Vì sao Sacombank sợ Bitcoin?
Monday, March 10, 2014 19:06
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cấm các “tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán. Trên cổng thông tin của NHNN cũng có lời cảnh báo sử dụng đồng tiền ảo tại Việt Nam là “phạm pháp” và khuyên Nhà đầu tư cẩn thận.
Thật ra, chưa cần đến NHNN cấm, các tổ chức tín dụng của Việt Nam có lẽ cũng rất muốn nói không với loại tiền ảo này. Bởi nếu chấp nhận, ảnh hưởng của Bitcoin (BTC) tới các dịch vụ ngân hàng có thể thấy rất rõ.
Thử đơn cử với dịch vụ kiều hối. Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Năm 2013 tổng số tiền mà người (gốc) Việt sống và làm việc ở nước ngoài gửi về Việt Nam là 11 tỉ USD.
Lượng kiều hối đổ về mỗi năm một tăng khiến nhiều ngân hàng tại Việt Nam như Sacombank, Đông Á Bank lập hẳn những công ty kiều hối riêng để phục vụ cho việc nhận tiền từ nước ngoài. Năm 2013, doanh số kiều hối qua hai ngân hàng này lần lượt đạt 1,7 và 1,6 tỷ đôla, dẫn đầu thị trường. Doanh số chuyển qua Agribank, Vietcombank và Vietinbank cũng xoay quanh ngưỡng 1,3 tỷ đôla.
Theo tiết lộ của Chủ tịch Sacombank Phạm Hữu Phú, mảng kiều hối năm vừa qua đem về 15 tỷ đồng lãi trước thuế trong khi vốn điều lệ cũng chỉ vỏn vẹn 15 tỷ đồng.
Phí chuyển kiều hối về Việt Nam hiện rất cao.
Phí thường được chia làm hai: một phần do các công ty chuyển tiền quốc tế như Money Gram thu, phần còn lại là do ngân hàng trong nước thu.
Chẳng hạn, nếu gửi 1.000 USD từ Mỹ về Việt Nam bằng Money Gram sẽ mất 16 USD tiền phí.
Với hình thức gửi qua chuyển khoản ngân hàng thì sẽ phải chịu hai khoản phí: phí của ngân hàng gửi ở nước ngoài và phí của ngân hàng nhận ở Việt Nam. Ví dụ như gửi 1.000 USD với Wells Fargo thì sẽ mất 11 USD và sau đó sẽ phải chịu thêm phí báo có và phí rút USD của ngân hàng trong nước.
Trong khi đó, nếu chuyển tiền bằng Bitcoin, chi phí sẽ cực thấp.
Theo phân tích ông Dương Ngọc Thái, một chuyên gia công nghệ tại Google trên blog cá nhân, nếu gửi bằng Bitcoin (BTC) thì trong đa số trường hợp phí sẽ chưa đến 1 USD. Với công thức tính phí hiện tại thì có gửi 1 triệu USD mức phí cũng sẽ chỉ vài chục xu, dẫu gửi từ bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Ngoài ra, một cách để giảm thiểu thiệt hại là chỉ dùng mạng Bitcoin để chuyển tiền. Lúc này mạng Bitcoin đóng vai trò tương tự như các hệ thống thanh toán bù trừ (clearing house) hoặc là các mạng chuyển tiền liên ngân hàng như SWIFT, với thời gian thực thi giao dịch ngắn hơn và chi phí thấp hơn rất nhiều.
Dễ thấy, nếu 11 tỉ USD kiều hối năm 2013 đều được gửi bằng BTC, thì Việt Nam đã tiết kiệm cả trăm triệu USD tiền phí. Người gửi mua BTC ở nước ngoài và gửi trực tiếp cho người nhận trong nước. Người nhận dùng BTC để mua hàng trực tiếp hoặc có thể đổi BTC ra VND hoặc USD qua các ngân hàng và các sàn giao dịch.
Người gửi dùng USD để mua BTC, BTC được chuyển qua mạng Bitcoin đến người nhận, người nhận bán BTC để nhận USD ngay lập tức. Hiện tại nếu đã có sẵn tài khoản thì thời gian để thực thi toàn bộ chuỗi giao dịch này tối thiểu là vài phút và tối đa là một giờ.
Khỏi phải nói thì cũng biết điều này ảnh hưởng tới các ngân hàng như thế nào. Hiện tại, cứ tới cuối năm là hàng loạt các ngân hàng tại Việt Nam đều cạnh tranh nhau từng xu tiền phí, cho đến những chiêu khuyến mãi để thu hút người gửi tiền. Vậy mà giờ đây đồng tiền ảo lại có thể giúp người gửi chỉ tốn vài xu, lại có thể giao dịch được ở bất cứ đâu, hẳn là những công ty kiều hối của Sacombank hay Đông Á “không thích điều này”. Kể cả trước khi có BTC, ngân hàng vốn đã phải đau đầu với những kênh chuyển tiền phi chính thức, chuyền tiền qua tay.
Mặc dù vậy, lợi điểm của BTC không phải tuyệt đối. Vẫn còn đó nhược điểm chết người của một đồng tiền “ảo” không được ai bảo đảm: Tỉ giá BTC/USD có thể trồi sụt với một biên độ chóng mặt. Chẳng ai muốn gửi 1000 USD bằng BTC rồi sau đó nhận về 500 USD cả. Tất nhiên, mọi việc cũng có thể diễn ra ngược lại, nhưng sự bất ổn quá lớn của BTC đủ khiến người sử dụng “run tay”.
Thứ nữa, Nhà nước sẽ không kiểm soát và ngăn chặn được các trường hợp rửa tiền qua con đường kiều hối.
Tuy nhiên, với một công cụ thanh toán mang tính đột phá như BTC, thay vì cấm triệt để, Việt Nam nên tìm cách phát huy tối đa lợi điểm của đồng tiền này, nhất là khi ngày càng có nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Canada, Nhật chấp nhận nó.
Hoàng Vân
Theo Trí Thức Trẻ
2014-03-10 18:00:49
Nguồn: http://biz.cafef.vn/thi-truong/vi-sao-sacombank-so-bitcoin-2014031011103381319ca101.chn