(Đời sống) – Mới đây, Bộ GD-ĐT kiến nghị Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước xem xét thu hồi quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư của ông Hoàng Xuân Quế- phó viện trưởng Viện Tài chính- Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng giao Vụ Giáo dục ĐH tiến hành thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Quế.
Theo Tuổi Trẻ, trước đó, ông Hoàng Xuân Quế- tác giả luận án tiến sĩ được bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ Việt Nam bị tố cáo “đạo văn” tới 30% dung lượng luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2002 của ông Mai Thanh Quế- Học viện Ngân hàng- với đề tài “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”. Hội đồng chức danh giáo sư ngành Kinh tế học đã thành lập Hội đồng xác minh luận án để đánh giá mức độ sao chép và đề xuất việc xử lý.
Kết quả 100% thành viên trong hội đồng khẳng định luận án của ông Hoàng Xuân Quế sao chép một phần từ luận án của ông Mai Thanh Quế. Các sao chép trong nội dung luận án của ông Hoàng Xuân Quế là không hợp pháp vì các nội dung sao chép không có chú dẫn nguồn trích và việc sao chép không đúng quy định (không có dấu ngoặc kép cho phần sao chép nguyên văn). Mức độ sao chép lên đến 52,5/159 trang của luận án (khoảng 30,02%. Theo đó, luận án của ông Hoàng Xuân Quế “không được coi là một công trình khoa học hoàn chỉnh và gần như không còn giá trị trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn”.
Điều đáng nói ngay cả khi bị tố cáo “đạo văn”, ông Hoàng Xuân Quế tiếp tục không trung thực khi báo cáo tổ xác minh rằng bản luận án được lưu trữ tại thư viện Quốc gia… “bị đánh tráo” hoặc bị “nộp nhầm” do ông Hoàng Xuân Quế không phải là người trực tiếp nộp mà “nhờ người cháu nộp hộ”. Để minh chứng cho điều này, ông Hoàng Xuân Quế còn đưa ra ba bản luận án được nói là lấy từ lưu trữ và có chữ ký của các thành viên hội đồng hoặc chữ ký của gia đình thành viên hội đồng.
Tuy nhiên, xác minh của Bộ GD-ĐT và cơ quan an ninh cho thấy những cuốn luận án mà ông Quế đưa ra làm bằng chứng không đồng nhất với nhau, có dấu hiệu “làm mới” lại. Bản thân các thành viên hội đồng và người thân của thành viên hội đồng cũng xác nhận việc ông Quế “tự tìm ra” những cuốn luận án này, xin chữ ký của họ, chứ hoàn toàn không phải do các thành viên hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Quế chủ động cung cấp.
Câu chuyện về Phó giáo sư có một công trình khoa học gần như không còn giá trị trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn có lẽ không mới ở Việt Nam bởi người ta vẫn hay nhắc đến tình trạng số lượng Giáo sư, Tiến Sĩ ‘giấy’ ngày càng tăng. Nhưng việc Phó viện trưởng của một trường đại học danh tiếng đã ‘đạo văn’ lại không trung thực thì quả thật khiến người dân không khỏi bất ngờ, bức xúc.
Đến đây, người viết bỗng giật mình nhớ lại một kết quả nghiên cứu ở Việt Nam được GS Trần Ngọc Thêm công bố mới đây, học sinh Việt Nam càng học cao nói dối càng tinh vi. Theo đó, tỉ lệ nối dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%. Thông tin về kết quả nghiên cứu này được đưa ra đã khiến không ít người phải nhìn nhận thực trạng lạ lùng ở nước ta: học sinh Việt Nam càng học cao, nói dối càng nhiều, càng tinh vi.
Tỉ lệ nói dối được chứng minh là gia tăng theo cấp học |
Cũng may là nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở đối tượng là sinh viên đại học chứ nếu nâng cao hơn nữa đối tượng có thể dư luận cả nước sẽ bị sốc bởi những con số không thể tưởng tượng mà trường hợp của vị Phó viện trưởng nêu trên là một ví dụ.
Theo thống kê của Bộ Khoa học – Công nghệ , hiện nay cả nước có một đội ngũ trên 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm. Số lượng giáo sư, tiến sĩ của chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng số bài báo khoa học lại rất ít, số lượng bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ trong 5 năm (2006 – 2010) chỉ vỏn vẹn 5 bằng. Những con số ấy càng khiến cho dư luận nghi ngờ chất lượng giáo dục nước ta.
Trong khi cả nước đang đau đầu vạch trần những sự giả dối trong giáo dục thì người ta lại có thể tìm được những sự an ủi, niềm tự hào nhẹ nhàng trong các sáng tạo quý giá có tính thực tiễn cao của những người nông dân chưa bao giờ biết đến cổng trường đại học.
Mới đây nhất, phát minh máy siêu gọt dừa của anh Lê Tấn Kỳ xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã khiến người dân không khỏi ngưỡng mộ.
Thấu hiểu nỗi vất vả của việc gọt dừa, vỏ dừa rất dày và cứng, vì thế chiếm khá nhiều thời gian và công sức của người lao động, trong khi hiệu quả công việc lại không được cao, anh Lê Tấn Kỳ đã mày mò sáng tạo ra loại máy gọt hữu ích có giá thanh thấp này. Máy có ưu điểm là gọt nhanh, cho ra những sản phẩm đều, đẹp mắt và đáp ứng được số lượng lớn cho tiêu dùng và xuất khẩu. Thời gian gọt cho mỗi trái chỉ khoảng 30 giây.
Chưa dừng lại ở đó, để nguồn vỏ dừa tươi sau khi thải ra không bị bỏ phí, anh còn chế ra thêm máy xay vỏ dừa để tận dụng sau khi gọt làm nguồn nguyên liệu chế phân hữu cơ. Máy nhỏ gọn, có năng suất xay 1 trái/giây, cho ra bã mụn dừa, sau đó cho thêm chế phẩm vi sinh vào ủ thành phân bón cho cây. Trên thực tế, phát minh của anh Tân Kỳ đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía người tiêu dùng.
Có lẽ sẽ có nhiều người cho rằng điều cần làm trong xã hội hiện nay là phải đối mặt, vạch trần sự giả dối trong giáo dục hiện nay chứ không phải tạm quên đi và tìm niềm vui trong những phát minh đầy ý nghĩa của những nông dân nghèo. Tuy nhiên hiện thực cay đắng bao giờ cũng khó chấp nhận, hơn nữa chỉ ra được sự gian dối trong đào tạo học vị cao đâu phải là chuyện dễ dàng. Thế cho nên có lẽ việc người bình thường hay các cơ quan chức năng tìm niềm vui khác khi không muốn chọc ngoáy vào nỗi buồn đã mưng mủ âu cũng là chuyện dễ hiểu.
2013-10-06 16:08:28