48
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Người dịch Nguyễn Thị Thu
Trích từ cuốn tạp chí 育脳Baby-mo
1. Đây là note mình đã muốn viết từ khá lâu mà giờ mới thực hiện được (mọi người có thể share nếu thấy hữu ích mà không cần hỏi ý kiến mình). Những lời khuyên dưới đây chính là lời đúc kết của các nhà giáo dục nổi tiếng của Nhật nhằm khuyến khích các bậc cha mẹ hãy cố gắng làm cho con mình trong giai đoạn con từ 0-3 tuổi. Tuy nhiên giáo dục con trẻ không bao giờ có từ “quá muộn” nên dù con bạn đã qua 3 tuổi thì những gì có thể tham khảo bạn vẫn có thể áp dụng cho con mình.
2. Có rất nhiều mẹ, đặc biệt với những ai lần đầu làm mẹ (như mình), sẽ luôn mang trong mình rất nhiều mối lo lắng về tương lai của con. Một trong những điều ấy chính là sự phân vân lo lắng liệu có nên cho con học ngoại ngữ sớm hay học chữ sớm hay không. Càng ở thành phố lớn thì áp lực cạnh tranh càng lớn dẫn đến việc cha mẹ muốn cho bé học ngay từ khi còn nhỏ. Vô hình từ khi còn nhỏ xíu trẻ đã phải chịu rất nhiều áp lực mà hầu hết lại là do chính từ những mối lo lắng của cha mẹ mà ra, chứ không phải xuất phát từ nhu cầu của chính bản thân trẻ.
Có thể câu trả lời dưới đây sẽ phần nào giúp cha mẹ giải tỏa mối tơ vò cho chính mình. Bởi vì bản thân mình cũng đã được giải tỏa sau khi đã đọc được những chia sẻ này, từ thực tế những người mình quen biết và từ chính những luận chứng khoa học về vấn đề này.
3. Những kiến thức mình cóp nhặt và chia sẻ cho tất cả mọi người với mong muốn những ai đọc nó sẽ biết dùng tình yêu sáng suốt và lí trí của mình để chọn lọc rồi tìm ra con đường đi đúng đắn nhất cho con mình. Mỗi chúng ta sẽ là người thầy tốt nhất tìm ra cho mình một cách nuôi dạy con tốt nhất ứng với tính cách của chính con mình.
1. Thầy TAKAHAMA Masanobu (sáng lập ra HANAMARU là pp học tập dành cho trẻ nhỏ): Hãy nuôi dưỡng “năng lực quan sát” và trải nghiệm trong thiên nhiên ở giai đoạn 0 đến tròn 3 tuổi
Giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi là giai đoạn nền móng cho cuộc đời của mỗi con người, là giai đoạn mà trí não của trẻ có khả năng hấp thu nhiều nhất (đến 3 tuổi bộ não đã nặng bằng 90% trọng lượng của não người lớn). Năng lực cơ bản giúp trẻ học tập sau này đều hình thành từ chính những trải nghiệm mà trẻ đươc trải qua trong thời kỳ ấu thơ này. Đồng thời có rất nhiều năng lực của trẻ chỉ có thể nuôi dưỡng và phát huy ở giai đoạn này mà thôi. Một trong những năng lực mà trẻ vô cùng nhạy bén đó chính là “năng lực quan sát”. Việc trẻ có cách nhìn đối với những sự vật khi quan sát ở công viên,vườn hoa, vườn thú khác cách nhìn của người lớn chính là một năng lực quan trọng cần được nuôi dưỡng ở thời kỳ này. Chính năng lực ấy sẽ nở hoa dưới một hình dáng khác.
Thay vì ép trẻ học những gì trẻ không thích hãy cố gắng nuôi dưỡng những gì trẻ có hứng thú, cho trẻ được thỏa sức đắm mình trong tự nhiên để trải nghiệm, để cảm nhận thiên nhiên bằng đôi mắt của mình mới chính là những nền móng cơ bản giúp cho quá trình học tập của trẻ sau này.
