“Tâm viên ý mã hai loài ấy,
Trói chặt ngay vào chớ lỏng lơi.
Muôn nẻo về nguồn theo một lý
Rừng sâu tu luyện học Như Lai”.
Những ai yêu mến Tây Du Ký hẳn còn nhớ, Tôn Ngộ Không sau khi học Đạo với Bồ Đề Tổ Sư, trở về Hoa Quả Sơn thì việc đầu tiên là đánh bại Hỗn Thế ma vương. Thuở xưa đọc đoạn này, không thể nhịn cười vì bộ dạng nhỏ thó, ăn vận quê mùa của Ngộ Không, thế mà đánh bại ma vương giáp mũ sáng trưng, cao to lừng lững gấp mấy lần mình. Giờ đây khi đã bước trên con đường tu luyện, đọc lại cố sự này, người viết chợt hiểu ra một tầng hàm nghĩa sâu sắc hơn. Xin được ghi ra đôi dòng hầu chuyện quý vị độc giả.
Tây Du Ký, hồi thứ 2 có viết:
“Ngộ Không từ trên mây hạ xuống, đến thẳng núi Hoa Quả, đang tìm lối đi, bỗng nghe thấy tiếng hạc kêu vượn hót. Tiếng hạc vang mấy tầng mây biếc, tiếng vượn kêu bi thiết thương tâm. Bèn cất tiếng gọi:
– Các con ơi, ta đã về đây!
Bọn khỉ trong hang đá gốc cây, khóm hoa bụi cỏ, con lớn con bé, nhảy ra hàng ngàn hàng vạn, vây xung quanh Mỹ hầu vương, dập đầu thưa rằng:
– Đại vương nỡ lòng đi lâu, bỏ chúng con ở đây. Chúng con mong đại vương như đói khát mong cơm ăn nước uống. Gần đây chúng con bị một con yêu ma hung ác chiếm động Thủy Liêm. Chúng con liều chết quên sống đánh nhau, bị nó cướp hết đồ đạc, bắt đi nhiều con cháu, khiến chúng con ngày đêm mất ngủ, canh giữ cơ nghiệp. May được đại vương về, nếu một năm nữa đại vương không về, thì đến cả động này cũng thuộc về người khác mất.
Ngộ Không nghe xong, trong lòng tức giận nói:
– Con yêu quái nào mà gớm thế! Các con hãy kể kỹ cho ta nghe, ta sẽ tìm nó báo thù.
Lũ khỉ dập đầu thưa:
– Tâu đại vương, con yêu đó tự xưng là Hỗn Thế ma vương, nhà ở mạn phía Bắc.
Ngộ Không hỏi:
– Từ đây đến chỗ nó ở khoảng độ bao nhiêu đường đất?
Lũ khỉ nói:
– Nó đến theo mây, đi theo mù, như gió như mưa, như sấm như chớp, chúng con không biết đường xa hay gần”.
Lời tâu của lũ khỉ thật đáng chú ý. Ma vương này đến đi bất chợt, khiến người ta không biết nó đến từ đâu, ở xa hay gần. Lại nữa, lúc Ngộ Không tìm đến hang ổ của Hỗn Thế ma vương có quát một câu: “Hỗn Thế ma mãnh nào nhà chúng bay, mấy lần lừa dối ức hiếp con cháu ta, nay ta tìm đến đây để tranh tài cao thấp”. Vì sao lại là “lừa dối”? Khi nãy, không thấy lũ khỉ nhắc gì đến hai chữ “lừa dối”, mà Ngộ Không lại mắng như thế này?
Đầu tiên, xin hãy quay trở lại bài thơ trong hồi thứ nhất của Tây Du Ký, đoạn Hầu vương đến Nam Thiệm Bộ Châu bắt chước giống người, tìm thầy học Đạo mỏi mòn mà không thấy:
“Đua chen danh lợi dập dồn
Thức khuya dậy sớm chẳng còn tự do
Mong tuấn mã khi cưỡi lừa
Làm quan tể tướng, lại mơ vương hầu.
Mệt nhoài cơm áo tranh nhau
Chẳng lo quỷ sứ bắt chầu Diêm vương
Mải mê vun đắp cháu con
Nào ai tỉnh giấc tìm đường hồi tâm?”
Có câu rằng: “Nhân thế hỗn độn”, ý nói thế gian con người là nơi hỗn loạn, mê hoặc, muốn tìm được một miền đất thanh tịnh thuần khiết thật chẳng dễ dàng gì. Con người sống ở thế gian, việc này chưa qua việc khác đã tới, mỗi ngày đều có vô vàn phiền não. Một người bình thường mà muốn ngồi yên trong vòng ba phút, đầu óc thanh tĩnh không nghĩ ngợi gì dường như là không thể. Không phải là chuyện được mất tài sản thì là chuyện vinh nhục công danh, không phải thân thể tổn thương thì là cháu con phiền nhiễu… những ý niệm này cứ từ đâu ào đến, quả là “như gió như mưa, như sấm như chớp”, không biết từ đâu mà lần. Chúng mang tâm của chúng ta lên trời xuống biển, bay nhảy vất vơ, mãi không an trú được trong miền thanh tịnh. Chúng ta lại thuận theo những vọng niệm này mà vui buồn, yêu ghét, nhầm tưởng chúng là bản ngã chân thật, thậm chí vì chúng mà sẵn sàng vứt bỏ sinh mệnh. Chẳng phải con người đã bị nhân thế hỗn độn và các vọng niệm này “lừa dối” sao?
“Hỗn Thế ma vương” này quả là ghê gớm, nó có thể lừa dối người ta, dẫn dụ người ta quay vòng vòng không còn biết đâu là nhà nữa. Nó “cướp hết đồ đạc, bắt đi nhiều con cháu, khiến chúng con ngày đêm mất ngủ, canh giữ cơ nghiệp”. Như lời lũ khỉ nói, “May được đại vương về, nếu một năm nữa đại vương không về, thì đến cả động này cũng thuộc về người khác mất”. Tôn Ngộ Không phải chăng là hiện thân của chân tâm, bản tính lương thiện, vô dục vô cầu của con người? Bản tính không trở về kịp thì con người sẽ hoàn toàn bị vọng niệm khống chế, hoàn toàn mất đi tự chủ rồi.
Đáng lo thay, đại đa phần người ta đều không nhận ra “Hỗn Thế ma vương”, bôn ba cả cuộc đời vì danh vì lợi, đến khi nhắm mắt xuôi tay mới hiểu chẳng thể mang theo được gì.
“Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu,
Đời người, bọt nước khác gì đâu.
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.
Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu…”
Tuy nhiên, đối với những ai “tỉnh giấc tìm đường hồi tâm”, thì Hỗn Thế ma vương dẫu tài phép đến đâu cũng không khó diệt trừ. Tây Du Ký, hồi thứ hai có đoạn:
“Ma vương trông thấy, cười nói:
– Nhà ngươi cao không đầy bốn thước, tuổi không quá ba tuần, tay không binh khí, mà dám cuồng điên tìm đến ta so tài sao?
Ngộ Không mắng lại:
– Đồ ma quái khốn kiếp có mắt như mù kia! Nhà ngươi cho ta là nhỏ, muốn to nào có khó gì! Nhà ngươi cho ta là không có binh khí, chỉ hai tay ta vươn ra cũng tới mặt trăng, mặt trời. Nhà ngươi đừng sợ, thử nếm một quyền của lão Tôn đây”.
Cái chân tâm của con người là thần thông quảng đại: có thể biến to thu nhỏ, vươn đến mặt trời mặt trăng.