Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy hơn 1.000 tấn hạt vi nhựa (microplastic) theo mưa rơi xuống 11 khu vực được bảo tồn ở Mỹ hàng năm, tương đương với hơn 120 triệu chai nhựa.
Có nhiều người muốn đặt chân đến các vùng đất hoang sơ ở những công viên được bảo tồn miền Tây nước Mỹ như Joshua Tree, Grand Canyon, Bryce Canyon để hít thở không khí trong lành. Dẫu vậy, có một mối đe dọa vô hình đang thực sự thổi qua không khí và rơi xuống cùng những hạt mưa: Các hạt vi nhựa, các mảnh nhỏ dài chưa đến 5mm của những chai nhựa và các vi sợi (microfiber) bị sờn ra từ quần áo. Tất cả những chất ô nhiễm này đã bị cuốn vào khí quyển Trái đất và đưa đến những nơi hoang dã.
Trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu đã cho biết một khám phá đáng kinh ngạc: Sau khi thu thập mẫu nước mưa và không khí trong 14 tháng, họ đã tính toán rằng có hơn 1.000 tấn hạt vi nhựa (khối lượng tương đương với hơn 120 triệu chai nhựa) rơi xuống 11 khu vực được bảo tồn ở miền tây nước Mỹ mỗi năm.
“Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu tại các khu vực được bảo tồn ở miền Tây, nơi chỉ chiếm khoảng 6% tổng diện tích nước Mỹ,” cô Janice Brahney, nhà khoa học môi trường tại Đại học bang Utah, tác giả chính của báo cáo cho hay. “Số lượng lớn đến nỗi đã làm cho chúng tôi bị sốc.”
Báo cáo còn chỉ ra một vấn đề rất khủng khiếp: Các hạt vi nhựa đang bị thổi đi khắp thế giới, đổ bộ vào những môi trường sống được cho là thuần khiết, như khu vực Bắc Cực và các vùng xa xôi. Chúng chảy vào đại dương qua đường nước thải và làm ô nhiễm các hệ sinh thái dưới biển sâu. Chúng thậm chí còn được đẩy ra khỏi nước và thổi vào đất liền qua gió biển. Không chỉ ở miền Tây nước Mỹ, có lẽ trên khắp thế giới, trong bầu khí quyển đang tràn ngập những hạt vi nhựa. Chúng sẽ rơi xuống đất theo các cơn mưa để hình thành nên một dạng đáng sợ như các cơn mưa axit.
Tuy nhiên, mưa nhựa có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn mưa axit (vốn gây ra do khí thải lưu huỳnh điôxít và nitơ ôxit). Trên thực tế, người ta không thể ngăn chặn hay kiểm soát nguồn mưa nhựa như mưa axit bằng cách hạn chế khí thải từ các nhà máy điện hay phương tiện xe cộ. Chúng ta không có cách nào để lọc nước, đất hoặc không khí để loại bỏ các hạt vi nhựa. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi, và bất kể thứ gì cũng có thể trở thành một chất gây ô nhiễm đáng báo động. Nhựa không bao giờ thực sự biến mất, thay vào đó chúng bị phá vỡ thành các hạt nhỏ hơn và xâm nhập vào từng góc nhỏ của hành tinh. Tệ hơn nữa, chất thải nhựa dự kiến sẽ tăng vọt từ 260 triệu tấn/năm lên 460 triệu tấn vào năm 2030, theo công ty tư vấn McKinsey.
>> Vi hạt nhựa có ở khắp nơi, phát hiện được cả trong nước mưa
Để định lượng các hạt vi nhựa trên khắp miền Tây nước Mỹ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng những mẫu nước mưa và không khí lấy được ở 11 công viên quốc gia và khu bảo tồn, trong đó mỗi người dùng một xô “ướt” để thu nước mưa và xô “khô” để thu không khí. Một cảm biến sẽ phát hiện trời mưa và mở nắp xô “ướt”, đóng nắp xô “khô”. Và ngược lại khi trời nắng, xô khô sẽ thu thập các hạt vi nhựa bay theo gió trong khi xô ướt bị đóng lại. Các nhà nghiên cứu sau đó đã tiến hành xem xét kích thước của các hạt vi nhựa mà họ thu được trong xô.
