Cuối tháng 4/2013, theo nguồn tin của một số hãng thông tấn quốc tế, nước Mỹ đã bị sốc trước thông tin cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam John Hartley Robertson, người được cho là đã chết năm 1968, vừa được phát hiện vẫn sống ở vùng núi miền Trung Việt Nam.
Số phận của cựu binh đặc nhiệm Mỹ này được tái hiện trong bộ phim tài liệu Unclaimed (Vô thừa nhận) của nhà làm phim nổi tiếng Michel Jorgensen chính thức công chiếu từ ngày 30/4 tại Mỹ và Canada, và trong những ngày đầu tiên đã thực sự gây sốc cho dư luận.
Những uẩn khúc từ bộ phim “Vô thừa nhận”
Bộ phim Unclaimed – Vô thừa nhận của đạo diễn từng đoạt giải Emmy Michael Jorgensen được công chiếu lần đầu tại liên hoan phim tài liệu Hot Docs lần thứ 20 ở Toronto (Canada) vào ngày 30/4. Jorgensen tin rằng các khán giả ở Mỹ sẽ phải choáng váng khi xem bộ phim Unclaimed tại liên hoan phim G.I. ở Thủ đô Washington vào tháng 5.
Người đàn ông tự nhận là cựu binh Mỹ Robertson (bìa trái).
Theo thông tin trên báo chí Mỹ, Canada, nhà làm phim Michael Jorgensen đã phát hiện cựu binh Robertson, năm nay đã 76 tuổi, đang sống trong một ngôi làng nhỏ ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Robertson sinh tại Alabama, gia nhập lực lượng đặc nhiệm Mũ nồi xanh Mỹ và máy bay của anh bị bắn rơi tại vùng biên giới Lào năm 1968. Theo lời kể của cựu binh Robertson, khi chiếc trực thăng của ông ta lao xuống đất tại vùng núi ở Lào, ông ta bị bộ đội bắc Việt Nam bắt giữ. “Họ giam tôi lại, trong một chiếc lồng sắt trong rừng. Tôi bị ngất lên ngất xuống vì tra tấn và bị bỏ đói. Họ đánh tôi ngày càng nhiều, và tôi nghĩ mình đã chết. Tôi không khai điều gì, dù họ đánh đập và tra tấn tôi”. Rồi Robertson kể rằng ông ta trốn thoát vào rừng 4 năm sau đó, rồi được một người phụ nữ tìm thấy trên cánh đồng. Người phụ nữ này đã chăm sóc rồi sau đó trở thành vợ ông ta. Ông ta lấy họ và ngày sinh của người chồng quá cố của vợ rồi đăng ký là người Việt gốc Pháp với tên Dang Tan Ngoc. Sau đó, người đàn ông này có con với vợ Việt Nam và không liên lạc gì với vợ con ở Mỹ. Ông hiện sống tại một ngôi làng ở Nam Trung bộ. Cựu binh 76 tuổi này hiện chỉ có thể nói được tiếng Việt. Theo nhà làm phim Jorgensen, cựu binh Robertson do sống quá lâu ở vùng núi Việt Nam nên không thể nói được tiếng Anh, nhưng vẫn nhớ ngày sinh của mình, nhớ tên vợ con mình ở Mỹ (?!).
Bộ phim tài liệu được dựng theo đề nghị của cựu chiến binh Tom Faunce. Faunce lần đầu nghe về người đàn ông này trong chuyến đi từ thiện tới Việt Nam năm 2008. Nhà làm phim Jorgensen không thấy thuyết phục lắm về câu chuyện, mà chỉ hứng thú với hành trình Faunce với tư cách cựu chiến binh, một người nghiện rượu và là nạn nhân của tình trạng lạm dụng trẻ em. Trong phim, cựu binh Robertson cho biết ông bị bộ đội Việt Nam bắt giữ sau khi máy bay rơi, rồi được trả tự do và kết hôn, có con với nữ y tá người Việt đã chăm sóc mình. Bộ phim tài liệu Unclaimed bắt đầu với câu chuyện một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là Tom Faunce, trong chuyến cứu trợ thiên tai tới Đông Nam Á cách đây nhiều năm (2008) đã tình cờ phát hiện ra Robertson.
