Trong hai ngày qua, nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ của người gốc Việt ở tiểu bang Minnesota, Los Angeles, California, Chicago hay Florida (Mỹ) đã bị đập phá bởi những người quá khích trà trộn và hôi của trong các cuộc biểu tình trước cái chết của một người da màu là George Floyd, theo thông tin từ kênh VOA Việt ngữ và báo Người Việt.
Theo tìm hiểu của VOA, một số tiểu thương người Việt ở Minnesota đã chứng kiến những đoàn người vào các cơ sở kinh doanh đập phá, cướp bóc và có người đã phải tự dùng vũ khí chống trả.
Kể từ ngày 28/5, các cuộc biểu tình “Tôi không thể thở” (I can’t breath) đã bùng phát trên các thành phố lớn ở khắp nước Mỹ để phản đối “bất bình đẳng chủng tộc và nạn cảnh sát sử dụng vũ lực thái quá”. Mọi chuyện bắt đầu với cuộc biểu tình ôn hòa sau cái chết của George Floyd, trong lúc ông này bị cảnh sát khống chế tại Minneapolis hôm 25/5. Một số các cuộc biểu tình này sau đó đã trở thành bạo động khi người biểu tình tấn công cảnh sát. Ở vài nơi đã xảy ra tình trạng đốt phá, cướp bóc và hôi của trong khi nhiều bang của Mỹ đang thận trọng mở cửa trở lại sau thời gian chống chọi với dịch bệnh Covid-19.
Ở St. Paul, thủ phủ của bang Minnesota, cộng đồng người Việt kinh doanh nhỏ ở đây đã có một phen kinh hoàng vào đêm 28/5.
Siêu thị Little Saigon của ông Sỹ Nguyễn nằm ngay trung tâm St. Paul, là một trong những nơi bị những kẻ hôi của nhắm đến nhưng may mắn không bị thiệt hại nhờ sự chống trả của chủ tiệm. Ông Sỹ cho biết ông “đã dùng súng” để răn đe những kẻ tấn công.
“Chúng tôi không nổ súng, nhưng chúng tôi cầm trong tay vũ khí để nói rằng nếu tụi bây dám xông vào thì tao sẽ bắn”, VOA ngày 2/6 dẫn lời ông Sỹ.
Ông cho biết: “Tôi đã được huấn luyện và được phép mang súng bên người. Tôi biết cách sử dụng, biết khi nào nên bắn và khi nào không nên bắn”.
Nhờ việc quyết định kháng cự để giữ gìn tài sản của ông nên nhóm hôi của chạy đi trong khi “tất cả các tiệm khác đều bị vô đập phá và có tiệm còn bị đốt”.
“Hầu hết các chủ tiệm khác đều bỏ đi hết không dám ở lại. Tất cả nhân viên cũng khuyên tôi nên về nhà đi. Nhưng tôi thấy tụi nó ăn hôi những tiệm kia. Tôi nghĩ tài sản của mình, mình đã làm, đã dành dụm biết bao nhiêu năm nay sao lại để bị cướp được”.
Theo lời kể của ông, thì đêm hôm đó ông đã ở lại giữ tiệm suốt đêm và kêu gọi bạn bè và nhân viên của ông ai có gan ra giữ tiệm cùng ông và được trả tiền theo giờ.
“Tụi tôi có dí tụi nó (nhóm hôi của) chạy xa tiệm của mình. Những người hàng xóm xung quanh thấy vậy họ cũng cầm gậy bóng chày ra khỏi nhà giúp tôi”, ông kể.
“Nếu bị trận này tôi nghĩ chắc mình sẽ bị phá sản”, ông phân trần. “Bảo hiểm sẽ bồi thường nhưng mà công việc kinh doanh sẽ bị gián đoạn vài ba tháng. Còn nếu không may mà bị nó đốt thì phải nghỉ đến hai năm”.
Về tình hình hôm 28/5, ông Sỹ cho biết “lúc đầu có người biểu tình ôn hòa, hô khẩu hiệu” nhưng sau đó đám đông chuyển sang đập phá.
