Một trang mạng Pakistan mới đây đã đăng bài viết “khuyên” Việt Nam nên đưa vấn đề Biển Đông ra quốc tế trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.
Mới đây trang War is boring có bài “If Vietnam China showdown turn hot, here’s how it could go down” bình luận về tình hình căng thẳng trên Biển Đông sau việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bài viết sau đó được trang mạng quốc phòng Pakistan đăng lại.
Bài viết đã phân tích sự việc trong mối quan hệ với nhiều khía cạnh liên quan. Để độc giả hiểu biết thêm về góc nhìn của người nước ngoài đối với vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu một bản tạm dịch bài viết này. Các tít phụ cùng ảnh minh họa là của tòa soạn. Sau đây là nội dung bài viết:
Trước hết, diễn biến mới nhất của cuộc xung đột bắt đầu khi Haiyang Shiyou 981, một giàn khoan dầu thuộc sở hữu của Trung Quốc được đưa đến vị trí cách đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 180 dặm về phía Nam vào ngày 1/5. Hà Nội ban đầu cho rằng các giàn khoan chỉ đi qua khu đặc quyền kinh tế của mình và điều đó là hoàn toàn được phép theo công ước quốc tế.
Nhưng giàn khoan đã dừng lại trong sự ngạc nhiên của Việt Nam. Nhân viên bảo vệ bờ biển Việt Nam được đưa ra để chặn giàn khoan và yêu cầu nó rút khỏi vùng biển Việt Nam nhưng họ bị lực lượng bảo vệ giàn khoan Trung Quốc ngăn chặn.
Cả hai bên đều tố cáo bên kia đã đâm tàu của mình và gây thiệt hại. Tuy nhiên tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng phun vào tàu Việt Nam.
Theo báo cáo có hơn 100 tàu của cả hai bên vòng quanh giàn khoan dầu. Trong đó có khoảng 35 tàu Việt Nam so với hơn 90 tàu của Trung Quốc. Ít nhất một máy bay chiến đấu kiểu JH-7 của Hải quân Trung Quốc được phát hiện ở khu vực giàn khoan.
Tàu Trung Quốc hung hăng dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh minh họa.
Sự hung hăng của Trung Quốc
Gần như chắc chắn, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc sẽ có các hành động trước để chống lại Việt Nam.
Đặt trụ sở tại Trạm Giang trên bờ biển phía nam của Trung Quốc, Hạm đội Nam Hải hướng về Biển Đông và Đài Loan. Đây là lực lượng tấn công chính của quân đội Trung Quốc trong khu vực. Hạm đội này đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra chống cướp biển ở Vịnh Aden, và bổ sung thêm kinh nghiệm hoạt động đại dương.
Hạm đội Nam Hải có tổng số 29 chiến hạm. Con số này còn nhiều hơn toàn bộ tàu của Hải quân Hoàng gia Anh. Trong đó bao gồm 14 tàu hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc với 3 tàu khu trục phòng không kiểu 052, 8 tàu khu trục loại 054 và 3 tàu hộ tống loại 056.
Tàu khu trục phòng không Type 052 được xem là tàu khu trục tiên tiến nhất của Bắc Kinh và được mệnh danh là “tàu khu trục Aegis của Trung Quốc”. Tàu này trang bị hệ thống radar phát hiện tên lửa và máy bay tương tự hệ thống radar của tàu Arleigh Burke tàu khu trục tên lửa tiên tiến nhất của Mỹ.
Các tàu Trung Quốc bu bám ngăn chặn tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh minh họa.
Ngoài ra Hạm đội Nam Hải còn có trong biên chế 15 tàu loại cũ nhưng cũng được trang bị tên lửa chống hạm hiện đại loại YJ-82 và YJ-83.
Đặc biệt, Hạm đội Nam Hải cũng là lực lượng được trang bị tất cả các tàu đổ bộ mới nhất của Trung Quốc Type 071. Mỗi tàu đổ bộ này mang được 400 đến 800 lính cùng với trực thăng và thủy phi cơ.
Hồi tháng 3 vừa qua, cả ba tàu này đã tiến hành tập đổ bộ lên một hòn đảo nhỏ trong Biển Đông. Hai trong số 3 tàu này đã được báo cáo xuất hiện tại vùng đặt giàn khoan.
Ngoài ra, lực lượng Hải quân Trung Quốc còn được hỗ trợ của Không quân Trung Quốc từ đất liền.
Trực thuộc trong biên chế của Hạm đội Nam Hải có hai đơn vị không quân với tổng số 40 máy bay tiêm kích và ném bom như JH-7. Thêm vào đó lực lượng Không quân Trung Quốc có thể hỗ trợ thêm 300 máy bay cho Hạm đội Nam Hải từ những sân bay quân sự giáp biên giới Việt Trung.
Tuy nhiên không gian hạn chế trong khu vực và khó khăn hậu cần sẽ khiến cho Trung Quốc không thể sử dụng tất cả số lượng máy bay đó cùng một lúc.
