Đã từ lâu, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng và hệ quả từ các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu tại Việt Nam. Theo thống kê của viện Nghiên cứu Cơ khí, tỉ lệ nội địa hóa của các nhà máy nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu thì tỉ lệ này gần như bằng 0%.
Khi vào Việt Nam, các nhà thầu Trung Quốc “dắt díu” hàng ngàn công nhân sang làm việc và bao thầu “từ đầu đến chân”. Điều đáng nói là phần lớn nguồn nhân công này chưa hề được đào tạo bài bản về thi công nhà máy nhiệt điện, thậm chí có không ít công nhân vốn chỉ là… nông dân trước khi sang Việt Nam. Đó là chưa nói đến kinh nghiệm thực tế của các tổng thầu “made in China”…
Bu lông, ốc vít… đều “made in China”
Những công trình lớn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư mà doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu có thể kể đến như: Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1… Trong khi hàng loạt dự án “tỉ đô” rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc chưa rõ chất lượng đến đâu thì theo nhiều chuyên gia cái thiệt thòi trước mắt của Việt Nam chính là tỉ lệ nội địa hóa thiết bị gần như bằng 0%.
Mới đây, TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng viện Nghiên cứu Cơ khí đã đưa ra bảng thống kê về thực trạng các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu tại Việt Nam. Theo đó, ở các dự án nhà máy nhiệt điện mà Trung Quốc làm tổng thầu, tỉ lệ nội địa hóa bằng 0%. Con số này cũng tương tự với ngành công nghiệp nhiều “tai tiếng” về ô nhiễm môi trường như xi măng. Còn với các dự án bauxite mà Việt Nam đang làm hai nhà máy ở Tây Nguyên đều do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu, tỉ lệ nội địa hóa có khá hơn, nhưng cũng chỉ ở mức… 2%(!).
“Trong khi đó, theo công ty Hatch (của úc) chuyên về nhôm thì Việt Nam có đủ năng lực để thiết kế, chế tạo trong nước tới 50% thiết bị trong ngành này”, ông Sáng dẫn chứng. Bên cạnh đó, vị tiến sỹ đang công tác tại Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng cho hay, trong các chương trình phát triển nhà máy nhiệt điện, từ năm 2003-2025, Việt Nam đầu tư hàng chục tỉ USD tiền thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện. Về năng lực trong nước, chúng ta hoàn toàn có thể chế tạo được khoảng 18 tỉ USD cho các thiết bị này.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí cũng dẫn chứng thời ông làm nhiệt điện Phả Lại mở rộng (bắt đầu từ năm 1998), đối tác Nhật là thầu chính đã giao cho doanh nghiệp Việt Nam làm hầu hết kết cấu thép cho nhà máy này. Tuy nhiên khi Trung Quốc sang thì khác, đến cái bu lông họ cũng đem vào. Nếu doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu EPC thì các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn không có việc gì để làm.
Theo TS. Sáng, tỉ lệ nội địa hóa ở các nhà máy nhiệt điện do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu gần như bằng 0% (ảnh minh họa).
Nhân viên nấu ăn, quét rác cũng… “nhập khẩu”(!)
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, thực tế cho thấy, không chỉ dự án nhiệt điện mà nhiều dự án ở các ngành khác, nếu các doanh nghiệp, tập đoàn Trung Quốc làm tổng thầu thì hầu như các doanh nghiệp trong nước không được làm bất cứ công việc gì.
Điều này đồng nghĩa, tỉ lệ nội địa hóa từ các dự án bằng 0%. Đã rất nhiều lần Hiệp hội Năng lượng Việt Nam có văn bản yêu cầu các tổng thầu Trung Quốc phải cho các doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam tham gia vào các công việc như thiết kế băng truyền tải than, hệ thống thải xỉ, kết cấu thép… Bởi những công việc này các doanh nghiệp trong nước làm rất tốt, chất lượng không hề thua kém so với các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, các tổng thầu Trung Quốc vẫn phớt lờ. Mọi thiết bị từ máy móc đến chiếc ốc vít, thậm chí lao động phổ thông, nhân viên quét rác cũng được đem từ Trung Quốc sang. Đó là điều bất ổn. “Có những nơi, lao động Trung Quốc sống theo xóm, theo phố. Khi các nhà thầu Trung Quốc nhận thầu tại Việt Nam, họ tìm cách đưa bằng được người của họ sang. Lao động phổ thông trong nước thất nghiệp ngày càng cao, nhưng kiếm một chỗ làm ở các nhà thầu Trung Quốc là rất khó”, ông Ngãi tâm sự.
