(Xã hội) – Dư luận đang dấy lên luồng ý kiến, bác sỹ Tường đã dùng một loại thuốc làm phân huỷ xác nhanh hơn và không thể tìm được xác nạn nhân.
Đã gần 20 ngày tích cực tìm kiếm, cơ quan chức năng và gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh H. vẫn chưa tìm thấy thi thể người phụ nữ xấu số này. Trong dư luận đang dấy lên luồng ý kiến, bác sỹ Tường đã dùng một loại thuốc (chỉ trong ngành Y mới biết) giúp quá trình phi tang xác tại sông Hồng không thể nổi lên được, thậm chí làm phân huỷ xác nhanh hơn và với sự hỗ trợ của loại thuốc đặc biệt thì việc tìm kiếm gần như là không thể?
Thậm chí có nghi vấn cho rằng, nạn nhân đã bị thủ tiêu và phi tang bằng cách khác, ở địa điểm khác bằng sự tính toán kỹ lưỡng và man rợ, tàn độc của gã “bác sỹ đồ tể” này (?).
Tường đã chỉ đạo thu dọn hiện trường như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, PV đã tìm hiểu thông tin mà báo chí đăng tải về lời khai của bác sỹ Tường tính đến thời điểm ngày 30/10. Theo đó, bác sỹ Tường vẫn một mực khẳng định rằng, anh ta đưa xác chị H. đến cầu Thanh Trì, rồi vứt xuống sông Hồng. Tường cũng khai nhận, không hề buộc thêm vật nặng gì vào xác nạn nhân.
Đào Quang Khánh với vết trầy xước trên mặt khiến nhiều người đặt dấu hỏi nghi vấn. |
Nhiều người cũng cho rằng, cầu Thanh Trì lúc nào cũng có người qua lại, ngay cả ban đêm, xe cộ đi lại rất nhiều, cho nên nếu bác sỹ Tường và đồng phạm khiêng, kéo rê xác nạn nhân từ trên xe ô tô xuống và bê lên lan can cầu vứt xuống sông, sẽ rất dễ bị người đi đường phát hiện. Do vậy, chưa chắc Tường đã chọn nơi này để phi tang xác chị H.. Tuy nhiên, phía công an Hà Nội vẫn nhận định, khả năng lớn nhất vẫn là thả xác xuống sông bởi ngoài lời khai của nghi can Tường còn có những bằng chứng, chứng cứ khác.
Công an Hà Nội cũng cho biết, sẽ tiếp tục tìm kiếm xác nạn nhân H. bằng mọi giá để làm rõ trắng đen. Từ trước đến nay, chưa có vụ án nào nạn nhân bị phi tang xác mà cơ quan điều tra không tìm thấy thi thể. Hiện, vẫn có 10 thợ lặn liên tục tìm kiếm xác nạn nhân dọc sông Hồng đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Yên Lệnh (Hưng Yên). Ở trên bờ, luôn có lực lượng pháp y túc trực, để nếu tìm thấy thi thể sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi kịp thời, nhằm làm rõ vụ án. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng chia thành nhiều tốp, mỗi tốp khoảng 2 – 3 người, đi dọc ven sông Hồng, địa phận thuộc các tỉnh lân cận TP.Hà Nội và để lại số điện thoại để người dân nếu phát hiện xác thì báo lại.
Đối với vết trầy xước lớn trên mặt đối tượng Đào Quang Khánh (bảo vệ TMV Cát Tường, kẻ giúp sức cho bác sỹ Tường phi tang xác) khi mới bị bắt giữ tại cơ quan điều tra, dư luận cũng đặt dấu hỏi nghi vấn bất thường. Lý giải về điều này, cơ quan điều tra cho biết, Khánh bị tai nạn giao thông trước khi bị bắt giữ khoảng gần 1 tháng.
Theo một nguồn tin riêng, ngay hôm xảy ra sự việc chị H. bị tử vong tại TMV Cát Tường, các nữ nhân viên làm việc tại đây đã tỏ ra vô cùng hoảng sợ. Có người về nhà đem câu chuyện trên kể lại cho người thân để mong nhận được lời khuyên. Có người lại chọn thời điểm vào lúc 1h sáng ngày 22/10 tìm đến cơ quan công an khai nhận. Hầu hết trong số họ đều khai rằng, lúc bác sỹ Tường chỉ đạo thu dọn hiện trường, cất giấu sổ sách, máy tính, dụng cụ khám chữa bệnh, các loại thuốc… thì họ hầu như chỉ làm theo như một cái máy và ai cũng cảm thấy hoảng sợ vô cùng.