Món ăn tinh thần ở thời kỳ ấu thơ để giúp trẻ lớn lên sau này chính là
- Để trẻ được hòa mình trong thiên nhiên, quan sát mọi sự vật bằng đôi mắt của mình
- Hãy để trẻ được trải nghiệm hạnh phúc khi tự bản thân mình suy nghĩ và làm đến cùng những gì trẻ muốn
- Nuôi dưỡng năng lực cảm thụ cho trẻ bằng cách nói với trẻ những tính từ chỉ cảm xúc như bày tỏ sự ngạc nhiên, hay cảm thán trước một cảnh đẹp…
- Hãy để trẻ được trải nghiệm những bí ẩn của thiên nhiên và sự vật để kích thích trí tò mò của trẻ như vì sao chạm tay vào áo len thì bị giật, thổi hơi vào kính thì kính mờ…Bởi vì thời kì ấu thơ còn là thời kì nuôi dưỡng cảm giác hay cảm thụ khoa học. Có rất nhiều trải nghiệm bé được làm quen từ hồi nhỏ sẽ được gặp lai khi bé bước vào tiểu học, trung học…và khi ấy bé sẽ ồ lên thích thú “Thì ra là như vậy. Cái hiện tượng hồi đó chính là cái này à…”. Có rất nhiều trường hợp những đam mê của một con người cũng chỉ xuất phát từ những nhân duyên rất tình cờ và nhỏ bé.
- Hãy ôm ấp, skinship thật nhiều để trẻ học được cách tiếp xúc với mọi người mà không sợ hãi. Ôm ấp với mẹ cũng chính là một trải nghiệm tuyệt vời nuôi dưỡng tính nhân văn trong con người bé sau này.
(Phải chăng đó cũng là một lí do mà mẫu giáo hay nhà trẻ Nhật đều cho các em đi dạo công viên vào mỗi sáng chính là để các em được thưởng thức không khí và ánh nắng ban mai, được tự mình khám phá thiên nhiên. Việc mình làm cho Bon mỗi ngày đó là bế con đi dạo buổi sáng và chiều ở công viên gần nhà, trò chuyện với các cụ già nếu gặp. Mình nghĩ con sẽ học hỏi được từ mẹ thiên nhiên rất nhiều, và từ chính những người mà bé sẽ gặp.
Mình vẫn thường tự hỏi tại sao trẻ con bây giờ viết văn miêu tả lại kém thực tế đến thế. Phải chăng bởi vì ở giai đoạn ấu thơ trước khi đi học các em ít được cha mẹ cho những trải nghiệm quan sát thực tế, được tiếp xúc với thiên nhiên chăng. Cũng giống như nhà văn muốn viết được thì phải đi nhiều, vốn sống và vốn trải nghiệm thực tế phải phong phú, thì con trẻ cũng thế. Khi mà vốn trực quan từ thực tế không có thì những bài văn miêu tả con gà, cây chuối…các em viết ra mới khiến người lớn phì cười đến vậy.
Nền giáo dục quá máy móc khi bắt học trò thành phố phải miêu tả con gà,con lợn, cây chuối khi mà nhiều bé chưa từng được biết nếu không được cha mẹ cho về quê hay cho quan sát thực tế. Vậy thì có thể thay bằng miêu tả những cái đó sao không cho trẻ em thành phố miêu tả cái ô tô, miêu tả khu phố, trẻ em nông thôn miêu tả con gà, con lợn…nếu tốt hơn nữa thì hãy để những đề tài mở để các em thỏa sức sáng tạo như miêu tả cây hoa em thích, kỉ niệm một lần đi chơi, du lịch…nhỉ)
2. Bác sĩ SAWAGUCHI Toshiyuki (Giám đốc trung tâm nghiên cứu não của con người): Bạn có biết tất cả những gì trẻ nói, trẻ cười đều bắt đầu từ việc bắt chước mẹ không?
- Nuôi con bằng sữa mẹ: trong 6 tháng đầu sẽ làm giảm nguy cơ bị chứng tự kỷ. Không cần nói nhiều nữa chắc hầu như mọi người đều biết những ưu việt của sữa mẹ rồi.