Phát biểu trên báo chí Canada, nhà làm phim Jorgensen thừa nhận chính mình cũng hoài nghi khi cựu binh Tom Faunce năm 2012 tìm đến gặp mình và kể câu chuyện tình cờ gặp một cựu binh Mỹ khác tưởng đã chết, nhưng hiện vẫn còn sống ở Việt Nam là Robertson. Tuy nhiên, nhà làm phim này đã tin sau khi trực tiếp sang Việt Nam để gặp người được cho là cựu binh Robertson và hy vọng có thể giúp Robertson tái ngộ với gia đình mình tại Mỹ.
Cựu binh Mỹ Robertson.
Những thước phim tài liệu gây xúc động
Nhà làm phim Jorgensen cũng đã liên hệ với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, quân đội Mỹ, người thân của cựu binh Robertson tại Mỹ. Tuy nhiên, bằng chứng đáng tin cậy nhất là xét nghiệm ADN với con của Robertson thì vẫn chưa thực hiện được. Theo cựu binh Tom Faunce, Robertson năm 2010 đã được lấy dấu vân tay tại Đại sứ quán Mỹ, nhưng điều này chưa đủ để chứng minh người này là John Hartley Robertson và cũng không thể bác bỏ.
Những hình ảnh trong bộ phim tài liệu được quay với những thước phim xúc động về nơi sinh của Robertson, cảnh một người lính Mỹ từng được Robertson huấn luyện năm 1960 vừa gặp lại ông tại Việt Nam và khẳng định đây đích thị là Robertson. Phim cũng chiếu cảnh về cuộc gặp đầy nước mắt giữa người chị gái duy nhất còn sống của Robertson là bà Jean Robertson-Holly, 80 tuổi. Cuộc hội ngộ diễn ra tháng 12/2012. “Bà Jean nói: Không có thắc mắc nào. Tôi chắc chắn đó là nó trên video, khi tôi ôm ghì đầu nó và nhìn vào mắt nó tôi không còn nghi ngờ gì về việc nó là em trai mình”, đạo diễn Jorgensen kể với báo chí.
Cũng theo đạo diễn việc xét nghiệm ADN giữa Robertson với bà Jean là không cần thiết vì bà khẳng định chắc chắn đó là em trai mình. Việc xét nghiệm ADN của Robertson với vợ và hai con ở Mỹ đã được đề nghị. Vợ con của Robertson đã đồng ý nhưng gần đây lại đột nhiên từ chối. Theo giải thích của nhà làm phim thì do ám ảnh chiến tranh và sự việc trôi qua quá lâu có thể hai con gái của Robertson nhất thời chưa muốn biết về người cha của mình.
Một nhân chứng khác, Hugh Tran, sỹ quan cấp cao cảnh sát Mỹ gốc Việt ở Edmonton, đã tháp tùng nhà làm phim Jorgensen và cựu binh Tom Faunce sang Việt Nam gặp cựu binh Robertson để làm phiên dịch. Theo Hugh Tran, cựu binh Robertson nói giọng như một người Việt bản địa, không có dấu hiệu nào của một người Mỹ qua giọng nói. “Để nói với các bạn sự thật, sau khi tôi phỏng vấn ông ấy lần đầu tiên, tôi tin tới 90% rằng ông ấy là cựu binh Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Tuy vậy, tôi vẫn chưa tin hẳn… cho đến lúc tôi chứng kiến cảnh gia đình hội ngộ”, Tran nói với tờ Toronto Star.
Còn theo đạo diễn Jorgensen, làm sáng tỏ câu chuyện của Robertson là một quá trình mất nhiều thời gian. “Những ký ức đó hiện ra. Tôi kể anh nghe một ví dụ không có trong phim. Giây phút ông ấy bước vào phòng ở Edmonton, ông ấy biết đó là Jean. Ông ấy nói với Henry, chồng của bà: “Ồ, tôi nhớ anh từng làm việc trong một hiệu thuốc”. Henry quả thực từng là một dược sĩ trong 50 năm, theo Jorgensen. Jean và Henry bị thương nặng trong một tai nạn xe hơi xảy ra vài ngày sau cuộc tái ngộ và hiện vẫn còn nằm viện. Trước đó, họ nói với Faunce rằng họ quyết tâm tìm lại công bằng cho Robertson và muốn trả lời câu hỏi tại sao ông ấy lại bị bỏ lại Việt Nam. Cho đến nay, vẫn chưa có quan chức nào liên hệ với gia đình của Jean”.Theo bộ phim, cựu binh Robertson đang sống ở Việt Nam và không muốn rời đi, ông chỉ có một ước nguyện được gặp gia đình Mỹ một lần trước khi chết.