Bác sỹ Tường tại cơ quan điều tra. |
Lời khai che giấu tội ác khác khủng khiếp hơn?
Mấy ngày qua, trong dư luận dấy lên luồng ý kiến, bác sỹ Tường đã dùng một loại thuốc (chỉ trong ngành Y mới biết) giúp quá trình phi tang xác tại sông Hồng không thể nổi lên được, thâm chí làm phân huỷ xác nhanh hơn và với sự hỗ trợ của loại thuốc đặc biệt thì việc tìm kiếm gần như là không thể? Bác sỹ Tường sẽ tính toán kỹ đến bao giờ thì xác sẽ nổi và nổi khi đó thì không còn dấu vết nữa. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi này đến các bác sỹ tại một số bệnh viện lớn, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: “Chắc chắn là không có một loại thuốc nào có thể làm xác không nổi. Có thể vì dư luận quá bức xúc trước việc xác của nạn nhân quá lâu ngày không được tìm thấy nên đã đặt ra những nghi vấn như vậy”.
Như Nguoiduatin.vn đã đưa tin, cũng có luồng ý kiến đặt ra nghi án bác sỹ Tường rạch bụng nạn nhân dẫn đến việc xác không thể nổi lên được. Với luồng dư luận này, khi PV đặt câu hỏi, một chuyên gia pháp y cho biết: “Rạch bụng và rạch cơ là một thủ thuật làm cho người chết bị ném xuống sông không thể nổi”. Vị chuyên gia này cũng khẳng định không có bất kỳ loại thuốc nào có thể “tiếp tay” cho bác sỹ che giấu hành vi phạm tội của mình.
Theo quan điểm của bác sỹ Trần Thiết Sơn, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), nếu làm đúng kỹ thuật thì nâng ngực bằng mỡ tự thân không phải rạch bụng ra, chỉ làm 2 hoặc 3 lỗ nhỏ rồi đưa que hút vào bên trong thành bụng, tiến hành hút. Sau khi phẫu thuật xong thì sẽ tiến hành khâu hết các lỗ đó lại, nên cơ thể không thể có lỗ hở được. Còn khi được hỏi liệu bệnh nhân phẫu thuật xong mà tử vong rơi xuống nước có nổi lên được hay không thì ông từ chối không bình luận.
Xung quanh những hồ nghi về việc bác sỹ Tường dùng thủ thuật ném xác nạn nhân, nhiều độc giả cho rằng bác sỹ Tường đã rất tinh vi khi đánh lạc hướng cơ quan điều tra và dư luận. Thậm chí, theo một độc giả, cần lường đến tình huống Tường là một bác sỹ chuyên khoa ngoại có tay nghề khá giỏi, làm trong bệnh viện Bạch Mai và có thể đã phi tang nạn nhân theo cách khác?!
Liên quan đến luồng dư luận cho rằng bác sỹ Tường phi tang xác nhân tương tự như Nguyễn Đức Nghĩa, kẻ đã ra tay sát hại người yêu rồi xẻ xác nạn nhân phi tang gây chấn động dư luận vài năm trước. LS. Nguyễn Thế Truyền- giám đốc Công ty luật Hợp danh Thiên Thanh cho rằng: “Nguyễn Đức Nghĩa đã bị TAND TP.Hà Nội và TAND Tối cao tuyên án tử hình với hành vi giết người có tính chất man rợ cho dù quan điểm luật sư bào chữa cho Nguyễn Đức Nghĩa là có giết người, nhưng không có tính chất man rợ mà chỉ là phi tang man rợ. Nếu trong trường hợp chị H. chết không phải do sơ suất trong phẫu thuật mà đó là do hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của ông Tường, và với hành vi ném xác xuống sông để phi tang thì cũng có thể coi là có tính chất man rợ, và hậu quả pháp lý mà ông Tường phải chịu có thể giống như Nguyễn Đức Nghĩa. Tức là phải chịu hình phạt cao nhất là loại ra khỏi đời sống xã hội như chúng ta đã thấy”.