Chiến thuật “chống xâm nhập”
Việt Nam cũng đã chuẩn bị cho mình các loại kịch bản. Chi tiêu quốc phòng của Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ năm 2004. Việt Nam gần đây đã đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng vũ trang, trong đó ưu tiên Không quân và Hải quân. Với chi tiêu quốc phòng chỉ bằng 1/60 Trung Quốc, Hà Nội chọn mua các phương tiện để thực hiện chiến lược “chống xâm nhập”. Chiến lược khéo léo này khiến cho nhiều vùng Biển Đông trở nên không dễ xâm nhập với tàu chiến Trung Quốc.
Máy bay Su-30Mk2 của Việt Nam mua từ Nga. Ảnh minh họa.
Một phần quan trọng của chiến lược mới này liên quan đến việc Việt Nam xây dựng lực lượng tàu ngầm của mình. Trong năm 2009, Việt Nam đã ký thỏa thuận mua 6 tàu ngầm lớp Kilo cải tiến của Nga. Những tàu này đều tương tự các tàu ngầm mà Trung Quốc đã mua từ Nga trong những năm 1990 nhưng có cải tiến.
Tàu HQ-182 Hà Nội hiện đã phục vụ trong hải quân Việt Nam. 5 chiếc còn lại đang trong quá trình thử nghiệm hoặc đang được đóng (Hiện đã có 2 tàu ngầm được đưa vào biên chế Hải quân Việt Nam, có lẽ tác giả bài viết chưa cập nhật – chú thích của người dịch) Sau nhiều thập kỷ dựa vào các tàu cũ của Liên Xô và Mỹ, Việt Nam cuối cùng đã đầu tư vào các tàu khu trục và tàu hộ tống mới. Hải quân nhân dân Việt Nam đã nhận hai tàu khu trục Gepard-class của Nga trong năm 2011. Tàu có trọng tải đầy đủ gần 2.000 tấn với trang bị 8 tên lửa chống hạm SS-N-25 Switchblade. Các tàu Gepard là những chiến hạm được tối ưu hóa cho tác chiến chống hạm. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đặt hàng 2 chiếc tàu hộ tống Sigma hiện đại của Hà Lan, nhưng hiện chưa được giao hàng.
Lực lượng Không quân của Hà Nội cũng là một phần của chiến lược chống xâm nhập. Việt Nam hiện có 12 chiếc Su-27 cùng với 36 Su-30 mua từ Nga cho nhiệm vụ tác chiến trên không. Một lần nữa những chiếc máy bay kiểu này cũng có trong kho vũ khí của Trung Quốc.
Các máy bay Sukhoi của Việt Nam sẽ cố gắng để duy trì ưu thế trên không nhưng Việt Nam không có nhiều máy bay đi xung quanh. Phần còn lại của Không quân nhân dân bao gồm 38 máy bay Su-22 máy bay tấn công mặt đất và 144 máy bay MiG-21Bis máy bay chiến đấu, cả hai đều thuộc phiên bản cổ điển của những năm 1980.
Những máy bay này có thể được sử dụng để tấn công các tàu hải quân Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp, nhưng các tàu khu trục phòng không 052C và O52D của Hạm đội Nam Hải sẽ là một cản trở lớn cho họ.
Xung đột vũ trang có xảy ra?
Liệu một cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông có thực sự xảy ra? Có thể, nhưng có một vài biến chứng.
Cuộc đối đầu mới nhất thực sự là rất nguy hiểm. Thời gian này, Trung Quốc đang tiến hành một phương pháp tiếp cận đối đầu bất thường với Việt Nam. Mấy năm nay, Trung Quốc và Nhật Bản đã và đang tranh chấp với nhau tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) nhưng cuộc đối đầu tương đối nhẹ. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đã sử dụng vòi rồng, nhưng chưa xuất hiện các nhân viên mặc đồng phục quân sự của Trung Quốc trong hình ảnh.
Cho nên hành động lần này Trung Quốc đang nỗ lực để tạo ra một hiện trạng mới trong khu vực bất chấp phản ứng của các nước xung quanh.
Hiện tại phần lớn các tàu của Hà Nội mới mua gần đây vẫn còn đang được đóng trong nhà máy và những lực lượng của họ không đông đảo bằng Hạm đội Nam Hải.
Đặt cược tốt nhất của Việt Nam là lựa chọn hợp pháp, nộp đơn khiếu nại với Tòa án Quốc tế về Luật biển về sự xâm nhập của Trung Quốc trong vùng EEZ (đặc quyền kinh tế) của mình. Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc hồi đầu năm nay liên quan đến Biển Đông. Tất nhiên, Trung Quốc đã bỏ qua yêu cầu của Philippines, và nhiều khả năng sẽ bỏ qua đơn kiện của Việt Nam.
Nhưng nếu Trung Quốc bỏ qua bất kỳ quyết định pháp lý nào chống lại nó và sẽ để giàn khoan lại Việt Nam thì sao?
Trong một vài năm, Việt Nam sẽ có hạm đội tàu ngầm tốt nhất ở Đông Nam Á. Và, sau khi không còn con đường nào khác để giải quyết tranh chấp thì người Việt sẽ buộc phải sử dụng đến nó.
Trần Vũ
2014-05-28 00:08:27
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/pakistan-hien-ke-giai-quyet-tinh-hinh-bien-dong-cho-viet-nam-a134129.html