Các phương tiện truyền thông của chính quyền Trung Quốc gần đây rầm rộ đưa tin về các cuộc biểu tình tại Mỹ, sau vụ việc một nghi phạm da màu tử vong do ngạt thở khi bị cảnh sát khống chế.
BBC dẫn lời Giáo sư truyền thông Đại học bang Georgia, Maria Repnikova cho biết, quy mô và cường độ phủ sóng của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc về các cuộc biểu tình ở Hoa Kỳ là chưa từng có. Các bài viết liên quan đến chủ đề biểu tình ở Mỹ đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc có 25 tỷ lượt xem.
U.S. News & Word Reports nhận định Trung Quốc đang lợi dụng các cuộc biểu tình của người Mỹ để chống lại Tổng thống Donald Trump và Hoa Kỳ. Từ góc nhìn của chính quyền Trung Quốc, các cuộc biểu tình tại Mỹ là một cơ hội vàng để thúc đẩy các mục đích riêng của Bắc Kinh.
Chuyển hướng dư luận
Ngoài cuộc thương chiến mà Tổng thống Trump khởi xướng, chính quyền Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều sức ép chưa từng có, cả ở trong nước lẫn quốc tế.
Từ dự luật dẫn độ đến dự luật an ninh, những động thái áp chế của Bắc Kinh đối với Hồng Kông đã dẫn đến làn sóng biểu tình không ngớt tại thành phố này, cũng như sự phản đối của các quốc gia dân chủ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ dỡ bỏ quy chế ưu đãi đặc biệt cho Hồng Kông, một động thái có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới kinh tế Trung Quốc, vì đặc khu này chiếm tới trên 70% vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó Bắc Kinh cũng đang đối mặt với áp lực từ cộng đồng quốc tế liên quan đến trách nhiệm gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19. Ở trong nước, tình trạng oán thán của người dân cũng tăng cao chưa từng có kể từ khi dịch virus Vũ Hán bùng phát, chưa kể đến hàng loạt vấn nạn chưa có hồi tháo gỡ tại nước này như tham nhũng, cửa quyền, ô nhiễm, hàng giả, khoảng cách giàu nghèo, v.v.
Những vấn đề này đang tạo sức ép trực diện đối với sự cầm quyền “ổn định” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vì vậy, mức độ phủ sóng cao và những bình luận có tính chất “hả hê” về các cuộc biểu tình Mỹ được cho là một hoạt động tuyên truyền có chủ ý của Bắc Kinh nhằm phân tán sự chú ý của dư luận, từ đó tháo gỡ một phần áp lực mà ĐCSTQ đang phải đối mặt.
Củng cố quan điểm
Một mục tiêu quan trọng trong hoạt động tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc là “nhào nặn tư tưởng” cho người dân trong nước. Hoạt động này không chỉ mới xuất hiện gần đây, mà liên tục được thực thi trong suốt hơn 70 năm cầm quyền của ĐCSTQ. Một trong số các nội dung thường được “nhồi nhét” vào quan niệm của người dân Trung Quốc, đó là phương tây – đặc biệt là Mỹ – rất bất ổn, chỉ có Trung Quốc do ĐCSTQ lãnh đạo mới là “ổn định”.
Kỳ thực xã hội tự do cũng luôn có những biến động, nếu có bất công hay mâu thuẫn thì các thành phần trong xã hội có nhiều cách biểu đạt để tìm cách giải quyết, trong đó biểu tình là một cách biểu đạt phổ biến. Mâu thuẫn do vậy không tích tồn quá ngưỡng. Sự ổn định có được là sự ổn định thực sự, có được thông qua giải quyết mâu thuẫn, các thành phần trong xã hội đều có quyền đòi hỏi những quyền con người cơ bản của mình.
Ngược lại, phương thức giải quyết của chính quyền Trung Quốc là bằng mọi cách, mọi giá để che đậy mâu thuẫn hay bất ổn, từ phong tỏa thông tin, bắt giữ và đàn áp bất cứ hình thức biểu tình nào, cho dù là ôn hòa. Cho nên cái gọi là “ổn định” ở Trung Quốc là trạng thái giả tạo, ép nhập mâu thuẫn vào trong, các thành phần trong xã hội không có được các quyền cơ bản của con người. Ngay cả khi chính quyền Trung Quốc ghi vào hiến pháp hay pháp luật thì nó cũng không có giá trị thực tiễn.
Trong thực tế, cũng có những tiếng nói trong nước Trung Quốc nhìn nhận khác về biểu tình Mỹ, nhưng những tiếng nói này thường bị lấn át hoàn toàn bởi các bình luận tiêu cực. BBC cho biết, tờ báo có xu hướng tự do hơn là Tin Tức Bắc Kinh chỉ đăng một bài bình luận đồng cảm và tôn trọng người dân Mỹ, đã nhanh chóng bị quy kết là có lập trường “thân Mỹ”, và bị hàng chục ngàn bình luận tiêu cực trên Weibo. Giáo sư Maria Repnikova cho rằng sự kết hợp giữa tình cảm từ dưới lên (chủ nghĩa dân tộc cực đoan – pv) và chiến thuật tuyên truyền từ trên xuống, ngày càng chiếm ưu thế trên các trang web của Trung Quốc.
Sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc
Các cuộc biểu tình tại Mỹ cho thấy các thành phần dân chúng, chính phủ, các lực lượng chính trị, các kênh truyền thông đều có quyền biểu đạt quan điểm của mình tại xứ sở cờ hoa. Xã hội Mỹ vốn tự do và điều đó đã làm nên nước Mỹ hôm nay. Như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong Thông cáo báo chí về hoạt động tuyên truyền có tính lưu manh của ĐCSTQ: “Ở Hoa Kỳ, ngay cả trong các cuộc biểu tình bạo loạn, chúng tôi vẫn giữ vững cam kết của mình đối với thượng tôn luật pháp, sự minh bạch và những quyền không ai có thể xâm phạm được.”
Người dân Trung Quốc ngày nay đang ở trong một bối cảnh đặc thù: Sự nhồi nhét về lối nghĩ, phong tỏa thông tin, đàn áp tiếng nói khác biệt, hệ thống quyền lực chính trị chuyên chế trong mấy chục năm đã làm nên một xã hội Trung Quốc hôm nay.
Người Trung Quốc ngày nay xua đuổi các nhóm người châu Phi ra đường trong dịch viêm phổi Vũ Hán, bắt giữ hoặc kỳ thị họ như thể họ là nguồn gốc của virus corona. Đó là một trong nhiều sự việc cho thấy sức mạnh tuyên truyền đáng sợ của bộ máy cầm quyền Trung Quốc.
Trong khi người Trung Quốc công kích nước Mỹ và phương tây, họ có thể không hiểu tại sao có nhiều người mất công nhọc sức, xuống đường đòi công lý cho những người da màu như vậy. Những gì là công lý, hay những quyền cơ bản vốn có của con người thì nhiều người Trung Quốc đã không còn hiểu rõ, càng khó có thể lấy lại khi Bắc Kinh vẫn siết chặt những xúc tu quyền lực của mình.
The post Vì sao Trung Quốc rầm rộ đưa tin về biểu tình tại Mỹ? appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-06-10 00:26:02
Nguồn: https://www.dkn.tv/the-gioi/vi-sao-trung-quoc-ram-ro-dua-tin-ve-bieu-tinh-tai-my.html