Kết quả thật khủng khiếp: có khoảng 98% mẫu thu được trong một năm có chứa các hạt vi nhựa. Trung bình, có chừng 4% các hạt trong khí quyển là những loại polyme tổng hợp. Các vi sợi từ các thứ như quần áo polyester, chiếm 66% vật liệu tổng hợp trong những mẫu ướt và 70% trong các mẫu khô.
Bên cạnh đó, cô Brahney và các đồng nghiệp của mình có thể xác định hướng đi của các hạt vi nhựa. Chẳng hạn, gió có thể thổi chúng lên khỏi mặt đất trong những khu vực đô thị và mang chúng theo, sau đó đẩy chúng xuống mặt đất thông qua các cơn mưa. Ngoài ra, các hạt vi nhựa thậm chí có thể đóng vai trò là hạt nhân ngưng tụ, khi các mảnh vụn thu hút hơi nước tạo thành một đám mây.
Mặt khác, bụi khô dường như di chuyển quãng đường dài hơn, do chúng có kích thước nhỏ hơn nên dễ bị gió cuốn đi rất xa, ví dụ như bụi từ sa mạc Sahara có thể dễ dàng thổi ngang qua Đại Tây Dương và rơi xuống rừng nhiệt đới Amazon.
Ngoài ra, hướng di chuyển của máy bay phản lực cũng có thể tác động tới luồng không khí. Chẳng hạn, ở Mỹ, các loại máy bay phản lực thường di chuyển từ phía tây sang đông trên khắp lục địa. Còn tại châu Âu, các hạt vi nhựa dường như đang được đẩy tới vùng Bắc cực.
Cuối cùng, các hạt vi nhựa sẽ bị phá vỡ thành nhựa nano, nhỏ đến mức những nhà nghiên cứu có thể không phát hiện ra nếu không có thiết bị phù hợp. “Tôi không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì có kích thước nhỏ hơn 4 micron, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại,” cô Brahney cho hay. Chúng ta không thể nhìn thấy chúng trước mặt, nhưng không có nghĩa là chúng ta không hít những thứ đó vào.
>> Các hạt vi nhựa giờ đã trôi nổi trong không khí
Các mảnh nhựa có xu hướng phát tán các hóa chất có trong thành phần của chúng theo thời gian và có thể vận chuyển những loại vi khuẩn và virus. Một nghiên cứu được công bố đầu năm 2020 cho thấy loài cua tiếp xúc với các hạt vi nhựa sẽ gặp khó khăn trong việc tạo vỏ mới khi chúng lớn lên.
Cô Brahney và các đồng nghiệp của mình lưu ý rằng, các hạt vi nhựa có thể làm thay đổi tính chất nhiệt của đất, ví dụ, thay đổi cách nó hấp thụ và lưu trữ nhiệt. Chúng cũng có thể dẫn đến sự tăng giảm của các loại vi khuẩn thường sống ở đó, thay đổi cách thức luân chuyển các chất dinh dưỡng, thay đổi cách nước ngấm qua đất.
Dẫu vẫn còn nhiều điều mà khoa học phải tìm hiểu về chu trình của các hạt vi nhựa, nhưng có một điều này hết sức rõ ràng: Chúng ta sẽ không thể đưa nhựa trở lại trong chai.
The post Thảm họa mới của thời đại: Mưa mang theo hạt vi nhựa appeared first on Trí Thức VN.
2020-06-16 23:13:04
Nguồn: https://trithucvn.net/khoa-hoc/tham-hoa-moi-cua-thoi-dai-mua-mang-theo-hat-vi-nhua.html