- Hãy bắt chước mẹ con Kanguru, bế trẻ ở đằng trước. Có rất nhiều lợi ích từ việc này như giúp trẻ và mẹ trò chuyện dễ hơn, dễ nhìn vào mắt nhau hơn, bé cảm nhận được tình cảm của mẹ nhiều hơn…
- Hãy để trẻ bắt chước những việc mẹ làm, những lời mẹ nói: hãy dùng từ lặp lại nhiều lần khi nói chuyện với trẻ, hãy nói những từ hay câu ngắn để trẻ dễ bắt chước.
- Hãy cho trẻ chơi cùng bạn bè khi được tầm 2 tuổi để giúp trẻ nuôi dưỡng tính xã hội, học cách điều khiển cảm xúc của bản thân và cách tồn tại trong tập thể.
- Hãy tạo thói quen sinh hoạt có quy tắc cho trẻ khi trẻ khoảng 1 tuổi rưỡi trở đi như ngủ sớm, dậy sớm, ăn đúng giấc…
3. Bác sĩ AKEHASHI Daiji (bác sĩ thần kinh và tâm lí trẻ, tác giả bộ sách Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản được rất nhiều cha mẹ Nhật tìm đọc): Hãy bắt đầu bằng việc nhìn con bạn ở ngay trước mặt bạn lúc này đây và thừa nhận những ưu điểm của con. 0-3 tuổi là giai đoạn nuôi dưỡng cảm xúc khẳng định bản thân, khẳng định cái tôi.
- Khẳng định cái tôi cá nhân (cảm nhận bản thân mình có một giá trị nhất định, riêng biệt) chính là cảm xúc cơ bản làm nền móng cho mọi hành vi và cảm xúc của con người, và nó rất cần được nuôi dưỡng trong giai đoạn 0-3 tuổi.
- Uốn nắn hay dạy trẻ về quy tắc ứng xử hay phép tắc nơi công cộng, nếp sinh hoạt… phải thực sự từ 3-6 tuổi, vì khi này trẻ mới đủ nhận thức để hiểu vì sao mình phải làm như vậy. Nên nếu như bé dưới 3 tuổi mà gặp người lớn không chào, hay nói bậy thì cha mẹ cũng đừng vội lo lắng, hãy tiếp nhận hành vi ấy của trẻ như là một sự trưởng thành. Thay vì nói sao con hư thế hãy đổi cách tiếp cận “ôi, từ này mẹ không dạy mà con cũng biết á”. Sau đó nhắc nhở con “Nhưng mà từ này mình không nên nói con ạ…”. Việc chào hỏi hãy để trẻ nhìn cha mẹ rồi học tập cũng không muộn.Trẻ sẽ học theo những gì cha mẹ chúng làm bởi vì trẻ em chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ mà. Nên muốn dạy trẻ những phép tắc thì đầu tiên cha mẹ hãy làm rồi cho trẻ nhìn và bắt chước theo, tiếp đến hãy tạo ra một môi trường để trẻ có thể học được cách ứng xử và các phép tắc thay vì chỉ dùng lời nói để thuyết giáo trẻ.
- Để nuôi dưỡng khẳng định cái tôi cá nhân cho trẻ không thể thiếu sự ôm ấp vỗ về,skinship trong giai đoạn đầu đời.
- Tiếp đến hãy diễn đạt cảm xúc của trẻ bằng lời nói bởi vì trẻ ở giai đoạn này chưa biết cách dùng từ ngữ để diễn đạt cảm xúc của mình. Ví dụ như con đau, con buồn, con đói, con muốn mẹ ôm …đúng không
- Cha mẹ chăm sóc chu đáo cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày chính là một hành động nuôi dưỡng cảm xúc tin cậy vào cha mẹ, bởi vì thông qua những việc được chăm sóc ấy trẻ cảm nhận được rằng mình có giá trị tồn tại nhất định với cha mẹ, mình được cha mẹ yêu mến nên sẽ tin tưởng tuyệt đối vào cha mẹ.
- Khi trẻ muốn kể cho ba mẹ nghe chuyện gì thì dù bận đến mấy cũng hãy hướng ánh mắt đến con và hồi đáp lại câu chuyện “ừ, thế à..” vì hành động ấy của cha mẹ khiến trẻ cảm nhận rằng “a, mình rất là quan trọng với cha mẹ”, trẻ sẽ tự tin với chính mình hơn.
