Tại sao không được mẹ chồng quý? Tại sao mẹ chồng chỉ bằng mặt mà không bằng lòng? Phải làm gì cải thiện mối quan hệ với mẹ chồng? Đó là những câu hỏi phổ biến được đặt ra khi đề cập tới vấn đề này.
1. Mẹ chồng rất yêu con trai
Điều này là đương nhiên như 1 với 1 là 2 vậy. Có lẽ nói ra, nhiều người sẽ cho là thừa thãi nhưng thực tế điều này không hề thừa chút nào. Một người mẹ yêu con trai mình, họ luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho con, vì vậy họ cũng muốn khi con trai lấy vợ, người vợ ấy phải biết lo lắng và chăm sóc cho con họ. Đó là lý do mà các bà mẹ chồng thường có những đòi hỏi, kì vọng nhất định ở các nàng dâu về nữ công gia chánh nói riêng và sự hiểu biết về cuộc sống nói chung.
Họ sẽ không bằng lòng nếu như các nàng chỉ biết chăm sóc bản thân, dồn việc nhà cho chồng (hoặc cho họ). Và bạn cũng đừng thắc mắc khi mẹ chồng tỏ ra khó chịu vì bạn không biết nấu “cơm dẻo canh ngọt” cho gia đình, cũng đừng hỏi vì sao khi bạn ngủ dậy muộn vào buổi sáng lại bắt gặp cái nhìn không mấy “thân thương” của mẹ chồng.
Để làm vừa lòng mẹ chồng, và cũng là vì hạnh phúc của gia đình bạn, bạn nên tìm hiểu và chịu khó thực hành những công việc thường ngày một cách thật chỉn chu: nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… với một niềm hứng thú thực sự chứ không đeo nặng tâm lý bị bắt ép. Dù bạn có là một tiểu thư đi nữa thì khi lấy chồng, bạn đã thực sự cần trưởng thành, cần tỏ cho mọi người thấy mình có thể cáng đáng được trách nhiệm của một người vợ.
2. Mẹ chồng có tâm lý “ghen” với con dâu
Bạn tự hỏi vì sao mình đã làm tốt mọi việc trong nhà, mình cũng không chây lỳ, lười biếng gì, vậy mà mẹ chồng dường như vẫn chưa thực sự bằng lòng?
Có một sự thật là hầu hết các bà mẹ chồng đều mang trong mình tâm lý “ghen” với con dâu, mức độ và cách thể hiện thì tùy thuộc vào từng người. Bởi con dâu chính là người dành được nhiều tình cảm của con trai họ nhất. Khi chưa có cô gái nào, mẹ luôn là nhất với các chàng trai. Khi chàng ta lấy vợ, mối quan tâm của chàng không còn là duy nhất nữa. Các bà mẹ chồng thường có cảm giác bị san sẻ, thậm chí làm như con dâu đã “cướp mất” chàng trai yêu quý của mình. Thực sự đây không phải vấn đề to tát, tình mẫu tử đương nhiên là sâu đậm và đáng quý, vả lại dựng vợ gả chồng là lẽ thường tình trong cuộc sống. Nhưng dù sao, chút tâm lý “đáng lưu ý” này của họ, nếu các nàng dâu hiểu được thì sẽ ý tứ và biết cách để không làm các bà mẹ chồng khó chịu. Đó là lý do vì sao bạn không nên thể hiện tình cảm thái quá với chồng trước mặt mẹ chồng. Những cử chỉ âu yếm ngọt ngào hai bạn nên để dành khi chỉ có hai người với nhau.
3. Mẹ chồng thường coi “dâu là con”
“Dâu con, rể khách” là quan niệm phổ biến của người Việt khi nhắc tới vấn đề dâu – rể trong các gia đình. Bất cứ người mẹ chồng nào, dù có khó tính đến mấy, khi đã chấp nhận cho con trai lấy vợ thì đều coi người vợ của con là con dâu mình, và là “con”. Tâm lý là vậy nhưng đôi khi vì một số yếu tố mâu thuẫn hoặc xích mích…, mẹ chồng thường tỏ ra không bằng lòng hoặc “hắt hủi” con dâu. Các nàng dâu vì thế mà thấy buồn, tủi thân hoặc ghét mẹ chồng, nghĩ rằng “chỉ có mẹ đẻ mới thương ta”.
Khi con dâu làm sai điều gì, mẹ chồng thường khiển trách hoặc mắng mỏ, dạy bảo…, nhiều nàng dâu lấy thế làm ấm ức và tạo khoảng cách với mẹ chồng. Chẳng mấy người hiểu được đó chính là hành động xuất phát từ tâm lý của một người mẹ thực sự, một người luôn muốn con mình làm tốt, luôn muốn dạy bảo con mình nên người. Vậy nên, hiểu được điểm này ở mẹ chồng, bạn sẽ thấy rằng: rất không nên tự ái, giận dỗi và ghét bỏ mẹ chồng; ngược lại, hãy tiếp thu và tích cực thay đổi. Nên biết nói xin lỗi khi làm sai, cảm ơn khi mẹ chồng muốn truyền đạt cho những kinh nghiệm… Mẹ chồng coi bạn là con thì bạn cũng phải luôn nghĩ rằng mình là con cái trong nhà, yêu thương mẹ chồng như chính người mẹ sinh ra mình, cố gắng là người chia sẻ với mẹ chồng những vấn đề trong cuộc sống.
4. Mẹ chồng cũng cần được quan tâm và yêu thương
Mẹ chồng sắt đá cũng vẫn là con người, mà con người ai chẳng muốn được quan tâm, yêu thương. Có đôi lúc bạn thấy mẹ chồng im lặng cả ngày không nói gì hoặc cáu gắt bất thường thì cũng đừng vội lấy biểu hiện đó để đánh giá. Có thể có chuyện gì đã xảy ra với mẹ chăng? Những lúc ấy, bạn hãy là người con – người bạn để hỏi han, tâm sự và chia sẻ với mẹ chồng. Dịu dàng, ân cần và chân thành để hiểu mẹ hơn, biết mẹ muốn gì và không thích gì. Đừng vì quá bận bịu chuyện chồng con mà quên mất rằng đằng sau mái ấm của mình còn có một người mẹ luôn lo lắng cho tất cả. Đừng vì bận bịu chuyện riêng mà quên mất những ngày lễ, những ngày đặc biệt của mẹ. Thỉnh thoảng biếu mẹ chồng một món quà (chẳng cần nhiều tiền, to tát gì, chỉ cần biết là mẹ thích, mẹ đang cần) thì bạn cũng sẽ ghi thêm rất nhiều điểm trong mắt mẹ chồng rồi đấy.
2013-10-21 23:40:09
Nguồn: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/hieu-me-chong-de-tro-thanh-nang-dau-thao-2013102211058649.htm