Ngày 1/5/2013, hãng tin BBC có bài viết “Thực hư vụ lính Mỹ ở VN sau 44 năm” nói về người tự nhận là cựu binh đặc nhiệm Mỹ Robertson với hàng tít đậm:
“Câu chuyện về trung sỹ Mỹ John Robertson “còn sống tại Việt Nam” nhiều năm sau chiến tranh được nhiều báo Anh đăng tải nhưng với kết luận đó là chuyện lừa đảo”. Theo BBC, ông Dang Tan Ngoc (tên không dấu theo bản tiếng Anh), hiện sống ở miền Trung với vợ và con, tự nhận ông chính là quân nhân Mỹ mất tích hơn bốn thập niên qua. Nhưng ông ta chỉ có thể là một người Việt gốc Pháp, chứ không phải ông Roberton, theo tờ Independent ra ở London hôm 1/5/2013. Hồ sơ quân sự của Mỹ nói trực thăng chở ông John Hartley Robertson bị tai nạn trong một phi vụ tại Lào năm 1968 và ông bị coi là “tử nạn”. Nhưng bộ phim mang tên “Unclaimed” (Vô thừa nhận) nêu ra chuyện có phải ông “vẫn sống tại Việt Nam” đã và đang tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Hé lộ chân dung kẻ mạo danh
Gần đây nhất, vào năm 2009, hồ sơ từ Văn phòng Quân nhân Mỹ mất tích và Tù nhân chiến tranh nói người Mỹ chú ý đến ông Dang Tan Ngoc năm 2006 khi ông ta bắt đầu kể với mọi người ông là trung sỹ John Hartley Robertson. Theo báo Anh, một số cựu binh cùng đơn vị Mũ Nồi Xanh của ông Robertson cũng đã lên tiếng bác bỏ chuyện ông Dang Tan Ngoc là chiến hữu của họ. Khi trả lời một cảnh sát viên Canada gốc Việt về kiểm chứng, ông Dang Tan Ngoc “chỉ nói được tiếng Việt thuần tuý, thậm chí không có chút giọng Mỹ”. Nay người ta nêu ra lời giải thích ông ta bắt đầu “đóng giả lính Mỹ” từ khoảng năm 1982 vì tin rằng có thể đòi được các khoản tiền từ người Mỹ. Tuy thế, được biết chị gái của ông Robertson, bà Jean Robertson Holly, 80 tuổi, khi gặp ông Dang Tan Ngoc một thời gian trước đã từng xúc động xác nhận đó là em trai bà.
Thông tin trên tờ Independent và một số báo Anh khác cũng nói lời kể của nhân vật Dang Tan Ngoc, 76 tuổi, rằng ông chính là trung sỹ Robertson đã được Chính phủ Hoa Kỳ quan tâm xem xét từ lâu nhưng bác bỏ. Thậm chí, tài liệu của Hoa Kỳ gửi cho báo chí chỉ mới hôm qua 30/4/2013, một lần nữa nói rõ ông Dang Tan Ngoc “là một người gốc Pháp, có tiền sử tự nhận là cựu binh Mỹ” sống sót tại Việt Nam sau chiến tranh. Chính phủ Hoa Kỳ cũng nói các cơ quan của họ còn đưa cả ông Dang Tan Ngoc sang Phnom Penh để lấy dấu tay nhưng kết luận là không trùng hợp với dấu tay trong hồ sơ của ông Robertson. Tên tuổi ông Robertson hiện được khắc trên bức tường ở Washington DC tưởng niệm các binh sỹ Mỹ bỏ mình trong cuộc chiến Đông Dương, kết thúc năm 1975.