- Hãy nói với con “cảm ơn con” thật nhiều, mỗi khi trẻ làm gì đó giúp cha mẹ. Trẻ sẽ cảm nhận được mình có vai trò nhất định, giúp ích được cho cha mẹ, tự nhiên trẻ sẽ càng có hứng thú và động lực để làm việc hơn.
(Mọi người có thể tham khảo thêm ở bài note ”Những lời khuyên hữu ích của bác sĩ Akehashi Daiji dành cho trẻ từ 0-10 tuổi” của mình).
4. Ngoài ra còn các lời khuyên khác của các bác sĩ khác
- Khi trẻ tầm 3 tuổi hãy để trẻ giúp đỡ mẹ thường xuyên. Khi ấy hãy nói cảm ơn trẻ, nói cụ thể cảm xúc của bản thân cho trẻ biết việc làm ấy của trẻ đã có tác dụng đến cha mẹ như nào. Chính việc làm ấy sẽ nuôi dưỡng trong trẻ hạt giống tâm hồn“niềm vui vì biết sống cho người khác”.
- Dù trẻ có làm gì sai không vừa ý thì cũng đừng bao giờ la mắng trẻ. Hãy thường xuyên khen ngợi và nói rõ cảm xúc của bản thân với trẻ.
- Người cha là người nên dạy trẻ quy tắc ở những nơi công cộng như chơi cùng bạn thì không được tự ý giành đồ, xếp hàng chờ theo thứ tự,…
- Càng những người mẹ ưu tú thường sẽ có nguy cơ lí tưởng hóa về con mình, dẫn đến hay mắng con, thúc ép, kỳ vọng quá nhiều. Khi thấy trẻ có hành động không vừa ý ở chốn đông người thì hay quát mắng trẻ trước mặt mọi người, vì cho rằng như thế mới là dạy dỗ. Đó là cách nghĩ rất sai lầm.
- Trẻ dưới 3 tuổi chưa hiểu được vì sao chúng phải làm thế, nên nếu trẻ có làm gì sai như giành đồ của bạn, hay gây ồn ào thì hãy xin lỗi người mẹ kia, rồi ngăn không cho trẻ giành lấy đồ. Hay khi trẻ ăn vạ đòi mua đồ chơi bằng được dù không có ý định mua đồ chơi đó thì ngay từ lần đầu tiên phải cứng rắn không thỏa hiệp, thì các lần sau trẻ sẽ không dám vòi vĩnh nữa. Trước hết cha mẹ hãy tiếp nhận cảm xúc và mong muốn của trẻ “Đúng là đồ chơi đẹp quá con nhỉ”. Tiếp đến là thuyết phục “Nhưng ở nhà con có rất nhiều đồ chơi rồi. Hôm nay mình hãy nhịn một chút nhé”. Nhiều khi trẻ chỉ cần cha mẹ tiếp nhận mong muốn của mình chứ chưa hẳn đã có nhu cầu muốn đồ chơi đó. Nếu như trẻ vẫn nhất quyết không chịu thì hãy kiên nhẫn thuyết phục thêm chứ không thỏa hiệp mua cho trẻ.
5. Dạy ngoại ngữ, hãy để sau 3 tuổi
Ngoại ngữ
Khi phương pháp giáo dục sớm dành cho trẻ trước tuổi đi mẫu giáo (trước 3 tuổi) được phổ biến thì lại càng có nhiều cha mẹ chủ động dạy tiếng Anh cho con từ khi con mới chào đời, hoặc là từ 1-2 tuổi. Có rất nhiều các lớp học giáo dục sớm quảng cáo và khuyến khích phụ huynh hãy cho con học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Nhưng cho bé học tiếng Anh càng sớm càng tốt có đúng hay không? Có rất nhiều ý kiến tranh luận quanh việc nên dạy tiếng Anh cho trẻ khi nào và phương pháp dạy như nào để thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, bản thân mình đang sinh sống ở nước ngoài, môi trường ngôn ngữ mà con được tiếp xúc không phải là tiếng mẹ đẻ. Làm thế nào để có thể dạy cho con thật tốt tiếng Việt trong môi trường ấy, mình luôn trăn trở và tìm hiểu rất nhiều tài liệu liên quan đến nó cũng như tham khảo kinh nghiệm từ những bà mẹ cũng nuôi dạy con ở nước ngoài để tìm ra cách tốt nhất cho bé.