Ông Trần Viết Ngãi.
Cùng quan điểm, trao đổi với PV, một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về các dự án nhiệt điện (đề nghị giấu tên-PV) chia sẻ: “Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, phương án cơ sở của chúng ta có 52 công trình nhiệt điện than phải đưa vào vận hành với công suất lắp đặt lên đến 23.400 MW. Giai đoạn 2016-2025 có thêm 36 công trình nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt lên đến 80.600 MW được đưa vào vận hành.
Như vậy, đến 2025, chúng ta cần 88 nhà máy nhiệt điện than công suất 100 đến 1.200 MW với tổng công suất lắp đặt 106.000 MW, vốn đầu tư là 83 tỉ USD. Với con số khổng lồ như vậy nhưng hầu như chúng ta chưa có chiến lược cũng như biện pháp cụ thể để giành được 40-50% thị phần, nghĩa là nội địa hóa được 35-40 tỉ USD. Ai cũng có thể thấy, chỉ cần 50% khối lượng công việc từ các dự án nhiệt điện được các nhà thầu trong nước thực hiện thì sẽ góp phần đáng kể đến tăng trưởng GDP của cả nước hàng năm, đồng thời sẽ giảm được nhập siêu từ 35-40 tỉ USD”.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, các dự án nhiệt điện hiện nay do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện vai trò tổng thầu EPC thì 100% là người Trung Quốc thi công từ lao động phổ thông nhất như nấu ăn, vệ sinh máy móc, bảo vệ đến kỹ sư, công nhân xây dựng và lắp máy… Chưa dừng lại ở đó, kể cả những vật tư, vật liệu có sẵn tại thị trường Việt Nam cũng được nhập khẩu về. “Ngoài việc làm tổn hại về kinh tế, điều quan trọng hơn là tác động và hệ lụy của vấn đề trên đối với công ăn, việc làm của người lao động Việt Nam. Chỉ tính riêng lĩnh vực nhiệt điện, nếu chúng ta thực hiện được 50% con số 83 tỉ USD thì sẽ tạo được bao nhiêu việc làm cho các nhà máy cơ khí, công nhân, kỹ sư… Chúng ta thử hình dung, nếu lực lượng lao động này không có việc làm thì hệ lụy của nó thế nào, đó còn chưa nói đến tệ nạn xã hội sẽ xảy ra”, vị chuyên gia chia sẻ.
Bao thầu “từ A đến Z” Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong một năm vừa qua, giá trị thiết bị sản xuất trong nước được sử dụng trong các dự án đầu tư chỉ đạt khoảng hơn 16.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 18,6%. Các dự án do tổng thầu Trung Quốc thực hiện được họ bao thầu “từ đầu đến chân”, thậm chí mang cả lao động phổ thông vào Việt Nam, trong khi có rất nhiều hạng mục chúng ta có thể đảm nhận. Những “phố người Tàu” trên đất Việt Thực tế cho thấy, hầu như ở đâu có dự án nói chung, dự án nhà máy nhiệt điện nói riêng mà Trung Quốc làm tổng thầu cũng đều xuất hiện các “phố người Tàu” ở đó. Theo khảo sát của PV, trước đây, Hải Phòng và Quảng Ninh là những địa phương có những “phố Tàu” với bảng hiệu chữ Trung Quốc nhiều tới mức người ta đi qua cứ ngỡ là đã lạc vào một con phố trên đất Trung Quốc. Mới đây, tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mở rộng lần thứ 15 (ngày 2/4), trước nhiều ý kiến phản ánh về sự xuất hiện dày đặc các bảng hiệu của các khách sạn, nhà hàng, quầy lưu niệm, dịch vụ quảng cáo bằng chữ Trung Quốc ở Đà Nẵng, ông Trần Thọ – Bí thư Thành ủy đã cương quyết chỉ đạo xem xét và xử lý triệt để vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật. |
Văn Chương- Trần Quyết
2014-05-28 00:25:15
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/bat-thuong-nhung-du-an-tq-bao-thau-tu-dau-den-chan-a134138.html