Dàn dựng kịch bản hay sự “ngu ngốc” nhất thời?
Những ngày qua, hàng chục km sông đã được “bới” tung lên với rất nhiều những biện pháp khác nhau, từ lặn xuống mò đáy sông, dò sào, dò lưỡi câu cho đến ngoại cảm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, xác chị H. vẫn bặt vô âm tín. Sau nhiều ngày không tìm thấy xác nạn nhân, sự bức xúc của người dân lại càng nhân lên. Dư luận cho rằng, hành vi ném xác nạn nhân xuống sông (trong tình huống ném thật) của bác sỹ Tường không phải hành vi bộc phát mà có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đối phó với cơ quan bảo vệ pháp luật, thậm chí là có sự tư vấn về mặt pháp luật nhằm giảm nhẹ tội?.
Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, LS. Phạm Văn Phất (đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: “Dư luận có quyền lên án đối với các hành vi trái đạo đức xã hội, mất nhân tính. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, theo tôi, đối với bất cứ vụ án nào, đặc biệt là các vụ án còn đang trong giai đoạn điều tra, chúng ta cần tránh cả hai xu hướng: Cáo buộc, áp đặt cho nghi can những tình tiết phạm tội theo đánh giá chủ quan của mình, hay xu hướng biện minh, gỡ tội cho nghi can. Việc đánh giá hành vi của một người nào đó có phải là hành vi bộc phát hay có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cần phải dựa trên các tình tiết khách quan của vụ án đã được xác định chứ không nên chỉ dựa vào lời khai của nghi phạm. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thể đặt ra các giả thuyết khác nhau để định hướng cho việc điều tra. Khi kết quả của hoạt động điều tra chưa được kết luận thì ý kiến nêu trên cũng chỉ là một giả thuyết. Tôi nghĩ là không có người bình thường nào lại tư vấn cho bác sỹ Tường việc phi tang xác nạn nhân”.
Trao đổi với PV, LS. Truyền phân tích: “Có hay không việc vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng?. Đã hơn 10 ngày kể từ ngày xảy ra vụ việc mà chúng ta vẫn chưa tìm thấy xác của nạn nhân nên việc nhiều người đặt câu hỏi là liệu bác sỹ Tường có ném xác xuống sông hay không là có cơ sở. Cơ quan điều tra có cần lấy lại lời khai từ đối tượng Tường, nhân chứng để xác định chính xác có việc ném xác xuống sông Hồng hay không? Hay đấy chỉ là hành vi đánh lạc hướng điều tra của bác sỹ Tường. Theo quan điểm của tôi thì mọi chuyện đều có thể”.
“Nếu không tìm thấy xác của nạn nhân thì việc khám nghiệm tử thi sẽ không thực hiện được, sẽ khó xác định được chắc chắn nguyên gây ra cái chết cho nạn nhân từ đó gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Nếu thực sự không tìm thấy xác, thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào lời khai của bị cáo, người có liên quan để định tội danh” – LS. Truyền phân tích.
Phân tích tâm lý tội phạm của bác sỹ Tường Trả lời báo chí, thượng tá Nguyễn Đức Hưởng, tổ trưởng tổ Bộ môn tâm lý Học viện An ninh Nhân dân cho hay: “Khi chị H. đã bị biến chứng nặng, có nguy cơ tử vong, nếu bác sỹTường đưa vào bệnh viện cấp cứu thì có khác gì việc tự tố cáo mình là người gây ra tai biến đó. Tâm lý sợ trách nhiệm cũng là một trong những lý do khiến Tường không đưa chị H. vào bệnh viện cấp cứu. Còn động cơ dẫn đến hành vi phi tang, vứt xác chị H. xuống sông Hồng của Tường là gì? Đó chính là muốn trốn tránh trách nhiệm hình sự, che giấu hành vi phạm tội vô ý giết người của bản thân trước đó”. |
2013-11-07 00:46:18
Nguồn: http://phunutoday.vn/xa-hoi/bac-si-tuong-da-dung-thuoc-lam-tan-xac-34989.html