Câu chuyện mà báo chí Anh kể lại cũng cho thấy sự quan tâm của dư luận Mỹ về người Mỹ mất tích trong cuộc chiến Việt Nam còn rất lớn. Các hoạt động của họ tại Việt Nam cũng được nêu ra dù ít khi thấy báo chí Việt Nam nêu chi tiết. Chẳng hạn, ngay từ năm 1991, lời kể của ông Dang Tan Ngoc đã thu hút sự chú ý của cựu nhân viên CIA, Billy Waugh, một nhân vật nổi tiếng tại Hoa Kỳ. Ông Waugh sau đó đã “đưa cả một nhóm điều tra đến vùng rừng núi miền Trung Việt Nam, gặp bằng được ông Dang Tan Ngoc”, theo báo Independent. Billy Waugh không phải là ai khác mà chính là người đã phát hiện ra Osama bin Laden tại vùng hang đá Tora Bora ở Afghanistan sau vụ 9/11. Nhưng số liệu và dấu tích di truyền ADN từ ông Dang Tan Ngoc mà Billy Waugh mang về không xác nhận ông ta là John Robertson.
Phía Mỹ xác nhận Dang Tan Ngoc không phải cựu binh Robertson
Tại Việt Nam, chủ đề người Mỹ mất tích mang ý nghĩa quan trọng trong quan hệ của chính quyền với Hoa Kỳ. Washington chấp nhận bình thường hóa quan hệ với Hà Nội hồi thập niên 1990 chỉ sau khi thuyết phục được giới cựu quân nhân rằng họ đã làm và sẽ làm tất cả để tìm ra được mọi thông tin, chứng tích, hài cốt của các binh sỹ Mỹ chết ở Việt Nam. Dù vậy, một số giới tại Hoa Kỳ, gồm Hollywood vẫn hay nhắc lại chủ đề hoặc “huyền thoại” về chuyện thấy người Mỹ còn ở trong rừng núi Đông Dương nhiều năm sau cuộc chiến. Một số bộ phim như Rambo đã nhắm vào đề tài này và dựng lại cảnh toán biệt kích “trở lại giết cộng sản, cứu tù binh Mỹ”. Cho đến tháng 10/2012, số liệu của Hoa Kỳ nói còn 1661 quân nhân Hoa Kỳ bị coi là “mất tích” tại Đông Nam Á, trong đó 1281 người ở Việt Nam. Cũng tính đến thời gian đó, các toán hỗn hợp Mỹ – Việt đã xác định được 985 hài cốt quân nhân Mỹ từ cuộc chiến, gồm 689 từ Việt Nam, 258 từ Lào, 35 từ Campuchia và 3 từ Trung Quốc.
Ngày 2/5/2013, theo thông báo của nhà chức trách Mỹ, người đàn ông tự nhận là một “cựu biệt kích Mỹ” mất tích từ thời chiến tranh Việt Nam trong một bộ phim tài liệu mới được công chiếu thực tế là một người Việt Nam. Bộ phim Unclaimed (Vô thừa nhận) do đạo diễn người Canada Michael Jorgensen dàn dựng đã gây chấn động sau khi giới thiệu một người đàn ông còn sống tại Việt Nam tự nhận là cựu biệt kích Mỹ John H. Robertson, người mất tích vào năm 1968.
Tuy nhiên, bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra một tuyên bố khẳng định người đàn ông xuất hiện trong bộ phim quay lại cuộc tái ngộ đầy cảm xúc với người chị của Robertson đã được kiểm tra ADN và được phát hiện là người Việt. Theo một thông báo của Văn phòng Tù binh/Quân nhân mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ được tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội cung cấp cho báo chí, mọi khẳng định và tường thuật về việc nhìn thấy Robertson đã được điều tra và kết luận là sai lạc.
Theo phía Mỹ, trung sỹ Robertson có mặt trên chiếc trực thăng H-34 bị bắn rơi vào ngày 20/5/1968. Các quân nhân Mỹ chứng kiến vụ rơi trực thăng báo cáo rằng không có ai sống sót. Vào năm 1976, sau khi tái đánh giá trường hợp của Robertson, Ủy ban rà roát quân sự Mỹ đã thay đổi tình trạng của Robertson từ mất tích (MIA – Missing in Action) sang thành được cho là đã chết.