Dưới đây là một vài ý kiến của các nhà giáo dục trên thế giới để các bậc cha mẹ tham khảo. Hầu hết các chuyện gia giáo dục cũng như lời khuyên từ kinh nghiệm thực tế của các bậc cha mẹ đều có chung một kết luận là:
Giai đoạn trước 3 tuổi (từ 0-3 tuổi) là giai đoạn trẻ hoàn thiện tiếng mẹ đẻ, vì thế hãy để trẻ hoàn thiện tiếng mẹ đẻ rồi hãy dạy ngoại ngữ.
Trẻ càng nhỏ thì khả năng tiếp nhận ngôn ngữ càng phát triển nên muốn trẻ nói tiếng ngoại ngữ chuẩn và tiếp thu nhanh thì càng dạy trẻ sớm càng tốt. Quan điểm này chỉ đúng với những trẻ được sinh ra trong môi trường mà hệ ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài gần giống nhau. Đối với những nước châu Âu có hệ ngôn ngữ khá gần nhau thì việc để trẻ tiếp thu 2 ngôn ngữ cùng lúc sẽ dễ dàng. Hoặc những nước như Ấn Độ, Malai chẳng hạn có cùng nhiều ngôn ngữ tồn tại trong môi trường nên trẻ sẽ tiếp thu một cách vô thức những ngôn ngữ ấy dễ dàng vì trẻ có môi trường tiếp xúc và thực hành.
Nhưng đối với những nước có duy nhất 1 hệ ngôn ngữ như Nhật, Việt thì việc dạy song song cho trẻ 2 ngôn ngữ là từ khi trẻ mới lọt lòng lại có nguy cơ dẫn đến trẻ sẽ bị rối loạn ngôn ngữ và sử dụng sai, không phân biệt được cách dùng của mỗi loại ngôn ngữ. Việc trẻ sinh ra ở môi trường chỉ dùng 1 thứ tiếng như Nhật, Việt thì dù có dạy song ngữ trẻ vẫn cứ chỉ có thể hấp thu 1 ngôn ngữ mà thôi.
Trẻ từ khi mới lọt lòng đã có khả năng phân biệt được ngôn ngữ mẹ đẻ và tiếng nước ngoài. Nếu bạn dạy cho trẻ tiếng mẹ đẻ thật tốt đến một giai đoạn thành thục nhất định rồi sau đó mới dạy tiếng nước ngoài ở tầm 3-4 tuổi trở đi thì trẻ sẽ không bị rơi vào trường hợp là nói tiếng nào cũng dở dang. Quan trọng là bạn muốn con bạn có bộ não với 100% tiếng Việt, 70% tiếng Anh hay là 80% tiếng Việt, 80% tiếng Anh. Việc giỏi tiếng mẹ đẻ có liên quan mật thiết đến khả năng học tập sau này của bé.
Mình đã từng gặp rất nhiều gia đình ở Nhật khi ở nhà cha mẹ đều sử dụng cả 2 thứ tiếng Nhật, Việt nói với trẻ dẫn đến trẻ đều có thể nói được cả 2 thứ tiếng nhưng không nổi trội tiếng nào. Nói sẽ rất dễ nhưng khả năng viết sẽ khó hơn rất nhiều vì nó đòi hỏi khả năng tư duy ngôn ngữ cao hơn. Ngoài ra vì ở môi trường xung quanh là tiếng Nhật và ít tiếng Việt nên nếu cha mẹ không chịu khó luyện cho trẻ thì tiếng mẹ đẻ sẽ ngày càng yếu thế.
Với Bon nhà mình sau này sẽ là một thách thức mà mình cần phải đối mặt vì mình muốn dạy cho bé tiếng Việt để khi về hẳn Việt Nam bé sẽ không thua kém mặt ngôn ngữ với bạn bè.
