¨Vào ngày 3/9/1975, lúc 6 giờ 28 phút 32 giây, một con nhặng xanh đập cánh 14.670 lần trước khi hạ xuống đường St Vincent, Montmatre. Trong khi đó, một ngọn gió kì diệu khiến 2 chiếc cốc nhảy múa trên bàn tại một nhà hàng gần đấy.
Ở căn hộ tầng 5, 28 Avenue Trudaine, quận 9 Paris, sau khi trở về từ đám tang, ông Eugene Colere lặng lẽ xóa tên người bạn thân khỏi cuốn sổ địa chỉ. Cùng lúc, một tinh trùng nhiễm sắc thể X của ông Raphael Poulain đã đậu lại trên trứng của vợ ông – Amandine. 9 tháng sau, Amelie Poulain ra đời¨
Đó là cách Jean-Pierre Jaunet bắt đầu câu chuyện thú vị của mình. Lời người dẫn chuyện gấp gáp trên nền nhạc nhộn nhịp, kèm theo tiếng xe chạy ào ào trên Montmatre, xen khoảng lặng tại Trudaine làm khúc mở đầu phim trở nên kịch tích. Chỉ trong 1 phút, bộ phim bao quát hết sự đồng thời của thế giới. Lời dẫn giống như một truyện ngắn, cô đọng, súc tích mà giàu chất biểu cảm, gây sự tò mò cho người xem.
Cô bé sinh ra từ hàng nghìn cái đập cánh của con nhặng xanh ấy sẽ có cuộc đời thú vị thế nào?
Le fabuleux destin d’Amélie Poulain đã, đang và mãi là niềm tự hào của điện ảnh Pháp, dù chưa từng chạm chân tới nhà hát Kodak, trong khi những người anh em La vie en rose hay The Artist đều đã cầm được tương vàng. Có lẽ giống Shawrank Redemption, bộ phim này có thể là gọi kẻ thất bại vĩ đại nhất với chỉ số IMDB 8.5 cao ngất ngưởng. Hiếm có ai xem bộ phim này chỉ một lần, bởi đã xem người ta sẽ xem đi xem lại, để tìm cho được câu trả lời cho mình, cũng giống như cách họ đọc truyện của Murakami.
Năm nay Oscar 86 vinh danh Bộ phim nói tiếng nước ngoài hay nhất cho La grande bellezza (The great beauty) vì thể hiện được trọn vẹn Vẻ đẹp Ý với những xa hoa, phù phiếm nhưng giàu nghệ thuật.
Năm 1999 American Beauty của Sam Mendes tạo tiếng vang với vẻ đẹp Mỹ đơn giản trong cuộc sống hàng ngày: mâu thuẫn gia đình, ham muốn tình dục, vẻ đẹp của những cô nàng tóc vàng, thiếu niên nổi loạn, đồng tính, súng ống. Thì 2001, người ta phải ngả mũ trước vẻ đẹp Pháp trong Le fabuleux destin d’Amélie Poulain: Vẻ đẹp của sự lãng mạn, kì quặc, hóm hỉnh, bốc đồng, và ngẫu nhiên.
Đó cũng là những gì họ dùng để miêu tả cô nàng Amélie Poulain, hoặc Audery Tautou, linh hồn của bộ phim ấy.
Cũng giống như cách bắt đầu, cả bộ phim là chuỗi những câu chuyện có phần kì lạ. Cách Jean-Pierre Jaunet kể về cha mẹ của Amélie không đơn thuần chỉ ở hình dáng mà ông nói về những sở thích cũng như những nỗi sợ khác người của họ. Chỉ qua những lời giới thiệu giản đơn, người xem hình dung được rõ nét về tính cách của nhân vật và dường như cũng thấy mình trong đó.
Con người dù là bình thường nhất cũng có những sở thích hoặc thói quen bất thường mà họ hiếm khi nhận ra, như ghét những ngón tay nhăn nheo khi tắm, thích lao chùi sạch sẽ hộp đồ nghề, ghét người khác chạm vào bản thân mình… Cuộc đời của mỗi con người cũng vậy, đó là tổng hợp của nhiều quá trình, nhiều mẩu chuyện, không hề đơn giản, thậm chí khi kể ra lại thấy có phần kì quặc. Cuộc đời của Amelie Poulain cũng thế, kì lạ nhưng xem thì khán giả lại chẳng thấy kì lạ chút nào.
Bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc, hóm hỉnh, Jean-Pierre Jaunet dẫn dắt người xem đi qua nhiều thời điểm của của đời Amélie một cách mượt mà. Người xem hình dung được một cô bé có tuổi thơ khó khăn: mẹ dạy học tại nhà, chơi một mình, không có bạn, mẹ mất, bố đắm chìm trong thế giới khác, thành thiếu nữ, ra đi. Tất cả diễn ra rất nhanh, không bi lụy, thậm chí người xem không thấy cô bé ấy gần như không phải chịu đựng gì, cô ấy cũng bình thường như bao cô bé khác.
Bởi lẽ Amélie là người rất lạc quan, sống động, lém lỉnh. Với đôi mắt to tròn thông minh, mái tóc cắt ngố, quần áo giản đơn, Audrey Tautou đích thực là một Amélie, không thể là ai khác được. Vai diễn không có nhiều lời thoại này được Audrey dùng những cái liếc mắt, mím miệng rất duyên thể hiện xuất sắc.
Thật sự bộ phim chỉ bắt đầu khi Audrey xuất hiện. Audrey hay Amélie giờ là một cô gái trẻ, sống một mình tại căn hộ gần đồi Montmatre. Hàng ngày cô đi làm ở quán café de 2 moulins, tối về nấu mì, nhòm trộm ông họa sĩ già bị bệnh xương thủy tinh ở tầng dưới, khi rảnh cô ra kênh Saint Martin ném đá trên mặt nước, hoặc lên Montmatre nhìn xuống Paris rồi tự hỏi ¨Lúc này có bao nhiêu cặp đang làm tình?¨.
Có lẽ hơn ai khác, Amélie là người cảm nhận được sự đồng thời của vũ trụ. Cô luôn ý thức được cùng thời điểm mình đang ăn cơm, người khác đang tắm hoặc ngủ. Thật kì lạ, một đứa bé chỉ biết chơi một mình lại có sự quan tâm và quan sát thế giới sâu sắc thế. Vũ trụ có sự vận hành bí mật của nó và Amélie muốn hiểu nó, cũng như hầu hết mọi người.
Khi công nương Diana bị tai nạn cũng là cũng cuộc đời Amélie thay đổi. Cô tìm thấy một chiếc hộp đựng những thứ đồ chơi trẻ con, cô tin chắc nó là kho báu của một chú bé nào đó. Công cuộc đi tìm người chủ bắt đầu. Nhìn khuôn mặt vui sướng của chú bé giờ đã là ông già tóc bạc, Amélie quyết định hiến dâng cuộc đời mình vào việc thay đổi cuộc đời người khác.
Cô kết bạn với ông họa sĩ bị xương thủy tinh suốt ngày ở nhà. Cô tạo lập cặp đôi cho bà dì cáu kỉnh bán vé số. Cô ăn trộm chú lùn sứ trong khu vườn nhà, gửi nó đi chu du, để ông bố không còn ru rú trong thị trấn nhỏ. Những hành động dễ thương ấy làm Amélie vui thích, để rồi cuối cùng cô nhận ra là đã không có thời gian cho cuộc sống chính mình. Cô cũng phải làm nó tốt đẹp, chứ đơn giản là ngồi ngoài quan sát, như cô gái uống trà trong bức tranh Bữa ăn trưa trên thuyền của Renoir.
Đó cũng là lúc cô tình cờ gặp Nino. Anh chàng này có sở thích kì dị là lượm ảnh thẻ mọi người để lại ở các bốt chụp ảnh. Amélie thấy điều đó quá thú vị nên đã chơi trò đuổi bắt với Nino khắp Paris. Cảnh Paris hiện lên tuyệt đẹp: Montmatre, kênh Saint Martin, đường Moufftard, những góc nhỏ lát đá, trên nền nhạc du dương của Yann Tiersen. Những ai chưa đến Paris sẽ yêu thành phố này, những ai từng sống ở đây sẽ muốn quay lại ngay, còn những kẻ đang sống sẽ muốn ra đường để tận hưởng.
Nếu bộ phim có hơi khó xem, hãy xem lại, bạn sẽ thấy nó tuyệt vời thế nào.
Thông tin phim: Le fabuleux destin d’Amélie Poulain Đạo diễn: Jean-Pierre Jaunet Diễn viên: Audrey Tautou, Mathieu Kassovitz IMDB: 8.5/10 |