Bộ phim Unclaimed đã chiếu cảnh người chị của Robertson tái ngộ với người đàn ông tự nhận là em trai của bà, vốn có tên Việt là Dang Ngoc Than. Vào năm 2004, các quan chức Chính phủ Mỹ nhận được các báo cáo về việc trông thấy Robertson còn sống, bao gồm cả hình ảnh và những thước phim miêu tả một người đàn ông tự nhận là Robertson. Người này được các điều tra viên Mỹ phỏng vấn vào ngày 20/4/2006 và được xác định là công dân Việt Nam. Vào năm 2009, các quan chức Mỹ phỏng vấn người này thêm một lần nữa. Khi đó, họ đã thu thập các dấu vân tay và mẫu tóc để phân tích. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phân tích các dấu vân tay và kết luận chúng không phù hợp với dấu vân tay trên hồ sơ của Robertson. Mẫu ADN từ mẫu tóc được thu thập cũng không phù hợp với anh chị em của Robertson. Theo AFP, nếu người này chứng minh được ông ta là Robertson, về lý thuyết ông ta có quyền đòi Chính phủ Mỹ trả tiền lương trong những năm mất tích và những phúc lợi dành cho cựu binh Mỹn
Trước tình trạng nhiều cá nhân, nhóm cá nhân lợi dụng các gia đình Mỹ đang mong mỏi tìm lại người thân để lừa tiền, trang web của Liên minh các gia đình tù nhân chiến tranh/lính Mỹ mất tích (National Alliance of POW/MIA Families) đã đưa ra cảnh báo về trò lừa đảo này:
“Có một số cá nhân hoặc nhóm cá nhân đang lợi dụng gia đình các tù binh chiến tranh hoặc lính Mỹ mất tích, các nhà hoạt động hay cá nhân cộng đồng Việt Nam. Câu chuyện của họ luôn giống nhau; họ tiếp cận một hoặc vài cựu tù binh chiến tranh để nhờ giúp đỡ trở về nhà, dù lúc đầu họ không nhắc đến chuyện tiền nong. Những con người vô liêm sỉ này bắt đầu bằng việc xây dựng quan hệ với nạn nhân mà chúng nhắm tới. Chúng cung cấp một vài thông tin, thường là thông tin đã được công bố qua các tài liệu công khai hoặc nghe ngóng từ những cuộc trò chuyện với người thân gia đình tù binh chiến tranh/lính Mỹ mất tích. Sau đó họ cung cấp ảnh. Gần đây nhất là vụ việc xung quanh John Hartley Robertson mất tích ở Việt Nam năm 1968. Chúng tôi phải đưa ra lời cảnh báo vì chúng tôi tiếp tục nhận được báo cáo từ gia đình tù binh chiến tranh/lính Mỹ mất tích về những vụ lừa đảo kiểu này. Chúng tôi cảnh báo: “Hãy cẩn thận khi nhận được những thông tin như vậy. Hãy kiểm tra kỹ càng, và bảo đảm những thông tin họ cung cấp không có đầy trên internet”.
Các tài liệu cho biết cựu binh Robertson cùng phi công Việt Nam và một vài người khác có mặt trên chiếc trực thăng King Bee CH34 cất cánh từ sân bay Phú Bài đã bị trúng đạn và lao thẳng xuống rừng cây ở thung lũng A Shau (Lào) ngày 20/5/1968 và được xác nhận đã chết.
Hoạt động tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam là hoạt động nhân đạo giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ. Đại diện Chính phủ Hoa Kỳ nhiều lần cảm ơn và đánh giá cao chính sách nhân đạo, thiện chí và sự hợp tác tích cực, sự giúp đỡ ngày càng hiệu quả của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong hoạt động tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam. Quan chức cấp cao Việt Nam cũng luôn khẳng định chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh và Việt Nam tiếp tục hợp tác với phía Hoa Kỳ trong nỗ lực tìm kiếm.
Thái Duy-Thảo Chi (Tổng hợp)