Học chữ
Nghiên cứu khoa học về bộ não đã chỉ ra rằng não của con người trong giai đoạn còn nhỏ mà ưu tiên dùng để ghi nhớ mặt chữ quá sớm thì sẽ làm suy giảm năng lực quan sát muốn nuôi dưỡng ở thời kỳ này, vì thế hãy cân nhắc kỹ thời kỳ nên dạy chữ cho bé. Muốn bé hứng thú với chữ thì đầu tiên hãy tạo ra môi trường để bé tiếp xúc với chữ bằng cách đọc truyện cho bé nghe, khi vốn từ của bé đã được bồi đắp, khi bé bắt đầu tỏ ra hứng thú thì việc dạy cho bé mới có hiệu quả, còn ép trẻ học chữ khi trẻ chưa muốn chỉ có tác dụng ngược lại mà thôi.
0-3 tuổi là giai đoạn mà bé cần được nuôi dưỡng rất nhiều kỹ năng khác, còn việc thu nạp kiến thức hãy để sau 4 tuổi cũng không có gì là muộn. Hơn nữa, việc trẻ biết mặt chữ không quan trọng bằng việc làm sao ứng dụng việc trẻ biết đọc biết viết ấy một cách hiệu quả như nào.
Bên lề: Mình đã viết bài note về “Phương pháp đọc truyện và dạy chữ sớm cho con của cha mẹ Nhật”, mình mong mọi người không hiểu lầm. Bài note ấy chú trọng đến yếu tố cha mẹ muốn dạy con học chữ trước hết phải tạo ra môi trường để con tiếp xúc với chữ thông qua việc đọc truyện cho bé nghe, thấy hình ảnh cha mẹ ngồi đọc sách, ngồi viết… bé sẽ có hứng thú muốn bắt chước theo, chứ không ép buộc khi bé không có hứng thú. Cũng giống như việc bạn muốn bé học đàn, học vẽ cũng phải để bé tiếp xúc với âm nhạc, với màu sắc để nuôi dưỡng cho bé nhạc cảm và cảm thụ màu sắc rồi thì mới bắt đầu.
Hay khi muốn bé đi nhà trẻ cũng vậy, hãy để bé làm quen trước với trường lớp, thầy cô và các bạn bằng cách cho bé tham quan, làm quen trước một thời gian thì bé mới không bị sợ sệt bỡ ngỡ. Từ trước đến nay bé chỉ quen ở vớ bà ,với mẹ mà hôm nay đột nhiên bị cho vào môi trường hoàn toàn mới sẽ khiến bé sợ hãi và không muốn đi. Với trẻ trong giai đoạn 0-3 tuổi thì việc xây dựng lòng tin với người khác sẽ rất quan trọng. Yêu thương ôm ấp chính là một cách để xây dựng lòng tin. Giúp bé tin tưởng thầy cô, trường lớp rồi thì bé sẽ không còn sợ hãi khi phải đi nhà trẻ nữa.
Lời cuối:
Mình hi vọng những chia sẻ này có ích với mọi người. Hi vọng duy nhất của mình khi chia sẻ những kiến thức này đó là nếu một cha mẹ nào đọc được và thấy tâm đắc thì có nghĩa là cuộc đời của một đứa trẻ cũng sẽ thay đổi (theo hướng tích cực).
Mình tâm niệm nuôi con là hành trình gian khổ và phải thật kiên trì vì muốn thấy trái ngọt đầu tiên phải chờ ít nhất 10 năm, còn xa hơn là phải 15-17 năm sau. Thứ duy nhất giúp mình không bị lung lay niềm tin chính là luôn nhìn con của ngày hôm nay, chỉ cần mỗi việc mình làm khiến con cười vui vẻ vì hạnh phúc, thế là đủ. Mình muốn nhìn thấy hình ảnh con của 18 năm sau cũng vẫn nụ cười hạnh phúc và tư thế say mê khi làm công việc mà nó yêu thích.
Mình sẽ trở lại trong 1 note về dinh dưỡng cho bé cân nhắc đến yếu tố cân bằng dinh dưỡng để phát triển sức khỏe và trí tuệ trong gian đoạn 0-3 tuổi.
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us