“Hầu như tụi nó đi trên ngàn người để hôi của. Hầu như tụi nó không phải là biểu tình. Không có lãnh đạo, không có biểu ngữ gì hết. Tụi nó đi trên xe tải chở người (pick-up truck), khoảng 5 đến 10 đứa ngồi trên đó la hét. Rồi nó muốn vào chỗ nào thì ngừng lại, ào vô, lấy xà beng cạy cửa rồi ào vô hôi của. Hết nhóm này xong đến nhóm kia. Một tiệm có thể bị hôi của cả chục lần”, VOA dẫn lời kể lại của ông Sỹ.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ tiệm Twin Cities Nail Supplies chuyên bán trang thiết bị cho ngành làm móng, cho biết khu thương xá Kim Hùng của người Việt nơi bà đặt cửa tiệm “bị đập banh hết”.
“Đập xong rồi tụi nó 5 đến 7 người vô cùng một lúc. Tụi nó gỡ từng cái tivi rồi lấy đi hết. Có tiệm bán điện thoại tụi nó vô lấy điện thoại đi hết”, bà kể.
“Do sợ quá nên ai cũng bỏ chạy. Tôi tiếc của nên ngồi lại. Nếu mà tụi nó có vô tiệm tôi đi nữa thì tôi cũng van xin chứ biết làm sao”, bà nói.
Theo mô tả của bà Hạnh thì những người đi hôi của “chỉ là nhập chung vào đoàn người biểu tình nhưng không phải đi biểu tình mà dường như chủ ý là đi lấy đồ, đi ăn cướp”. Bà Hạnh cũng lên án sự kỳ thị đối với người da màu và nhận xét là “có tình trạng này” ở Mỹ. Tuy nhiên bà nói: “Nếu mình làm đúng luật lệ thì hổng ai kỳ thị mình, chỉ khi mình làm sai người ta mới kỳ thị”.
Nhật báo Người Việt ngày 1/6 dẫn lời anh Lany Truong, chủ tiệm Nail Bay ở Los Angeles, California, anh kể lại mà vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tối 30/5, lúc tôi đang ở nhà, thì nghe cảnh báo trên tiệm reo lên inh ỏi. Nhìn qua camera, tôi thấy có người đang đập cửa kính của tiệm. Khi cửa đã tan hoang, nhóm người khác ập vô, họ bắt đầu đập phá tiệm, lấy đồ đạc trong tiệm, thậm chí thùng sơn còn sót lại khi sửa sang tiệm, họ cũng gom luôn”.
Anh Lany nói thêm, hình ảnh cho thấy những người quá khích không chỉ “hôi của” như ở các tiệm tạp hóa, tiệm thực phẩm, mà họ còn đập phá kinh khiếp, như kiểu đập cho hả giận. Sáu ghế và sáu bàn làm móng trong tiệm của anh đều bị hư hỏng. Không may cho anh Lany, tiệm này anh vừa mới sang lại được hơn một năm thì bị hai cái “xui” cùng một lúc: Covid-19, và bị người biểu tình quá khích đập phá.
Nhưng “trong họa lại có phúc”, anh Lany kể tiếp: “Qua sáng sớm hôm sau là Chủ nhật, tôi nhận được cuộc gọi của một người khách, họ gọi cho tôi với giọng hốt hoảng nói: “Tiệm của anh bị đập phá tan tành rồi kìa, anh có muốn tôi vô dọn dẹp phụ không?”. Vì đó là vị khách quen, nên anh Lany đồng ý để cô ấy vô bên trong tiệm giúp anh dọn dẹp, rồi anh sửa soạn đi tới tiệm”.
Khi lên tới nơi, anh Lany thấy có thêm nhiều người khác đi qua đi lại tiệm, ai cũng hỏi thăm với sự thông cảm: “Có cần dọn dẹp không, chúng tôi sẵn sàng giúp”.
Anh Lany kể, tất cả những người hỏi anh đều muốn làm thiện nguyện. Họ là những người Mỹ trắng, người da màu, và cả người Trung Đông, trong đó có nguyên một gia đình gồm vợ chồng và hai người con đi các tiệm bị đập phá để giúp dọn dẹp.
Theo VOA, Người Việt
Triệu Hằng tổng hợp
The post Vụ George Floyd: Nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt ở Mỹ bị đập phá do những người quá khích trà trộn trong biểu tình appeared first on Đại Kỷ Nguyên.